• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Văn hoá 05/08/2022 20:15

(Tổ Quốc) - Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã và đang có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Xác định bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số là một bộ phận cấu thành, tạo nên nền văn hóa Xứ Lạng, tỉnh luôn có những định hướng và chỉ đạo kịp thời. Bên cạnh hệ thống các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trung ương, tỉnh Lạng Sơn đã cụ thể hóa các nội dung trên thông qua việc ban hành một số Nghị quyết chuyên đề, các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở gắn với việc thực hiện phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đơn vị, địa phương, phù hợp với điều kiện chung của tỉnh, tạo sự phát triển đồng bộ và hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa.

Công tác kiểm kê, lập danh mục, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học trình xếp hạng các loại hình di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng được quan tâm, triển khai thực hiện thường xuyên. Đến nay tỉnh đã hoàn thành công tác kiểm kê di tích, hoàn thành công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn theo quy định. Toàn tỉnh hiện có 335 di tích nằm trong danh mục kiểm kê được phê duyệt, trong đó có 133 di tích xếp hạng các cấp; có 08 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn - Ảnh 1.

Các thành viên CLB Yêu dân ca, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc biểu diễn tiết mục hát SLi tại Bảo Tàng tỉnh/Nguồn:Báo Lạng Sơn

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống gắn với ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong công tác bảo tồn văn hóa của các dân tộc cũng được quan tâm, chú trọng. Từ năm 1998 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện trên 20 dự án nghiên cứu phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại hình lễ hội, dân ca, dân vũ, cùng nhiều phong tục tập quán truyền thống của đồng bào nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Biên soạn, phát hành gần 100 đầu sách, ấn phẩm với hàng chục nghìn bản về các loại hình di sản văn hóa để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của nhân dân.

Hoạt động truyền dạy, bảo lưu, trao truyền di sản văn hóa nói chung, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được đẩy mạnh, việc thành lập, kiện toàn, duy trì các câu lạc bộ, mô hình sinh hoạt văn hóa có chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng. Trung bình mỗi năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với Hội bảo tồn dân ca, các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức các lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể (hát then – đàn tính, sli, lượn, páo dung, múa sư tử, trích đoạn nghi thức nghi lễ…) cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Qua đó đã phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng phát triển những hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt cho các hoạt động phong trào ở cơ sở. Nhiều hội viên đã tham gia và đạt giải cao tại các hội thi, hội diễn các kỳ liên hoan dân ca từ trung ương đến địa phương, cũng như hoạt động giao lưu, đối ngoại với các nước trong khu vực để tuyên truyền quảng bá, giới thiệu đặc trưng, bản sắc văn hóa truyền thống của Lạng Sơn đến với nhân dân trong và ngoài nước.

Ngoài ra, công tác tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chế độ chính sách với các nghệ nhân, chủ thể văn hóa từng bước được quan tâm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 21 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá, giới thiệu di sản được thực hiện tương đối đồng bộ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng từ việc tạo lập không gian văn hóa, tổ chức trình diễn giới thiệu di sản qua các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn, các sự kiện văn hóa du lịch; việc ghi âm, ghi hình, dựng thành phim tư liệu phát sóng phục vụ bà con nhân dân; đến việc khai thác ứng dụng các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội …và nhiều hình thức khác. Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của toàn xã hội và các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của di sản văn hóa dân tộc; quảng bá hiệu quả hình ảnh quê hương, đất nước, con người Lạng Sơn đến với nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Có thể nói, các hoạt động trên đã góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; từng bước đưa Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác, chính sách dân tộc, về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vào cuộc sống, tạo được sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập khu vực, quốc tế./.

Hằng Đinh

NỔI BẬT TRANG CHỦ