(Tổ Quốc) - Hai tàu huấn luyện JS Setoyuki và JS Shimayuki thuộc Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản đã cập cảng Tiên Sa (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), chính thức thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng từ ngày 6 đến 9/3.
Sáng 6/3, hai tàu huấn luyện JS Setoyuki và JS Shimayuki thuộc Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản cùng 390 sỹ quan và thủy thủ do Đại tá Nakagama Yoshiyuki, Chỉ huy trưởng Đơn vị huấn luyện số 1 làm Trưởng đoàn đã cập cảng Tiên Sa, chính thức thăm xã giao TP Đà Nẵng từ ngày 6-9/3.
Lễ đón được tổ chức trang trọng ngay tại cầu cảng Tiên Sa. Thành phần lễ đón về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố và Phòng Đối ngoại (Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam)...
Về phía Nhật Bản có Ngài Kunio Umeda, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; Đại tá Keitaro Shido, Tùy viên Quốc phòng Nhật Bản tại Việt Nam; một số nhân viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội.
Chuyến thăm của đoàn tàu Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước nói chung và quan hệ quốc phòng nói riêng không ngừng được củng cố và tăng cường...
Chuyến thăm của tàu Nhật Bản lần này là một trong những hoạt động cụ thể triển khai các nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng hai nước trong thời gian qua, nhằm đưa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong thời gian chuyến thăm, Nhóm chỉ huy tàu Nhật Bản đến chào xã giao lãnh đạo TP Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Vùng 3 Hải quân và thăm tàu của Hải quân Việt Nam...
Sĩ quan và thủy thủ hai bên sẽ giao lưu bóng chuyền, biểu diễn quân nhạc Hải quân hai nước tại Nhà hát Trưng Vương, tham quan thành phố…
Tàu JS Setoyuki (TV-3518) và JS Shimayuki (TV-3513) nguyên là tàu khu trục lớp Hatsuyuki (lớp tàu khu trục thế hệ thứ ba được phát triển bởi công nghiệp quốc phòng Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2), có vai trò chính là chống ngầm.
Trên hai tàu được trang bị nhiều tên lửa phòng không và chống hạm, săn ngầm...
Theo Đại tá Nakagama Yoshiyuki, Chỉ huy trưởng Đơn vị huấn luyện số 1: "Chúng tôi tổ chức chương trình huấn luyện đi biển trong khoảng 1 tháng rưỡi cho khoảng 380 thủy thủ, trong đó có 103 học viên sỹ quan. Thông qua chương trình huấn luyện đi biển, chúng tôi sẽ đào tạo các kiến thức và kỹ năng cần thiết mà các sỹ quan phòng vệ sơ cấp cần có, nuôi dưỡng các tố chất cần thiết để các học viên sỹ quan này trở thành sỹ quan phòng vệ, đồng thời, chương trình này cũng nhằm mục đích thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước mà đội tàu ghé thăm."
Đại tá Nakagama Yoshiyuki cho biết thêm, các học viên sỹ quan sẽ được tham gia các chương trình như thăm tàu hải quân nước bạn, thăm quan các di tích lịch sử - văn hóa trong thời gian tàu cập cảng để từ đó nâng cao năng lực, mở mang hiểu biết của mình.
Xuồng cứu hộ trên tàu...
Trang thiết bị, vũ khí hiện đại trên tàu...
Chuyến thăm đã góp phần thúc đẩy giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa Hải quân Việt Nam và Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản, cũng như quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Nhật Bản.
Clip hai tàu huấn luyện JS Setoyuki và JS Shimayuki thuộc Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản cập cảng Tiên Sa - Đà Nẵng. Thực hiện: Đức Hoàng