Các chuyên gia nói, dù trên danh nghĩa được cho là theo mô hình của Mỹ, nhưng thực sự hệ thống kiểm định hiện nay gần như do Bộ Giáo dục kiểm soát tuyệt đối.
Ngày 25/10/2019, tại Trường Đại học Nha Trang, Hiệp hội Các trường trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo “Bảo đảm và Kiểm định chất lượng giáo dục đại học trên thế giới và ở Việt Nam”.
123 cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Mỹ Phong - Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện cả nước có 5 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập, cấp phép hoạt động.
Gồm 4 tổ chức do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập, còn lại là 1 tổ chức của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thành lập.
Tính đến ngày 31/8/2019, đã có 251 cơ sở giáo dục đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, 133 cơ sở giáo dục đại học và 7 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá ngoài, trong đó có 123 cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
72 chương trình đào tạo hoàn thành tự đánh giá, trong đó có 64 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài, 19 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Đối với đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 7 trường đại học được đánh giá ngoài, được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu, giáo dục đại học Pháp (HCERES) và AUN-QA.
Có 139 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận.
Số lượng các trường có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế ngày càng nhiều lên, thứ hạng cũng từng bước được cải thiện.
Tới nay đã có 7 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 500 trường hàng đầu Châu Á, 4 cơ sở giáo dục đại học có tên trong danh sách 1.000 trường tốt nhất thế giới của các bảng xếp hạng có uy tín.
Ngoài ra, 3 trường đại học đã được chứng nhận 3,4 sao theo QS-Stars.
Kiểm định chất lượng giáo dục đại học cần tạo ra sự khách quan, công bằng
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai điều kiện bảo đảm chất lượng trong đề án tuyển sinh trước mùa tuyển sinh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát.
Về cơ bản, các cơ sở giáo dục đại học đã ngày càng chú trọng, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, quản lý tổ chức đào tạo ngày càng hiệu quả, việc quản lý nhà trường được tin học hóa, có nhiều mô hình tốt trong quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng được lan tỏa.
Cho tới nay, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng của 15 trường đại học.
Bộ Giáo dục gần như kiểm soát tuyệt đối hệ thống kiểm định
Tuy nhiên, việc kiểm định và bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức.
Theo bà Vũ Thị Phương Anh – Giám đốc đảm bảo chất lượng giáo dục, Tập đoàn Nguyễn Hoàng, đó là sự thiếu ổn định của hệ thống kiểm định tại Việt Nam, đặc biệt là về quan điểm thực hiện.
Sự bất ổn này thông qua sự thay đổi liên tục về các bộ tiêu chuẩn kiểm định, cách thức thực hiện đánh giá.
Đó là tính độc lập của hệ thống kiểm định. Dù trên danh nghĩa hệ thống kiểm định của Việt Nam được cho là theo mô hình kiểm định của Mỹ, nhưng thực sự hệ thống này hiện nay gần như do Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát tuyệt đối, từ tiêu chuẩn, phương pháp, thẩm quyền thành lập trung tâm kiểm định, nội dung đào tạo, thẩm quyền cấp thẻ kiểm định viên, kế hoạch triển khai kiểm định.
Sự thiếu độc lập của hệ thống kiểm định đã tác động tiêu cực đến tiến độ, hiệu quả của việc triển khai kiểm định trong hệ thống giáo dục đại học.
Đồng quan điểm này, Phó Giáo sư Trần Mai Ước - Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần nhấn mạnh đến tính độc lập tuyệt đối của hệ thống kiểm định, đây là yếu tố đầu tiên, mang tính chất cơ bản của quá trình kiểm định.
Bởi lẽ, theo Phó Giáo sư Trần Mai Ước, độc lập, khách quan, minh bạch luôn là nguyên tắc quan trọng nhất của tất cả các mô hình kiểm định.
Theo: Việt Dũng/Giáo dục Việt Nam