(Toquoc)- Văn học dân gian quanh đề tài khởi nghĩa Lam Sơn là một kho tàng phong phú trên một vùng rộng lớn với nhiều loại hình, thể loại.
(Toquoc)- Văn học dân gian quanh đề tài khởi nghĩa Lam Sơn là một kho tàng phong phú trên một vùng rộng lớn với nhiều loại hình, thể loại.
Vùng văn học dân gian Lam Sơn không trùng với địa lý Lam Sơn; và loại hình tự sự với truyền thuyết, cổ tích, giai thoại, dã sử, thần tích, những chuyện đồn đại… là nổi bật hơn cả. Các thể loại này tự nó đã trở thành chuỗi truyện về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn.
Có thể khẳng định ngay rằng: Truyện kể dân gian về khởi nghĩa Lam Sơn vận động theo xu thế mở rộng trong một hệ thống được cố định bằng hai huyền thoại tiêu biểu là huyền thoại nhận kiếm và huyền thoại trả kiếm. Từ hệ thống này, một hình tượng tiêu biểu nổi lên: Đó là hình tượng Lê Lợi.
Hình tượng Lê Lợi dựng theo đề tài gươm thần bảo vệ nước, bảo vệ cộng đồng, là hình ảnh từ lâu quen thuộc và phổ biến trong cảm quan thần thoại của dân tộc Việt Nam và Đông Nam Á. Nhưng để đi đến đó, truyện dân gian đã miêu tả Lê Lợi từ lúc nhân vật chào đời và kết thúc khi ông được làm vua. Để tới được cái ngôi chí tôn ấy, tới cái đích được xem là tột đỉnh hạnh phúc ấy, theo truyền thống của truyện dân gian, nhân vật phải trải qua rất nhiều thử thách.
Truyện dân gian kể về sự ra đời của Lê Lợi là do con hổ đen ở xứ Du Sơn thác sinh. Với cái tướng “Hổ” ấy, một số hiện tượng mà nhân vật sẽ gặp sau này đó được giải thích trước. Ta sẽ thấy Lê Lợi là người có nhiều tài, có sức khoẻ, có lòng nhân từ, có sự dũng cảm nhưng cũng có chỗ vội vàng, nóng nảy trong nói năng, thô tục, bộc tuyệch trong ăn uống. Dựng hình tượng Lê Lợi, truyền thuyết Thanh Hóa đã chấp nhận cách sử dụng những huyền thoại, những sự biến đổi, sự hóa thân… được miêu tả trong không gian rộng. Nhân vật chính này có mặt ở hầu khắp các địa điểm xứ Thanh, nhiều lúc còn vượt ra ngoài khu vực địa lý Thanh Hóa cụ thể nữa.
Bên cạnh những yếu tố huyền thoại, về hành trạng Lê Lợi chủ yếu lại là những truyện mang nội dung hiện thực, trong đó nổi rõ nhất các nỗi cơ cực mà nhân vật phải chịu, nhất là cảnh Lê Lợi thua chạy hết nơi này đến nơi khác. Nhưng sử dụng chất liệu hiện thực mà vẫn rất rõ bút pháp dân gian. Nhân vật Lê Lợi không hoạt động trong không gian nhiều chiều nhưng lại được sự ủng hộ của tất cả các chiều không gian mà huyền thoại nhận kiếm đó khắc hoạ một cách sinh động. Gươm Thuận Thiên, vật báu giữ nước đến với Lê Lợi do ba chiều không gian đem lại: Lưỡi gươm ở dưới nước, đốc gươm ở lòng đất và bao gươm ở trên cây. Bằng vào những chi tiết này, câu chuyện về người anh hùng Lê Lợi đã mang thêm không khí linh thiêng. Nhờ đó mà nhân vật có được màu sắc thần kỳ quen thuộc.
Huyền thoại trả kiếm có thể xem là một mô-típ độc đáo của truyện kể dân gian nói chung. Đây là một mô-típ riêng biệt và sáng tạo thể hiện sâu sắc ý nguyện hoà bình của người dân Việt
Với hình tượng Lê Lợi, dấu hiệu nổi bật nhất, đáng chú ý nhất làm hình tượng trở nên trọn vẹn, là các yếu tố mang nội dung tập hợp được sử dụng hết sức tập trung. Hình tượng Lê Lợi được dựng lên thông qua hai dạng thức cụ thể: Dạng tập hợp những sự vật nhỏ biểu hiện qua truyện kiếm thần, truyện bàn tay Lê Lợi và truyện viên đá làng Xá mang dấu chân người. Ở dạng tập hợp những sự vật lớn qua truyện núi Mục và các truyện Lê Lợi đặt tên làng. Có thể thấy, nếu truyện gươm thần mang nội dung tập hợp vũ khí thì truyện về sự xuất hiện của bàn tay lại hướng sang yếu tố về người chỉ đạo, người lãnh đạo duy nhất và tối cao. Còn những truyện thuộc dạng tập hợp các sự việc lớn thì thuộc về khía cạnh nhân lực, vật lực. Tất cả các dạng thức tập hợp đều xoay quanh một nội dung: Sự châu tuần về Lê Lợi.
Bằng vào nội dung tập hợp, hình tượng Lê Lợi nổi bật với ý nghĩa lớn. Đó là sự tập hợp về vũ khí, tập hợp nhân tài vật lực quanh người lãnh đạo cao nhất.
Dựng hình tượng Lê Lợi, truyện kể dân gian Thanh Hóa không hề tô hồng sự việc. Nhân dân đã xây dựng người anh hùng của mình trong cuộc chiến tranh dành độc lập dân tộc với sự ý thức được đó là cả một công cuộc lớn lao với những chuỗi dài vất vả khó khăn. Lê Lợi xuất hiện trong bối cảnh đó không giống như một tướng thần linh trăm trận trăm thắng. Nhưng trong cái thua của hiện thực, tất yếu, Lê Lợi có rất nhiều cái được và cái được lớn nhất, có tác dụng nhất chính là sự gai góc chung thuỷ và tấm lòng bù chì, che chở của mọi lực lượng, của quần chúng nhân dân.
Bên cạnh hình tượng nhân vật trung tâm Lê Lợi, truyện dân gian về khởi nghĩa Lam Sơn còn kể về nhiều nhân vật khác quan hệ chặt chẽ với Lê Lợi. Đó là truyện về các tướng lĩnh, các lực lượng của quần chúng ủng hộ khởi nghĩa. Các di tích, dấu tích gắn với khởi nghĩa, cả những lực lượng đối kháng với khởi nghĩa nữa. Ở mỗi nhóm nhân vật ấy đều thấy được những điểm nổi bật.
Đóng góp của nhóm nhân vật lấy từ mẫu người thực theo cách thể hiện của truyện dân gian trong mối quan hệ với hình tượng Lê Lợi là hai yếu tố mưu lược và sức mạnh qua sự dũng cảm hy sinh được tập trung vào hai nhân vật Lê Lai và Nguyễn Trãi. Đây là những nhân vật được lịch sử ghi nhận là thân cận nhất của Lê Lợi. Truyện kể quan hệ Lê Lai- Lê Lợi trước khi xảy ra việc Lê Lai đổi áo là một mối quan hệ hết sức gắn bó của tình bằng hữu anh em. Sự kiện Lê Lai vì nghĩa quên mình được kể lại có lẽ không khác gì với sự thực lịch sử nhưng được nhấn mạnh ở khía cạnh dũng cảm của nhân vật và tấm lòng thương tiếc cảm thông của Lê Lợi cùng toàn thể cộng đồng chính là một cách gián tiếp đề cao yếu tố đoàn kết, yếu tố sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn.
Đặc biệt với nhân vật Nguyễn Trãi, truyện dân gian thể hiện được cả một quá trình trăn trở của người trí thức trong việc nhận chúa, nhận đường, trong sự cộng tác của một quân sư bên người thủ lĩnh nhưng không hề trùm bóng lên chúa cũng như cách thể hiện của các nhân vật quân sư khác thường thấy trong văn học cổ điển, nhất là văn học cổ điển Trung Hoa. Nguyễn Trãi trong chuỗi truyền thuyết về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn mặc dù rất kiệt xuất, rất thiên tài vẫn là một con người bình dị không có mưu này mưu nọ như tôn Tẫn hay Khổng Minh mà chỉ là hình ảnh một trí thức Việt Nam đậm đà tính nhân dân, đậm đà sắc thái Việt Nam.
Hai nhân vật Lê Lai và Nguyễn Trãi bên cạnh hình tượng trung tâm đã bổ sung cho hình trượng này. Lê Lợi trở nên trọn vẹn hơn, mang thêm ý nghĩa về một sự lý tưởng hóa. Lê Lợi là một nhân vật bình thường nhưng là mẫu người đẹp nhất của cộng đồng, lại có cả những nét riêng không ai vượt nổi.
Nhóm nhân vật đông đảo nhất trong toàn bộ hệ thống truyện này là những nhân vật thuộc lực lượng quần chúng ủng hộ Lê Lợi. Đông đảo nhưng phiếm chỉ, vì đây là những người không có tên hoặc nếu có cũng không cụ thể, như bà hàng nước, bác đi săn, mụ hàng dầu, ông già bắt tép… Mô-típ chính là mô-típ gặp gỡ trong hành trạng của loại nhân vật này: Sự gặp gỡ giữa Lê Lợi với các lực lượng quần chúng. Xin lưu ý tới một thành ngữ đã thành truyền thuyết: “Hăm mốt Lê Lai, Hăm hai Lê Lợi, Hăm ba giỗ mụ hàng dầu”. Xét theo tiêu chí nhân vật, câu trên cho ta một mẫu có tính đại diện cho nhóm các nhân vật trong hệ thống truyện này. Nhưng tại sao “mụ hàng dầu” lại không được dẫn thành một cái tên cụ thể, biểu chỉ trong cấu trúc đó? Chính bởi “mụ hàng dầu” chỉ là một trong đông đảo những nhân vật tiêu biểu và phiếm chỉ khác. Những việc làm của “mụ hàng dầu” và nhiều những nhân vật tương tự như lão bắt tép, bác đi săn, bà hàng nước… về nội dung có nét khác nhau nhưng thực chất đây là chuyện về một bản, một làng, chuyện về một dòng họ, một tầng lớp.
Nổi lên trong nhóm nhân vật phiếm chỉ này là hình ảnh về những người phụ nữ. Truyện nhắc tới những người phụ nữ vô danh với rất nhiều dạng vẻ khác nhau. Nhưng tất cả những nhân vật phụ nữ Thanh Hóa này đều ít nhất một lần gặp gỡ nhân vật trung tâm, và hành động cụ thể của họ là sẵn sàng hy sinh bản thân để che dấu Lê Lợi. Những hy sinh vô giá nhưng được thực hiện một cách tự nhiên. Và về phía Lê Lợi, người được những nhân vật này chở che lại cũng sẵn sàng tự nhiên tiếp nhận và không hề một lần tỏ ra đắn đo, cân nhắc.
Tạo ra những cảnh gặp gỡ này phải chăng nhân dân vẫn còn giữ lại những dấu ấn đậm về hình ảnh những “bà mẹ Nước” trong mối quan hệ với nhân vật đại diện của cộng đồng vẫn thường thấy trong các truyện dân gian trước đó? Có điều, ở những chuyện xưa, nhân vật chính thường trở về sau những chặng bôn ba và chết trong lòng cộng đồng. Còn ở đây, nhân vật trung tâm lại được cộng đồng chở che để lại trưởng thành hơn, tiếp tục dành vinh quang. Hiện tượng này khiến ta liên tưởng đến chuyện thần Ăng-Tờ được tiếp sức từ Mẹ Đất trong kho thần thoại của người Hy Lạp. Lê Lợi không khác gì Ăng-Tờ nếu gìn giữ được niềm tin của cộng đồng.
Phải chăng nét đóng góp khác biệt của người phụ nữ xứ Thanh phần nào đó thể hiện được ý nghĩa: Thanh Hóa chính là vùng hậu phương của cuộc khởi nghĩa? Đó đồng thời là cách biểu đạt sắc thái địa phương của hệ thống truyện này.
Hiển nhiên với những lực lượng hữu danh và vô danh tập hợp ủng hộ mình và khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi cũng đã biểu hiện bằng cả một tấm lòng biết ơn chân thành, sâu sắc. Đó là thái độ ân oán phân minh, nghĩa tình trọn vẹn. Tất nhiên thái độ này ta cũng hiểu theo cách hiểu của dân gian, Lê Lợi không chỉ thụ ơn bởi sự tri ngộ cá nhân, mà còn bằng cả trách nhiệm của người đứng đầu đất nước.
Trong nhóm chuyện về các dấu tích liên quan đến Lê Lợi, ta bắt gặp nhiều mẩu liên quan đến phong tục, tập quán, chuyện ghi dấu những xúc cảm thẩm mỹ, những nét mà tâm lý dân tộc là một bộ phận truyền thống tồn tại lâu bền nhất của một nền văn hóa bản địa. Phản ánh được những nét đặc sắc ấy, người nghe, người đọc vừa bị hấp dẫn với các tình tiết kỳ thú, vừa rung động về nội dung xã hội mà dân gian đã gửi gắm vào. Cùng với bao nhiêu truyền thống tốt đẹp khác, những câu chuyện thuộc dạng trên đã tạo ra nét riêng biệt của xứ Thanh, góp phần hun đúc thêm cái cốt cách Việt
Đáng chú ý nhất trong nhóm chuyện này là truyện về sự đặt tên. Đây là những mẩu chuyện có nội dung xác thực, ít tô vẽ bày đặt mà chỉ mộc mạc giản dị vận động theo quy luật của văn học dân gian. Trong nhóm truyện đặt tên này ta thấy có hiện tượng những tên Việt được bảo lưu ở các vùng cư trú của người Thái, Mường như tên chòm Thiu, chòm Bút (tiếng Thái cũng có nghĩa là Thiu), chòm Đỏ, làng Khao… Trong vùng Thái, tiếng Mường được điểm tới mỗi khi kể trong các chuyện. Người ta nói thác Ma Ngao chứ không gọi là thác Chú Cắn, gọi là Huổi Láu mà không dùng Suối Rượu… Hiện tượng này vừa làm tăng nét độc đáo của truyện kể dân gian về khởi nghĩa Lam Sơn, đồng thời cũng phản ánh một yếu tố chung của tâm lý cộng đồng Việt Nam, làm sáng tỏ nguồn gốc và sự vận động của các yếu tố văn hóa khác nhau, tạo thành một nền văn hóa thống nhất và phong phú.
Cho đến nay, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã có một thời gian cách chúng ta 600 năm, thế mà những tên đất, tên làng của ngày ấy vẫn giữ nguyên vẹn như những kỷ niệm mới mẻ. Lạ một nỗi, tất cả những tên đất tên làng ấy lại rất rõ ràng, cụ thể; trong khi đó, tên các nhân vật trong hệ thống này lại theo xu hướng trái ngược hoàn toàn, xu hướng phiếm chỉ. Hiện tượng này càng củng cố nhận xét đã nêu trên. Rõ ràng, truyện kể dân gian về các nhân vật chung quanh Lê Lợi là chuyện về một bản, một làng, chuyện về một tiểu cộng đồng. Truyện chỉ nhắc tới những gì có giá trị vững bền nhất. Toàn bộ hệ thống truyện chỉ giữ lại hình ảnh của cả cộng đồng và hình tượng trung tâm của cộng đồng. Quan hệ giữa hình tượng trung tâm với cộng đồng được dựng trên cái nền của văn hóa làng bản. Hình tượng Lê Lợi trở thành linh hồn cho các câu chuyện tồn tại. Các nhân vật phụ chỉ mang tính đại diện cho từng mặt hoạt động của nhân vật trung tâm. Nhân vật trung tâm tồn tại nhờ vượt lên tất cả những nét đẹp phi thường ấy và trở thành nhân vật trọn vẹn nhất. Hành động của nhân vật và những sự kiện có liên quan đến cuộc đời của nhân vật trung tâm chỉ tập trung ở giai đoạn đẹp nhất, tức là thời điểm khó khăn nhất, đòi hỏi phải thể hiện rõ những nỗ lực của mình nhằm giải quyết mâu thuẫn chính là mâu thuẫn giữa cộng đồng với lực lượng ngoại xâm. Truyện tập trung nói tới nhân vật tiêu biểu nhất của cộng đồng, trong khi đó bản thân cộng đồng lại tự dấu mình đi. Tuy nhiên, sự tàng ẩn đó vẫn là lực lượng lớn nhất tập hợp sức mạnh cho nhân vật đại diện.
Có thể nói truyện kể dân gian đã thể hiện được hình tượng Lê Lợi, một hình tượng nhân vật bình thường, gần gũi với người đời, nhưng đó là hình tượng tập trung nhất, tiêu biểu nhất của người anh hùng thuộc cộng đồng Việt Nam. Nếu trong văn học thành văn, hình tượng Lê Lợi là hình tượng của một nhân vật “thần vũ bất sát” thì ở văn học dân gian, hình tượng Lê Lợi là hình tượng niềm tin của cả cộng đồng.
Chính hình tượng anh hùng này đã tạo thành đặc điểm của vùng văn học dân gian chống xâm lăng- Lam Sơn./.