Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày các cơ sở khám, chữa bệnh do Sở Y tế Hà Nội quản lý thải ra hơn 13 tấn rác thải, trong đó phần lớn là rác thải y tế nguy hại và chất thải rắn nhưng hệ thống xử lý còn kém, kinh phí đầu tư hạn chế.
Theo ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, lượng chất thải rắn phát sinh một ngày của các cơ sở do Sở Y tế quản lý gồm 41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế huyện, 14 trung tâm chuyên khoa vào khoảng 11 tấn/ngày. Trong đó, có 9,249 tấn/ngày là chất thải rắn y tế thông thường, 1,842 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại. Các trạm y tế xã/phường/thị trấn trung bình mỗi ngày thải ra từ 0,1- 0,5kg chất thải rắn y tế nguy hại và 1-4kg chất thải rắn y tế thông thường.
Việc thu gom, tiêu hủy rác thải y tế tại các tỉnh thành còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh nguồn: anninhthudo.vn.
|
Ước tính, đến năm 2020, tổng lượng chất thải y tế phát sinh một ngày trên địa bàn Hà Nội là 15,8 tấn/ngày, trong đó khối lượng chất thải y tế nguy hại là 3,16 tấn/ngày. Ngoài ra, tổng lượng nước thải trung bình một ngày của các cơ sở thuộc Sở Y tế Hà Nội khoảng 10.029m3/ngày. Ước đến năm 2020 là 13.495m3/ngày.
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, giai đoạn 2010-2015, thành phố đã đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải lỏng cho 30 bệnh viện, 45 phòng khám đa khoa khu vực; 11 bệnh viện còn lại đã được đầu tư theo quy mô bệnh viện trước đây hiện đã xuống cấp; 32 bệnh viện tư nhân đã được đầu tư trước khi đi vào hoạt động. Đối với chất thải rắn, thành phố đã đầu tư lò đốt chất thải y tế cho 16 bệnh viện.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị không đủ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải, khu lưu giữ chất thải rắn; kinh phí cho vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải; kinh phí mua hóa chất, vật tư làm sạch môi trường, kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tiêu hủy chất thải rắn y tế khá lớn nên các đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Sở Y tế Hà Nội đã có kiến nghị, trong giai đoạn tới cần có một biên chế chuyên trách cho công tác quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện và các trung tâm y tế quận, huyện vì hiện tại là cán bộ kiêm nhiệm. Đặc biệt, cần phân cấp rõ giữa Trung ương và địa phương trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác xử lý chất thải y tế của các đơn vị y tế trên địa bàn để tránh chồng chéo, và tăng cường đầu tư kinh phí quản lý chất thải y tế.
Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, nước thải đầu ra của nhiều bệnh viện không đạt một số chỉ tiêu vi sinh và lý hóa. Bên cạnh đó, không ít bệnh viện vẫn chưa được cấp giấy phép xả thải theo quy định của Luật Tài nguyên nước.
Cụ thể, bệnh viện Đại học Y dược (cơ sở 1) có lượng nước thải được xử lý là 99.550 m3 nhưng kết quả xét nghiệm nước thải đầu ra không đạt chỉ tiêu amoni hay như bệnh viện Đa khoa Hồng Đức có lượng nước thải được xử lý là 6.335 m3nhưng không đạt chỉ tiêu pH.
Báo cáo còn cho thấy nước thải đầu ra của bệnh viện CK Thẩm mỹ Á Âu không đạt chỉ tiêu amoni, sunfua, tổng các chất hoạt động bề mặt, dầu mỡ. Bệnh viện này cũng chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép xả thải và hiện đang trong quá trình cải tạo hệ thống xử lý nước thải.
Ở lĩnh vực cơ sở y tế công, nước thải đầu ra của bệnh viện Truyền máu huyết học (cơ sở 2) không đạt các chỉ tiêu NH4+, BOD, COD, S2, dầu mỡ, Coliform) và cũng không có giấy phép xả thải. Tương tự, nước thải đầu ra của bệnh viện Ung bướu cũng không đạt các chỉ tiêu BOD, COD, NO3-, pH…), chưa có giấy phép xả thải , hệ thống xử lý nước thải cũng đang chờ cải tạo.
Các bệnh viện khác như Chấn thương chỉnh hình, Đa khoa Sài Gòn, Tai mũi họng, Mắt… cũng không đạt một số chỉ tiêu xét nghiệm nước thải đầu ra. Chưa hết, các BV này cũng chưa có giấy phép xả thải hoặc giấy phép xả thải đã hết hạn.
Hiện, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các bệnh viện nói trên nhanh chóng cải tạo hệ thống xử lý nước thải và xin giấy phép xả thải./.
Tuấn Minh