(Tổ Quốc) - Đó là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trên thực tế thì nội dung này đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu triển khai một cách đồng bộ, toàn diện trong thời gian qua.
Những cách làm đột phá mới
Vượt qua rào cản là một trong những tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước, cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, dân cư sống không tập trung. Một số tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu vẫn còn đè nặng lên đôi vai mỗi người dân. Đặc biệt trong những năm qua, một số kẻ xấu vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, nhân quyền và tự do tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta, dẫn đến một bộ phận đồng bào do trình độ nhận thức hạn chế đã bị chúng lợi dụng lôi kéo gây mất đoàn kết và ảnh hưởng đến an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Để cho việc xây dựng mỗi trường văn hóa lành mạnh theo đúng định hướng và phù hợp với tình hình địa phương thì Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về đẩy mạnh xây dựng, nâng cao hiệu quả, chất lượng đời sống văn hóa cơ sở trong giai đoạn tới, "đây còn được coi là Nghị quyết trung ương 5 khóa VIII của Lai Châu". Ngay sau đó ngày 17 tháng 7 năm 2007 Hội đồng nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết số 13/NQ-TU bằng Nghị quyết số 90/2007/NQ-HĐND về việc Đẩy mạnh xây dựng, nâng cao hiệu quả và chất lượng đời sống văn hóa cơ sở trong giai đoạn tới. Để các nội dung của nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống thì UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện từng năm và từng giai đoạn cụ thể với các chỉ tiêu chủ yếu như: số hộ được công nhận gia đình văn hóa, số bản khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, số đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên...
Bên cạnh đó với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa trên địa bàn thì ngành VHTTDL đã chủ động tham mưu ban hành các văn bản quản lý nhà nước như: Quy định thực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Quy chế tổ chức hoạt động của nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; bản, khu phố trên địa bàn... Cùng với đó thì ngành VHTTDL cũng đã thường xuyên đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chủ động phối hợp với các ngành thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, cũng như các giải thi đấu thể thao dành cho từng đối tượng cụ thể như: công nông binh, người cao tuổi, thiếu niên nhi đồng... từ đó nhận thức của người dân về xây dựng môi trường văn hóa ngày càng được nâng cao.
Hình thành môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng
Từ những cách làm đột phá mới, hợp lòng dân nên môi trường văn hóa lành mạnh đã thực sự được hình thành ngay từ mỗi gia đình thông qua những việc làm cụ thể như, người dân đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi từng bước xóa đói giảm nghèo, không để con em bỏ học, nhờ đó đến nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 60 dòng họ hiếu học, 4.181 gia đình hiếu học, tiêu biểu như: dòng họ Vương dân tộc Thái với ở phường Đoàn Kết (Thành phố Lai Châu), dòng họ Tống ở xã Mường Tè (Mường Tè), dòng họ Mùa ở thị trấn Sìn Hồ (Sìn Hồ). Ông Lò Văn Phái bản Pá Luồng xã Mường Mít (Than Uyên) tâm sự: "Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo những gia đình tôi luôn cố gắng nuôi con ăn học và đến nay các cháu đã lập gia đình và có công ăn việc làm ổn định, các con cháu luôn biết giữ gìn nền nếp gia phong của gia đình, biết kính trên nhường dưới, đoàn kết giúp đỡ xóm giềng những lúc khó khăn".
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đã thực sự trở thành phong trào xã hội rộng lớn thu hút mọi tầng lớp nhân dân và toàn xã hội cùng tham gia. Đối với các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp thì thực hiện nghiêm túc nếp sống văn hóa nơi công sở, các đơn vị Công an thì thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ, các Đồn, Trạm Biên phòng thì gắn với xây dựng điểm sáng văn hóa nơi biên giới, còn đối với các trường học thì môi trường văn hóa lành mạnh được thể hiện thông qua nền nếp dạy và học của nhà trường, giao tiếp ứng xử giữa thầy và trò và giữa học trò với nhau.
Cùng với đó thì những lễ hội truyền thống vẫn được các xã, bản cũng như mỗi cộng đồng, tộc người tổ chức hàng năm, với mục đích cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, người người không bị ốm đau, bệnh tật. Thông qua các hoạt động này thì người dân đã được thỏa mãn nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, đồng thời tạo nên chất keo gắn kết cộng đồng thông qua từng trò chơi dân gian, những bài hát, điệu múa. Đặc biệt ngoài việc phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ thể thao, không sinh con thứ ba... thì hoạt động của các Đội văn nghệ ở các thôn bản, các xã, phường, thị trấn thiết thực góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng.
Từ việc triển khai có hiệu quả việc Xây dựng mỗi trường văn hóa lành mạnh mà nhiều bản làng văn hóa của đồng bào các dân tộc đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm những bản sắc văn hóa thông qua những bộ trang phục truyền thống, những nếp nhà sàn, cách xe lanh dệt vải, đặc biệt là thưởng thức những món ẩm thực như: sôi nếp nương, cá bống vùi tro, thịt hun khói, rượu thóc... ngoài việc giới thiệu bản sắc văn hóa với du khách thì chính những hoạt động này còn mang lại lợi ích kinh tế cho mỗi người dân bản địa.
Mỗi gia đình, dòng tộc, thậm chí là mỗi cơ quan, đơn vị đều có những cách làm mới, sáng tạo để phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nhưng tựu chung lại chính những cách làm thiết thực, cụ thể ấy đã góp phần xây dựng nên một môi trường văn hóa lành mạnh giàu bản sắc cho Lai Châu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới trên con đường cùng cả nước phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế./.