Trong số gần 900 tác phẩm tham dự giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 3, 2016, có một trường hợp khá đặc biệt: Đó là một nữ tác giả người Việt ở nước ngoài, làm cộng tác viên cho các báo chí trong nước, đã dành giải khuyến khích thể loại báo in; cũng như, là dịch giả của chính cuốn sách mà tác giả của nó đoạt giải nhì thể loại sách của cuộc thi này.
Nhà văn Hiệu Constant |
Loạt bài Ký sự người viễn xứ của Hiệu Constant do báo Văn nghệ Thái Nguyên - nơi đăng tải bài của chị gửi đi tham dự Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại. Dù chỉ được giải khuyến khích, nhưng chị rất vui, vì đó là điều ghi nhận với một người làm báo “tay ngang” như chị. Hiệu Constant kể: “Thực ra cũng là một cơ duyên khi tôi viết loạt ký sự mang tên Ký sự người viễn xứ. Do sự gặp gỡ tình cờ với chị Nguyễn Thúy Quỳnh làm ở báo Văn nghệ Thái Nguyên. Chị em cứ trao đổi với nhau và đến 1 hôm chị ấy bảo tại sao em ko viết 1 loạt những ký sự người viễn xứ nhỉ. Bạn biết đấy tôi đã viết cuốn Làm dâu nước Pháp rồi. Cũng một phần do khuôn khổ của cuốn sách, do số trang nên tôi đã không nói hết được những điều mình muốn nói cũng như có những điều mình quên trong Làm dâu nước Pháp. Như vậy nhân sự chị Quỳnh gợi ý, “bật đèn xanh” cho tôi để tôi bắt tay vào viết.”
Hiện vẫn sống với gia đình ở Paris, dịch giả Hiệu Constant bây giờ cộng tác với nhiều tờ báo trong nước, thậm chí không chỉ viết lách mà chị còn “tay xách nách mang” cả máy quay video, cả dựng hình để làm phỏng vấn, phóng sự cho Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, nơi chị làm cộng tác viên. Nhưng cái máu say nghề, cộng với một “tinh thần thép” làm gì cũng phải tới nơi tới chốn nên chị “lăn xả” vào công việc như một “phóng viên thứ thiệt”... Loạt phóng sự Ký sự người viễn xứ có những thú vị của sự trải nghiệm, sự sống động của những người trong cuộc, cũng là sự nối dài của “Làm dâu nước Pháp”. Phóng sự có ba phần: Làm quen, Nước Pháp trên những nẻo đường, Những người bạn Pháp thân thiện: “Làm quen thì đúng là làm quen thật vì khi tôi bắt đầu đặt chân lên nước Pháp thì tôi đã có đứa con trai đầu tiê là bé Bin. Lúc đó thì đúng là phải làm quen mọi thứ bởi vì chỉ biết nước Pháp qua tranh ảnh, phim…nhưng nước Pháp thực tế thì khác xa lắm. Chồng tôi lại ở ngay Pari, thủ đô của nước Pháp. Biết bao điều bỡ ngỡ, phải làm quen, cả tiếng nói khí hậu rồi mọi thứ…Trong quá trình làm quen thì tôi làm quen với cs của nước Pháp, với các cô bác Việt kiều đã từng ở Pari lâu năm và rất có tiếng tăm, như GS Trần Văn Khê, hay bác Lê Thành Khôi, hay nhà sử học Công Thị Nghĩa mà mọi người hay biết là cô Thu Trang, hoa hậu đầu tiên của miền Nam năm 1953… Trong quá trình sống thì tìm kiếm đó,, đôi khi chỉ chào nhau bằng tiếng Việt thôi thì cũng đã thấy ấm lòng một chút rồi. Trong những ngày đầu tiên khi mình còn bỡ ngỡ với cuộc sống của người Pháp kể cả hồi đầu sang nói tiếng Pháp chưa được giỏi lắm, chưa được tự tin lắm, do vậy khi được gặp đồng bào của mình, được nói tiếng nói của mình thì tự tin hơn…”
Hiệu Constant cho biết, công việc làm cộng tác viên các báo đã cho chị rất nhiều, nhất là việc gặp gỡ những con người mới, những sự hiểu biết mới: “Tôi cũng rất xúc động khi trong qúa trình làm việc sau này tôi trở thành cộng tác viên với nhiều báo ở Việt Nam. Khi đi các sự kiện, ví dụ các cô bác Việt kiều tổ chức quyên góp để giúp đỡ đồng bào trong nước gặ khó khăn… bạn có hình dung không, ở giữa một đất nước như vậy, mình thấy lá cờ tổ quốc của mình bay phấp phới, thì xúc động lắm. Sau đấy mọi người lại hát Quốc ca, hát Nối vòng tay lớn chẳng hạn…xúc động lắm. Nhưng có lần tôi xúc động nhất là lần về quê chồng vùng Perprignan, nhân đọc một bài báo mà nói về những người An Nam xưa kia đi sang Pháp ở đầu thế kỷ 20, trước cả cuộc đại chiến thế giới thứ nhất. Tôi đọc bài báo nói rằng ở thành phố Port-Vendre có đặt bia để tưởng niệm những người An Nam Thì tôi có tìm đến. Và đúng là trong một nghĩa trang của một thành phố nhỏ nằm trên quả đồi mênh mông như vậy trông ra Địa Trung Hải Thì có 1 tượng đài ghi tên lần lượt bảy người An Nam, không rõ quê quán mà chỉ ghi ngày mất. Với con số ít ỏi như vậy tôi không biêt stìm họ ở đâu, nên đến đó tưởng niệm”.
Loạt ký sự có phần viết nhan đề Những người bạn Pháp thân thiện. Hiệu Constant nói, không chỉ gặp gỡ các bà con cô bác anh chị em Việt kiều ở Pháp, mà quá trình tác nghiệp chị còn gặp được những người bản địa với những ký ức rất đặc biệt về Việt Nam: “Thì đúng là có những người bạn Pháp rất thân thiện và họ rất yêu Việt Nam. Họ đã dành trọn cả đời để đấu tranh cho con người Việt Nam, yêu con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam...Trong quá trình này tôi gặp được những người rất tuyệt vời”
Và cơ duyên đã cho chị dịch cuốn sách Những năm tháng làm đại sứ tại Việt Nam của ông cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison, một người đã có rất nhiều hoạt động kết nối ngoại giao chính trị, văn hóa, kinh tế giữa Việt Nam và Pháp từ những năm tháng Việt Nam còn khó khăn vì bị cấm vận, để NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Niềm vui với Hiệu được nhân đôi, khi thật tình cờ với chị, cuốn sách đó được trao giải nhì cho tác giả, một trong ba giải nhì (không có giải nhất) giải dành cho Sách cũng của cuộc thi về thông tin đối ngoại này.
Thanh Giang
(Nguồn: Vov)