(Tổ Quốc) - Sau ngày "bắt tay lịch sử" trên đỉnh đèo Hải Vân giữa lãnh đạo ngành văn hóa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, di tích Hải Vân Quan đã thay đổi như thế nào?
Khoảng hơn một năm trước, trên đỉnh Hải Vân Quan thuộc ranh giới thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng và Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các đơn vị liên quan, hai địa phương đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng và trao đổi những nội dung liên quan đến phương án bảo vệ, phát huy giá trị Hải Vân Quan.
Tại đây, hai lãnh đạo đứng đầu ngành văn hóa hai địa phương - ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng và ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã có một cái “bắt tay lịch sử” để tìm cách trùng tu, gìn giữ di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia – Hải Vân Quan.
Đặc biệt, vào ngày 24/5/2017, hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đối với Hải Vân Quan. Việc xếp hạng Hải Vân Quan là Di tích quốc gia đã khẳng định những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của di tích, đồng thời cũng là sự ghi nhận sự đồng lòng nhất trí của hai tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đối với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Sau khoảng một năm, di tích Hải Vân Quan đã có sự thay đổi. Đặc biệt là về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Các biển báo, biển hướng dẫn, thùng rác … đã được đặt nhiều nơi tại di tích. Hai địa phương thường xuyên cắt cử lực lượng bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tuyên truyền cho các hộ kinh doanh nơi đây ý thức việc bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích.
“Tôi làm nghề chụp ảnh cho du khách ở Hải Vân Quan từ năm 2007 đến nay. Hồi trước Hải Vân Quan chưa được quan tâm, bị bỏ hoang, ô nhiễm môi trường, xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng từ khi hai địa phương “bắt tay” nhau và Hải Vân Quan được công nhận di tích quốc gia thì nơi đây có sự chuyển biến rõ rệt. Môi trường được dọn dẹp sạch sẽ, hạn chế hình ảnh nhiều đoàn bò lên phóng uế tại di tích…Đặc biệt, an ninh trật tự dần được ổn định. Du khách tới di tích ngày càng đông hơn”, ông Huỳnh Đức Hòa (trú Đà Nẵng) làm nghề chụp ảnh tại di tích Hải Vân Quan cho biết.
![]() |
Đặc biệt, khoảng hơn hai tuần nay, Trung tâm Bảo Tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan với diện tích khai quật là 600m2. Mục đích đợt khai quật lần này nhằm phát lộ các dấu vết của tường thành, bậc cấp, đồn phòng thủ của Hải Vân Quan, phục vụ cho việc nghiên cứu và xây dựng dự án quy hoạch trùng tu tổng thể nơi công trình được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan” này.
Sau hơn 10 ngày khai quật khảo cổ, các nhà khảo cổ đã làm lộ diện bậc cấp bằng đá thanh, móng cổng và lối đi lên di tích Hải Vân Quan.
Được biết, việc khai quật được tiến hành đến ngày 3/9/2018. Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật, tạm lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để bảo quản, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc.
“Khi nào kết thúc việc khai quật chúng tôi sẽ có báo cáo kết quả và sẽ thông tin cho báo chí. Hiện mới chỉ bắt đầu khai quật và bước đầu lộ ra nhiều vết tích, nền móng từ thời xa xưa của công trình này và đang tiếp tục mở rộng phạm vi khai quật”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho hay.
Một số hình ảnh di tích Hải Vân Quan do phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc ghi lại:
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Đức Hoàng