Hình ảnh mới nhất về dự án tu bổ di tích Chùa Cầu
Thực hiện: Đức Hoàng | 18/01/2024
(Tổ Quốc) - Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (TP Hội An, Quảng Nam) đang tạm dừng việc thi công và thành phố giao chủ đầu tư cùng với các nhà nghiên cứu tiếp tục khảo sát, đánh giá hiện trạng liên quan để xác định kết cấu sàn là cong hay phẳng… từ đó đưa ra phương án hiệu quả nhất.
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (hay còn gọi là Lai Viễn Kiều, TP Hội An, Quảng Nam) do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng (tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, TP Hội An bố trí 50%).
Dự án được khởi công vào ngày 28/12/2022, tiến độ thực hiện dự kiến 360 ngày. Quy mô của dự án gồm: Xây dựng nhà bao che phục vụ thi công tu bổ và bảo quản di tích; đảm bảo giao thông dân sinh và phục vụ khách tham quan trong quá trình tu bổ; Tu bổ Chùa Cầu, gồm: gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, hệ khung gỗ, hệ mái; cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình; Số hóa di tích bằng công nghệ 3D phục vụ lưu trữ và công tác tu bổ; tổ chức hội thảo, tọa đàm, lập hồ sơ khoa học; Tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật bao gồm: điện chiếu sáng cảnh quan; chống sét; PCCC; mạng internet; hệ thống camera an ninh…
Sau hơn 1 năm triển khai, tuy công trình đã hoàn thành việc tháo dỡ, gia cố phần móng, đi vào giai đoạn lắp, dựng các cấu kiện phần trên thì một số ý kiến đánh giá khác nhau về xây dựng sàn Chùa Cầu phẳng hay cong, nên Thành phố đang tạm dừng việc trùng tu sàn cầu để lấy ý kiến, đảm bảo tính chân xác của di tích khi trùng tu.
Theo lãnh đạo UBND TP. Hội An, quá trình chuẩn bị trùng tu Chùa Cầu kéo dài hơn năm năm và cũng đã trải qua rất nhiều bước, từ chuyên gia, nhà khoa học, các cấp chính quyền, rồi đến người dân.
Là một di tích đặc biệt nên quá trình chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Làm hồ sơ trùng tu tham vấn ý kiến Bộ VHTTDL, các chuyên gia Nhật Bản. Trong quá trình trùng tu, khi tháo tất cả các cấu kiện đều có sự tham gia của các chuyên gia, các tình nguyện viên của phía Nhật Bản. Công trình cũng được tiến hành công khai, vừa làm, vừa tạo điều kiện để du khách tham quan, các nhà khoa học, người dân đóng góp ý kiến.
Lãnh đạo TP.Hội An cho biết, quá trình trùng tu còn có ý kiến khác nhau, đó là sàn Chùa Cầu làm phẳng hay là cong. Thành phố đã hai lần tổ chức tham vấn ý kiến các chuyên gia và cộng đồng, dân cư. Do chưa thống nhất nên Thành phố cho tạm dừng việc thi công và giao chủ đầu tư cùng với các nhà nghiên cứu tiếp tục khảo sát, đánh giá hiện trạng liên quan để từ đó xác định lại kết cấu của sàn là cong hay phẳng; hay có thể là cong hai đầu, phẳng ở giữa…từ đó đưa ra phương án hiệu quả nhất.
Hiện TP.Hội An xây dựng một lúc nhiều phương án, gồm: Trùng tu theo nguyên trạng (như năm 1986); phương án phục hồi lại sàn phẳng như năm 1915 và phương án thứ ba khả thi hơn đó là dựa trên các yếu tố gốc còn lại của hệ thống đà, dầm đang tháo dựng ra cũng như các dấu vết của đà dầm đó trên các móng đá hiện tại. Từ dấu vết đó cũng như khớp nối với hệ thống đà dầm bằng gỗ, có thể xác định được kết cấu, độ cong hay phẳng của Chùa Cầu thế nào, từ đó đưa đó giải pháp trùng tu bảo đảm tính chân xác nhất.
Thành phố đang tập trung hoàn thiện các phương án theo nghiên cứu kỹ nhất, dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ hoàn thành phương án và tiếp tục tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, cộng đồng dân cư. Trên cơ sở thống nhất các ý kiến sẽ quyết định phương án trùng tu. Sau Tết bắt đầu giai đoạn hoàn thiện công trình, chậm nhất trong quý 2 sẽ đưa công trình vào khai thác.
Điều đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án, du khách vẫn có thể tham quan và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng tại Chùa Cầu.
Bảng hướng dẫn lối đi tham quan cho du khách...
Du khách quốc tế xem hình ảnh, thông tin cũng như quá trình tu bổ công trình mang tính biểu tượng ở phố cổ Hội An.
Góc nhìn từ tầng hai nhà bao che của dự án. Di tích Chùa Cầu là một thành phần quan trọng, có giá trị tiêu biểu trong khu phố cổ Hội An; do đó, việc tu bổ nhằm góp phần bảo tồn di tích, giữ gìn tối đa giá trị cốt lõi của di tích trong tổng thể chung của khu phố cổ Hội An và góp phần duy trì sự ổn định lâu dài, tăng độ bền vững, tuổi thọ cho di tích, tôn tạo cảnh quan, cải tạo môi trường tạo điều kiện tốt cho việc nâng cao giá trị của di tích.