(Tổ Quốc) - Ngày 30/7, tại Nhà Quốc hội diễn ra Hội nghị “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA-ECC). Hội nghị nằm trong khuôn khổ năm Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) nhiệm kỳ 2019 - 2020.
Bảo tồn các di sản văn hóa trong ASEAN đối mặt với nhiều thách thức
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Hội nghị lần này là sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam, Chủ tịch AIPA 2020 với mong muốn các nghị viện thành viên, các đối tác cùng nhau thảo luận về cơ chế hợp tác liên nghị viện AIPA trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc; qua đó góp phần duy trì bản sắc văn hóa ASEAN, xây dựng cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, xung đột sắc tộc, những hệ lụy trong quá trình phát triển, đô thị hóa.
Đặc biệt đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng toàn cầu từ cuối năm 2019 đến nay đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, cướp đi sinh mạng và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân trong khu vực và trên thế giới.
Đây là trở ngại trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững bao gồm 17 mục tiêu để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người.
"Với vai trò là các nhà lập pháp, chúng ta cần có các hành động để thực hiện trách nhiệm và cam kết của mình đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững như đã được khẳng định trong Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội đồng IPU 132 với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” vào tháng 4/2015." - Phó Chủ tịch Quốc hội nói
Trong khuôn khổ của Hội nghị lần này, các bên tham gia sẽ tập trung cho chủ đề hợp tác giáo dục và văn hóa. Đây là những vấn đề lớn có ý nghĩa trong việc xây dựng Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN.
Trong sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc nói riêng và sự phát triển của nhân loại nói chung, giáo dục và văn hóa là nền tảng cơ bản thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển bền vững. Trong những năm qua, hợp tác giáo dục và văn hóa giữa các nước ASEAN ngày càng được tăng cường và thúc đẩy, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, vấn đề giáo dục trong khối ASEAN hiện vẫn gặp một số trở ngại như: khoảng cách về giáo dục giữa các nước thành viên vẫn còn khá lớn về chất lượng, trình độ quản lý, ngân sách dành cho giáo dục…, thiếu tính kết nối giữa các hệ thống đào tạo khác nhau, việc công nhận bằng cấp của nhau và quốc tế hóa bằng cấp trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn các di sản văn hóa trong ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm và hệ quả của việc khai thác du lịch quá mức.
"Với vai trò và tầm quan trọng của các Nghị viện trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Quốc hội Việt Nam mong muốn các Nghị viện thành viên AIPA xem xét khả năng thiết lập một cơ chế lâu dài của AIPA về SDGs. Theo đó, hướng tới thành lập cơ chế định kỳ trong các năm tiếp theo, nước chủ nhà AIPA sẽ lựa chọn trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về các lĩnh vực khác nhau làm chủ đề hội nghị tùy theo tình hình và quan tâm của các nước" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Hướng đến “Một tầm nhìn, Một bản sắc, Một cộng đồng”
Phát biểu tại Hội nghị này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cho rằng, trong bước tiến của hội nhập khu vực ASEAN, hướng đến “Một tầm nhìn, Một bản sắc, Một cộng đồng” giáo dục, văn hóa cũng đã có bước tiến đáng kể.
Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn chưa có khung pháp lý của AIPA để thể chế hóa chính sách về các vấn đề có liên quan về hợp tác văn hóa, giáo dục ASEAN. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với tư cách là cơ quan trong bộ máy lập pháp và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về văn hóa, giáo dục của Quốc hội Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp cho vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác nghị viện trong các nước thành viên AIPA.
Đó là tổ chức Hội nghị thường niên của AIPA trong hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và trong hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững. Thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA trong việc xây dựng và hoàn thiện luật pháp văn hóa, giáo dục; tạo hành lang pháp lý cho việc liên thông giáo dục trong khối ASEAN và các hình thức đào tạo mới từ xa, trực tuyến để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh.
Phát huy vai trò của AIPA trong việc khuyến nghị để ASEAN và các chính phủ thành viên xây dựng cơ chế hợp tác trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Hoàn thiện cơ chế giám sát của AIPA để thúc đẩy ASEAN, các chính phủ thành viên thực hiện các cam kết về giáo dục, văn hóa.
Cần xây dựng những trung tâm đào tạo về công tác bảo tồn, tôn tạo
Nhằm triển khai hiệu quả công tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã đề xuất và kiến nghị nhiều giải pháp, như: Tích cực, chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Cộng đồng ASEAN.
Cùng với đó là hình thành tổ chức Hiệp hội Bảo tàng các nước ASEAN; Xây dựng những trung tâm đào tạo về công tác bảo tồn, tôn tạo, tu bổ di sản mang tầm quốc tế; Kiến nghị Nghị viện các nước thành viên ASEAN xem xét, thông qua khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa hợp tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN vì mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đề cập chủ đề thúc đẩy chuyển đổi số và liên thông giáo dục trong khu vực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo ông, chìa khoá để có thể “đi cùng nhau và đi xa”, để đạt đến mục tiêu chung dài hạn chính là thúc đẩy chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết lẫn nhau và lưu thông phân bổ nguồn lực linh hoạt giữa các nước thành viên.
"Để thúc đẩy chuyển đổi số và liên thông giáo dục trong khu vực, các nước trong khu vực ASEAN cần thiết phải xây dựng hạ tầng công nghệ và đồng bộ hệ thống giải pháp số xét trên nền tảng phát triển công nghệ hiện nay" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Hình thành cơ chế hợp tác liên khu vực trong thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, giáo dục
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát và lan rộng toàn cầu, tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới thì mối quan tâm hàng đầu hiện nay của các nước là làm thế nào để hạn chế được sự lây lan của bệnh dịch và phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiệm vụ ngắn hạn trước mắt thì không thể bỏ qua việc quan tâm tới các mục tiêu dài hạn vì sự phát triển bền vững. Việc tổ chức hội nghị làn này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc của các quốc gia trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa nhằm xây dựng cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Theo ông Phan Thanh Bình, các tham luận tại hội nghị lần này đã nêu bật vai trò quan trọng của nghị viện AIPA trong tiến trình hài hòa hóa pháp luật của các quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho việc công nhận chất lượng và liên thông giáo dục trong khối ASEAN cũng như việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi quốc gia trong khu vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình bày tỏ tin tưởng, những kinh nghiệm được chia sẻ, những khuyến nghị đưa ra trong hội nghị ngày hôm nay sẽ là những thông tin, bài học quý báu để từng quốc gia nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn hành động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nước.
Đồng thời, đây cũng sẽ là những gợi mở quan trọng cho việc hình thành cơ chế hợp tác liên khu vực trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục và văn hóa.