• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hệ sinh thái nông nghiệp Việt Nam bắt kịp xu thế hiện đại và bền vững

Kinh tế 24/08/2023 15:37

(Tổ Quốc) - Theo Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR), Việt Nam đang định vị mình là trung tâm đổi mới thực phẩm của châu Á và đang xây dựng vị thế là nhà cung cấp thực phẩm có trách nhiệm, minh bạch và bền vững.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ hệ thống nông nghiệp thực phẩm dựa trên chuyên biệt cây trồng và chăn nuôi thâm canh sang phát triển các hệ sinh thái nông nghiệp mới, theo CIFOR.

Các hệ sinh thái nông nghiệp mới hướng tới áp dụng phương pháp canh tác bền vững với sinh thái thay vì sử dụng các sản phẩm hóa chất có sẵn, kết hợp kiến thức khoa học và kinh nghiệm địa phương, đồng thời tập trung vào sự tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường.

Cam kết này của Việt Nam đã được nhấn mạnh trong sự kiện 'Khai thác tiềm năng của sinh thái nông nghiệp ở Đông Nam Á để chuyển đổi hệ thống thực phẩm trở nên bền vững' – nằm trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu lần thứ 4: Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững - Mạng lưới một hành tinh tại Hà Nội vào ngày 25 tháng 4 năm 2023. Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của trên 300 đại biểu, trong đó bao gồm gần 200 đại biểu quốc tế đến từ nhiều quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các Tổ chức quốc tế.

Hệ sinh thái nông nghiệp Việt Nam bắt kịp xu thế hiện đại và bền vững - Ảnh 1.

Việt Nam xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Ảnh: forestsnews.

Chính phủ quan tâm lớn đến nông nghiệp bền vững

Phiên họp có sự tham dự và phát biểu của các quan chức chính phủ Việt Nam và các nước, cũng như các chuyên gia sinh thái nông nghiệp cấp cao trên khắp thế giới. Các diễn giả đã cung cấp thông tin cập nhật về các chính sách nông nghiệp quốc gia và chia sẻ về 13 nguyên tắc sinh thái nông nghiệp có thể thực hiện ở nhiều quy mô khác nhau hướng tới xây dựng hệ thống lương thực bền vững trên khắp khu vực Đông Nam Á.

Theo CIFOR, việc chọn lựa Việt Nam là địa điểm tổ chức sự kiện này là một lựa chọn hiển nhiên, vì các nhà lãnh đạo quốc gia đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến hệ sinh thái nông nghiệp trong những năm gần đây.

Kế hoạch kinh tế xã hội 2021-2025 của Việt Nam có bao gồm nội dung "khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu" và Chiến lược quốc gia về nông nghiệp bền vững và phát triển nông thôn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng rõ ràng về các giải pháp sinh thái nông nghiệp.

Dựa trên những văn bản quan trọng này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra cam kết của Việt Nam về tập trung vào tính minh bạch, trách nhiệm và tính bền vững trong hệ thống thực phẩm. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng đã khẳng định mong muốn củng cố vị thế của Việt Nam là một trung tâm phát triển, đổi mới thực phẩm châu Á và nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm phải gắn liền với sự tiến bộ của sinh thái nông nghiệp.

Vào tháng 3 năm nay, chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh rõ ràng vào quá trình chuyển đổi sinh thái nông nghiệp.

Thông tin về kế hoạch này, Phó Giáo sư Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam VAAS cho biết mục tiêu của Việt Nam trong lĩnh vực này không chỉ gói gọn ở tầm quốc gia. "Việt Nam hiện đang đóng vai trò rất tích cực trong việc khởi xướng mạng lưới sinh thái nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến phát triển sinh thái nông nghiệp", Phó giáo sư Đào Thế Anh nói.

Việt Nam là điểm sáng về sinh thái nông nghiệp

Bản thân việc tổ chức sự kiện "Khai thác tiềm năng của sinh thái nông nghiệp ở Đông Nam Á để chuyển đổi hệ thống thực phẩm trở nên bền vững" cũng đã thể hiện một cột mốc quan trọng trong việc xây dựng liên minh sinh thái nông nghiệp khu vực. Tại sự kiện này, dự án Chuyển đổi hệ thống thực phẩm an toàn và sinh thái nông nghiệp ở Đông Nam Á (ASSET) được giới thiệu nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sinh thái nông nghiệp của Việt Nam và khu vực.

Ông Fergus Sinclair, Nhà khoa học trưởng của Tổ chức nghiên cứu Nông lâm quốc tế tại Việt Nam cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng "Về nhiều mặt, Việt Nam là điểm sáng dẫn đầu ở Đông Nam Á về sinh thái nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này cũng không hề dễ dàng, chẳng hạn như những khó khăn trong vấn đề an ninh lương thực và cần duy trì năng suất trong khi giảm sử dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp".

"Một tín hiệu tích cực là ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự tăng cường quá trình canh tác và phối hợp nhiều loại giống cây trồng vẫn có thể mang lại năng suất cao. Hiện có rất nhiều dữ liệu cho thấy rằng, với việc trồng trọt đa dạng và sử dụng thêm các cây họ đậu trong quá trình xen canh, ngành nông nghiệp có thể đạt được năng suất cao mà không cần sử dụng phân đạm sản xuất công nghiệp và thuốc trừ sâu. Những cách tiếp cận như vậy hài hòa với thiên nhiên hơn nhiều so với nông nghiệp thông thường", ông Fergus bày tỏ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ