SEA Games 28 cách đây hai năm, nếu như Ánh Viên đã tạo nên cơn sốt trên đường đua xanh khi cứ xuống nước là có HCV và phá 8 kỷ lục, thì SEA Games năm nay là câu chuyện tuyệt vời của điền kinh.
|
Đó là chiến thắng tuyệt đối trên đường chạy ngắn 100m, 200m của Lê Tú Chinh. “Nữ hoàng tốc độ” mới của điền kinh Việt Nam dù chưa thể phá kỷ lục cá nhân, nhưng trong lần đầu tiên tham dự SEA Games, cô gái 20 tuổi xứng đáng là cái tên được khen ngợi nhất khi hoàn tất cú hat-trick vàng ở nội dung 4x100m tiếp sức nữ. Đây cũng là nội dung mà Lê Tú Chinh góp sức làm nên kỳ tích cho điền kinh Việt Nam, khi lần đầu tiên đánh bại Thái Lan ở sân chơi SEA Games và còn phá kỷ lục.
|
Là VĐV trẻ nhất của đội tuyển điền kinh, sự toả sáng của Tú Chinh đã mang thêm nhiều hưng phấn cho các đàn anh, đàn chị.
|
“Đây là lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam trở lại đấu trường SEA Games, chúng ta có được vị trí đứng đầu. Cá nhân tôi không thích dùng từ đao to búa lớn để nói về việc vượt Thái Lan, điều quan trọng là điền kinh Việt Nam đã thắng chính mình”, Trưởng bộ môn điền kinh của Tổng cục TDTT Dương Đức Thuỷ chia sẻ
|
Ngoài sử tỏa sáng của Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền tiếp tục khẳng định vị trí số 1 ở những nội dung sở trường 400m, 400m rào và 4x400m tiếp sức, trong đó có một kỷ lục SEA Games. Thống trị ở nội dung ngắn, điền kinh Việt Nam cũng không có đối thủ ở hầu hết các nội dung trung bình và dài. Nguyễn Thị Oanh sau khi có cú đúp HCV ở nội dung 1.500m và 5.000m, cũng đã hoàn thành cú hat-trick HCV trước khi chia tay SEA Games ở nội dung 4x400m tiếp sức nữ.
|
Ở đường chạy chung kết 5.000 m nữ, cả hai VĐV Việt Nam là Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Huệ đã thi đấu rất xuất sắc khi cán đích ở 2 vị trí đầu tiên.
|
Hình ảnh Phạm Thị Huệ xốc Nguyễn Thị Oanh đứng lên sau khi cả hai cùng về đích khiến người ta cảm nhận rất rõ tình đồng đội của đội tuyển điền kinh Việt Nam
|
Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Huệ ăn mừng niềm vui chiến thắng.
|
Ở nội dung 1500m nam, Dương Văn Thái cán đích đầu tiên với thời gian 3 phút 51 giây 42, qua đó đem về HCV thứ 31 cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29.
|
Trong khi đó, ở nội dung 5.000m, Nguyễn Văn Lai bảo vệ thành công tấm HCV dù liên tục bị BTC nước chủ nhà Malaysia "chơi xấu", trong đó có việc xếp nội dung 10.000m thi trước hay yêu cầu kiểm tra doping tới tận đêm khuya với mục đích ngăn cản VĐV Việt Nam lên ngôi.
|
Ở nội dung chạy 800m nữ, Nguyễn Thị Ly đã có chiến thắng tuyệt đối.
|
Ở nội dung nhảy xa, Bùi Thị Thu Thảo đã xếp thứ nhất với thành tích 6,68 m
|
Đặt mục tiêu giành từ 10-12 HCV, nhưng các VĐV điền kinh Việt Nam đã làm tốt hơn thế rất nhiều, với 17 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ, qua đó xếp nhất toàn đoàn, chiếm hơn 1/3 tổng số bộ huy chương được trao tại giải (46 bộ), đồng thời chắc chắn là đội tuyển có nhiều HCV nhất của Đoàn TTVN.
|
Thống trị ở nội dung ngắn, điền kinh Việt Nam cũng không có đối thủ ở hầu hết các nội dung trung bình và dài. Nguyễn Thị Oanh sau khi có cú đúp HCV ở nội dung 1.500m và 5.000m...
|
...và đã hoàn thành cú hat-trick HCV trước khi chia tay SEA Games ở nội dung 4x400m tiếp sức nữ.
|
Vẫn còn chút gì đó tiếc nuối khi Phan Thị Bích Hà bị đối thủ “cướp” HCV ở môn đi bộ 10.000m, hay sự vô duyên đến khó hiểu với tấm HCV của Quách Công Lịch, cũng như những giọt nước mắt ấm ức của Dương Thị Việt Anh khi bị BTC yêu cầu "chia sẻ" HCV cùng VĐV Singapore, nhưng với 17 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ, điền kinh Việt Nam đã có một kỳ SEA Games đại thắng trên hầu hết các mặt trận.
|
Nam Nguyễn (từ Kuala Lumpur, Malaysia)