Đường dây nóng
0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn
Liên hệ quảng cáo
091.358.6788
UBND Hà Nội vừa quyết định thay thế hàng trăm cây phong lá đỏ trên dải phân cách tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.
Số cây phong lá đỏ này được Hà Nội trồng thử nghiệm từ tháng 1/2018. Đường Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây và tuyến Trần Duy Hưng có 143 cây.
Ghi nhận của PV Báo điện tử Tổ Quốc, sáng 6/4, nhiều gốc phong có hiện tượng héo úa, không còn sức sống.
Những cây phong lá đỏ đã "biến" thành củi khô
Chỉ còn lại một vài chiếc lá xanh
PV thử bóc lớp vỏ của một cành phong thì thấy phía bên trong còn khá tươi, tuy nhiên cây phong vẫn không chịu "mọc lá".
Vốn được kỳ vọng sẽ mang sắc màu châu Âu vào Hà Nội, thế nhưng, sau 3 năm những hàng cây phong luôn trong tình trạng khô héo, trơ trụi.
Trước đó, tối 26/6/2020, một số cây phong đã bị chặt bỏ vì có hiện tượng héo úa.
Theo thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội, 45 cây đã chết, 217 cây còn lại sinh trưởng kém.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc hàng phong héo úa, không phát triển làm ảnh hưởng đến cảnh quan của tuyến phố. Những cây còn sống thì sinh trưởng, phát triển kém. Sau một thời gian, lá bị héo, cành, nhánh bị khô và hay bị sâu bệnh dù Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã nhiều lần phun thuốc phòng trừ.
Để bảo đảm cảnh quan, đồng bộ hệ thống cây xanh, đáp ứng thẩm mỹ, mỹ quan đô thị trên tuyến đường, Sở Xây dựng đề xuất với UBND TP Hà Nội 2 phương án.
Phương án 1 là trồng thay thế cây phong bằng toàn bộ cây bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây từ 10-15cm, chiều cao vút ngọn 6-8m. Phương án 2 là trồng đan xen giữa 1 cây bàng lá nhỏ có đường kính thân cây từ 10-15cm, chiều cao vút ngọn 6-8m và 1 cây cọ dầu đường kính 40-60cm, chiều cao lộ thân khoảng 2m.
Việc trồng cây thay thế sẽ được thực hiện trong tháng 4/2021 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
Nam Nguyễn