(Tổ Quốc) - Chiều 26/9, tại Hà Nội, bà Nguyễn Phương Hoà- Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL đã có buổi tiếp đoàn Hiệp hội Công nghiệp video châu Á (AVIA) do ông John Medeiros, Giám đốc Chính sách dẫn đầu.
Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện cấp cao của một số công ty thành viên của AVIA nhằm trao đổi về các vấn đề xung quanh việc sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.
Ông John Medeiros và bà Nguyễn Phương Hòa
Theo ông John Medeiros, Việt Nam nên bỏ quy định về cấp phép dịch vụ OTT (dịch vụ truyền hình trả tiền cung cấp trên Internet) mà chỉ cần yêu cầu đăng ký dịch vụ, có mã số thuế ở Việt Nam để đóng thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài. Bởi vì tính trên quy mô thị trường, thị phần của OTT chuyên nghiệp không đáng kể. Một số nước như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Úc, Malaysia cũng không yêu cầu cấp phép. Hoặc như Anh hoặc Hà Lan thì chỉ cần yêu cầu đăng ký dịch vụ với các cơ quan quản lý. Nhà nước chỉ cần kiểm soát các rủi ro do công nghệ mới áp dụng theo những luật và quy định hiện hành như quy định về an ninh dữ liệu, quyền riêng tư hay quảng cáo như đối với các dịch vụ theo yêu cầu (VOD) mà không cần có quy định nào mới hay riêng cho các dịch vụ OTT.
Ông John Medeiros cũng viện dẫn hình thức tự động cấp phép cho các dịch vụ VOD thông qua hình thức cấp phép theo loại hình như Singapore đang áp dụng. Theo cơ chế này, các nhà cung cấp dịch vụ VOD sẽ sẽ tự động được phép cung cấp dịch dịch vụ của họ miễn là tuân thủ "quy tắc nội dung cho các dịch vụ trực tuyến, VOD".
Ông John Medeiros khuyến nghị nên bỏ tỷ lệ tối thiểu đối với nội dung trong nước để khuyến khích các doanh nghiệp OTT mới có kinh phí để đầu tư sản xuất nội dung, gỡ bỏ các rào cản với ngành công nghiệp sản xuất nội dung trong nước. Hiện nay không có nước nào trên thế giới yêu cầu tỷ lệ tối thiểu nội dung trong nước đối với dịch vụ trực tuyến.
Đoàn Hiệp hội Công nghiệp video châu Á (AVIA) làm việc với Bộ VHTDL
Ông John Medeiros cho rằng, cần để ý xem tập trung nguồn lực vào gì trước, các OTT đã tạo ra vấn đề gì lớn, tạo ra bức xúc đủ để quản lý hay chưa. Các quốc gia đang quản lý theo cách tiếp cận mở đều có quan điểm như vậy, nếu dịch vụ chưa tạo bức xúc cho xã hội thì chưa cần quản lý cấp phép, chỉ cần đưa ra bộ quy tắc ứng xử, quản lý bằng các biện pháp hậu kiểm thay vì tiền kiểm.
Bà Nguyễn Phương Hòa đánh giá cao những ý kiến góp ý của ông John Medeiros và các thành viên trong đoàn làm việc. Bà Hòa cho rằng, Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn thông qua các phương tiện nghe, nhìn hiện đại và mạng internet, người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận đa dạng các sản phẩm văn hóa, đảm bảo nhu cầu thưởng thức văn hóa cũng như quyền hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Việt Nam cũng khuyến khích các nhà sản xuất trong nước sáng tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, mang dấu ấn văn hóa Việt, góp phần làm đa dạng các sản phẩm văn hóa, tinh thần phục vụ đời sống nhân dân.
Bà Nguyễn Phương Hòa cho rằng, việc quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình, trong đó, dịch vụ truyền hình trả tiền cung cấp trên Internet là những lĩnh mới ở Việt Nam, vì vậy, Bộ VHTTDL rất mong muốn được nghe những khuyến nghị về chính sách quản lý, giải pháp quản lý của các tổ chức, đơn vị, đặc biệt là từ Hiệp hội Công nghiệp video châu Á.
Ghi nhận những khuyến nghị của AVIA, bà Nguyễn Phương Hòa cho biết, Cục Hợp tác quốc tế sẽ tổng hợp các ý kiến và báo cáo Lãnh đạo Bộ VHTTDL để có tiếng nói trong quá trình góp ý với Bộ Thông tin và Truyền thông, và Chính phủ trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định./.