(Tổ Quốc) - Đây là sản phẩm tự nghiên cứu của hai học sinh lớp 11 của trường THPT An Lạc Thôn, Kế Sách, Sóc Trăng.
Đây là sản phẩm tự nghiên cứu của hai học sinh lớp 11 của trường THPT An Lạc Thôn, Kế Sách, Sóc Trăng.
Từ thực tế, nhiều vùng nông thôn hiện nay vẫn còn khó khăn, các nguồn nước uống hợp vệ sinh có giá thành rất cao nên người dân vẫn tích trữ, sử dụng nước mưa để ăn uống, sinh hoạt trực tiếp.
Vì vậy, hai em Nguyễn Ngọc Thảo Quỳnh và Lê Võ Hoàng Yến là học sinh của trường THPT An Lạc Thôn đã mày mò nghiên cứu và chế ra “Hệ thống xử lý nước mưa khép kín”.
Hai em Thảo Quỳnh và Hoàng Yến cạnh mô hình “Hệ thống xử lý nước mưa khép kín”. Ảnh nguồn: tienphong.vn. |
Hệ thống này được các em thực hiện theo các bước: Xử lý mùi và màu của nước mưa thông qua sỏi và than hoạt tính; lọc thẩm thấu, lọc ngược và xử lý vi sinh vật bằng ozôn, hoặc phương pháp SODIS sử dụng năng lượng để xử lý vi sinh vật.
Thầy Nguyễn Ngọc Hài, giáo viên hướng dẫn cho biết, “Hệ thống xử lý nước mưa khép kín” do các em thực hiện rất đơn giản, dễ làm nhưng thân thiện với môi trường và ít tốn kém (chỉ khoảng 1,6 triệu đồng nếu mua thêm máy sục ozôn).
Theo kết quả kiểm định của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, các mẫu nước mưa sau khi qua hệ thống lọc đều đạt tiêu chuẩn nước uống của Bộ Y tế.
Do vậy, sản phẩm của các em rất hiệu quả và có thể áp dụng cho các gia đình vùng sâu, vùng xa, vùng núi hay các vùng ven biển./.
Tuấn Minh (tổng hợp)