• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp

Du lịch 10/03/2020 16:29

(Tổ Quốc) - Không đón khách từ vùng có dịch về Bà Rịa – Vũng Tàu, hiệp hội Du lịch tỉnh BR-VT kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp, di tích Hầm thủy lôi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xuống cấp nghiêm trọng, khởi động 9 trại sáng tác cho các họa sĩ TPHCM là những tin văn hóa du lịch đáng chú ý tại 2 tỉnh vừa qua

Không đón khách từ vùng có dịch về Bà Rịa – Vũng Tàu

Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có văn bản gửi Hiệp hội Du lịch tỉnh và các DN du lịch trên địa bàn đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp phòng dịch COVID-19.

Theo Sở Du lịch, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và bùng phát nghiêm trọng tại một số quốc gia. Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng dịch, Sở Du lịch đề nghị các DN lữ hành không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến BR-VT, hạn chế tổ chức các đoàn tham quan các tỉnh, thành trong nước và ngoài nước đang có dịch và người mắc bệnh. Các cơ sở kinh doanh lưu trú nắm bắt sức khỏe, lịch trình của khách du lịch, kịp thời thông báo đến cơ sở y tế và chính quyền địa phương để tổ chức quản lý, cách ly khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trong đó đặc biệt lưu ý khách du lịch quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc.

Không đón khách từ vùng có dịch về Bà Rịa – Vũng Tàu - Ảnh 1.

Giữa thời điểm dịch COVID-19 tác động nhiều mặt đến các địa phương, du khách vẫn đổ về Vũng Tàu vui chơi, đón nắng. (Ảnh chụp chiều 1/3 tại khu vực Bãi Sau, TP.Vũng Tàu). Ảnh: QUANG VINH, Báo BRVT

Trong một diễn biến liên quan, Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ VHTTDL tại Công văn số 947/BVHTTDL-TCDL về việc sử dụng cơ sở lưu trú du lịch vào việc cách ly phòng chống dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh BR-VT ban hành văn bản giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các ngành, đơn vị liên quan rà soát, lựa chọn một số cơ sở lưu trú du lịch phục vụ việc cách ly người Việt Nam và người nước ngoài từ các nước có dịch nhập cảnh vào Việt Nam lưu trú theo hình thức có trả phí; Gửi danh sách các cơ sở lưu trú du lịch theo các hạng sao kèm giá phòng ngủ và giá các dịch vụ thiết yếu (theo mức giá ưu đãi) về Bộ VHTTDL để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh thông báo cho các đối tượng phải cách ly đăng ký. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch được lựa chọn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ khách lưu trú cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hiệp hội Du lịch tỉnh BR-VT kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp

Mới đây, Hiệp hội Du lịch tỉnh BR-VT đã có công văn gửi UBND tỉnh kiến nghị gỡ khó cho khối DN du lịch bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Theo đó, để giúp khối DN du lịch giảm bớt khó khăn, tiết kiệm chi phí, ổn định hoạt động, HHDL kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế xem xét miễn, giảm và giãn thời gian nộp tiền thuê đất, thuế VAT, thuế thu nhập DN; tính giá điện, nước hợp lý căn cứ vào mục đích sử dụng; hỗ trợ kinh phí cho công tác truyền thông, quảng bá điểm đến BR-VT trên các kênh có sức lan tỏa mạnh; ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ hoặc khoanh nợ với các khoản vay của DN du lịch…

Theo ước tính của Hiệp hội Du lịch tỉnh BR-VT, trong quý I, thị trường khách đến BR-VT giảm từ 50-80% so với cùng kỳ, hơn 13.000 phòng bị hủy, khối khách sạn chỉ duy trì công suất từ 10-15%, chủ yếu đón khách lẻ và khách đặt dịch vụ trực tuyến. Ở khối lữ hành, việc khách hủy tour, tuyến khiến các DN lữ hành thiệt hại hàng chục tỷ đồng do chi phí thị thực, đặt cọc dịch vụ... Tuy nhiên, con số thiệt hại trên mới chỉ thống kê sơ bộ. Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và lan rộng trên thế giới, dự báo tiếp tục đẩy ngành du lịch và DN tiếp tục vào thế khó, nguy cơ thua lỗ, phá sản hoàn toàn có thể xảy ra nên HHDL rất cần nhà nước chung tay đồng hành, hỗ trợ DN vượt qua thời điểm khó khăn này.

Di tích Hầm thủy lôi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xuống cấp nghiêm trọng

Nguồn tin báo SGGP cho hay, trận địa pháo cổ hầm thủy lôi núi Lớn, Cầu Đá, núi Tao Phùng ở Vũng Tàu được mệnh danh là bộ sưu tập pháo cổ lớn nhất Đông Dương. Đây là 3 trong số 28 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng. Thế nhưng, do không được quan tâm tu bổ, các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có di tích đứng trước nguy cơ xóa sổ do bị xâm lấn.

Năm 2016, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo giám sát về công tác quản lý đối với các di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, trong đó chỉ ra nhiều di tích bị lấn chiếm và ban đã kiến nghị Sở VH-TT có các giải pháp chấn chỉnh nhưng đến nay chưa được xử lý. Mới đây, một lần nữa, tại phiên họp thứ 28, Thường trực HĐND tỉnh khóa VI (nhiệm kỳ 2016-2021), các đại biểu tiếp tục chất vấn vấn đề nhiều di tích bị lấn chiếm, xâm hại nghiêm trọng và không phát huy được tiềm năng. Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT, giải trình, do công tác quản lý di tích còn nhiều bất cập. Một phần do kiểm tra, giám sát chưa sát, đội ngũ cán bộ quản lý kiêm nhiệm, không chuyên trách, nhưng một phần do việc bàn giao di tích cho các địa phương quản lý chưa khớp so với trên thực địa. Hiện nay, sở đã xây dựng kế hoạch đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy một số di tích có tiềm năng phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 với tổng kinh phí hơn 634 tỷ đồng; phối hợp với Sở Xây dựng đo đạc, cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di tích, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020. Với các di tích bị xâm hại lấn chiếm, sở tham mưu UBND tỉnh ra quyết định cưỡng chế, thu hồi mặt bằng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, câu chuyện về sự xuống cấp, xâm hại di tích đã nói quá nhiều tại các cuộc họp, kỳ họp nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí còn trở nên trầm trọng hơn. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở VH-TT xem xét trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc bảo vệ, quản lý di tích và phối hợp với các đơn vị, địa phương cưỡng chế các hộ dân lấn chiếm đất di tích. Đồng thời, lên kế hoạch, lộ trình đầu tư, tôn tạo biến các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh thành những công viên xanh, điểm du lịch.

Khởi động 9 trại sáng tác cho các họa sĩ TPHCM

Đoàn 26 họa sĩ, nhà điêu khắc TPHCM vừa có hành trình đến huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tham gia Trại sáng tác Điêu khắc do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức.

Đây là 1 trong 9 trại sáng tác thực tế được Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức trong năm 2020 với sự tham gia của hàng trăm họa sĩ, nghệ sĩ thành viên. Theo Hội Mỹ thuật TPHCM, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để bảo đảm sự an toàn cho hàng trăm thành viên tham gia trại sáng tác nên một số địa điểm đã được ban tổ chức linh động thay đổi so với kế hoạch ban đầu.

Tiếp đó, từ nay đến cuối tháng 4, lần lượt các trại sáng tác sẽ khởi động tại nhiều địa điểm. Cụ thể, các họa sĩ chuyên sáng tác chất liệu màu nước sẽ tham gia trại sáng tác tại Hòn Sơn, tỉnh Kiên Giang (từ ngày 10 đến 19-3); trại sáng tác dành cho chuyên ngành hội họa, trang trí mỹ thuật tại làng Chơ Ré, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (từ ngày 17 đến 25-3); trại sáng tác tại TPHCM gồm ngành hội họa, đồ họa, điêu khắc và trang trí mỹ thuật dành cho các hội viên lớn tuổi, không có điều kiện đi xa (từ 16-3 đến 16-6)…Tác phẩm từ các trại sáng tác thực tế lần này sẽ được báo cáo và trưng bày tại triển lãm vào tháng 6.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ