(Tổ Quốc) - Đại dịch Covid-19 thay đổi hoàn toàn cách đi lại trên toàn thế giới, cũng như khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới. Và “hộ chiếu vaccine” hay “hộ chiếu sức khoẻ điện tử ” đang dần trở thành chìa khoá để các quốc gia mở cửa trở lại và khôi phục quyền đi lại cho du khách.
Mở cửa cơ chế
Hình ảnh những khán đài đầy ắp khán giả tại Euro 2021 đang diễn ra cho thấy kết quả tích cực của chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 diện rộng tại châu Âu nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Bối cảnh đó đã hình thành một loại "giấy thông hành" mới với các công dân toàn cầu. Đó là "hộ chiếu vaccine" hay "hộ chiếu sức khoẻ điện tử".
Thông qua các ứng dụng công nghệ, dữ liệu tiêm chủng vaccine Covid-19 của mỗi người sẽ được lưu trữ định danh. Các dữ liệu đó trở thành cơ sở để các quốc gia đối chiếu dịch tễ, xem xét chấp thuận các cho công dân đã tiêm vaccine đủ liều, hợp lệ được xuất, nhập cảnh. Ngày càng có nhiều quốc gia cho thấy mức độ "mở cửa" đối với "hộ chiếu vaccine" nhằm sớm khôi phục quyền tự do đi lại cho công dân.
Tại châu Âu, ngay từ đầu tháng 6 đã có 7 quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu EU đã bắt đầu triển khai "hộ chiếu Covid-19". Theo đó, các du khách sẽ được cấp mã QR trên điện thoại hoặc giấy nhằm cho phép chính quyền xác định thông tin sức khoẻ bao gồm thông tin về việc tiêm ngừa Covid-19, kết quả xét nghiệm âm tính trong thời gian gần hoặc đã bình phục sau khi mắc bệnh. Chứng nhận này hiện chỉ cho phép du lịch trong khối EU và có hiệu lực 12 tháng. Theo thông cáo của Uỷ ban châu Âu, sẽ có thêm nhiều quốc gia tham gia hệ thống này và dựa trên cơ sở đó, EU dự định khôi phục quyền tự do đi lại trong khối từ ngày 1/7/2021.
Tại châu Á, nhiều quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc đang tích cực tiến hành thử nghiệm áp dụng "hộ chiếu vaccine". Điển hình như Nhật Bản dự kiến phát hành giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 vào mùa hè năm nay và phiên bản chứng nhận điện tử vào cuối năm hay Thái Lan dự kiến cho phép du khách đã tiêm chủng vaccine được tới Phuket mà không cần cách ly từ tháng 7.
Thí điểm "hộ chiếu vaccine"
Tại Việt Nam, Chính phủ đang thận trọng xem xét áp dụng dạng hộ chiếu sức khoẻ điện tử này để mở cửa đón khách quốc tế, khôi phục ngành hàng không, du lịch.
Cụ thể, ngày 22/6, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch như Phú Quốc (Kiên Giang).
Công dân của quốc gia có thỏa thuận song phương, đa phương với Việt Nam về "hộ chiếu vaccine" phải được cơ quan có thẩm quyền nước đó xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19. Những người này phải được tiêm đủ mũi, đúng lịch, đúng hướng dẫn của nhà sản xuất; tiêm vaccine trong khoảng thời gian ít nhất hai tuần và không quá 12 tháng kể từ ngày tiêm mũi vaccine cuối. Đồng thời, khách du lịch nước ngoài, dù sở hữu "hộ chiếu vaccine", vẫn phải tuân thủ quá trình kiểm soát gắt gao để đảm bảo an toàn chống dịch.
Bộ Y tế cũng ra quyết định triển khai thí điểm hướng dẫn cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh. Theo đó, từ 1/7 đến 30/7/2021, các trường hợp nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19, có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 và xét nghiệm kháng thể dương tính vào ngày thứ nhất sau khi nhập cảnh, sẽ chỉ phải cách ly tập trung 7 ngày tại các cơ sở cách ly theo quy định tại Quảng Ninh.
Sẵn sàng cho các đường bay quốc tế
Triển khai "hộ chiếu vaccine" là một tin vui với toàn ngành hàng không nói chung, cũng như du lịch các hãng hàng không nói riêng, khi các chuyến bay quốc tế được nối lại sau một thời gian dài bị đình trệ và phải hoạt động cầm chừng. Để sẵn sàng tái khai thác các đường bay quốc tế ngay khi Chính phủ cho phép, các hãng hàng không đã chủ động lên kế hoạch cho việc triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine".
Điển hình như Bamboo Airways, với tư cách thành viên của IATA, hãng đang phối hợp chặt chẽ với IATA, nhà chức trách và các đơn vị thành viên khác để từng bước triển khai áp dụng thử nghiệm IATA Travel Pass - hộ chiếu vaccine do IATA phát triển và đang được hơn 60 hãng hàng không trên toàn thế thế giới công bố thử nghiệm. Các thông tin về tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19 hợp lệ của hành khách sẽ được sử dụng để đối chiếu với thông tin định danh trên ứng dụng IATA Travel Pass, qua đó cập nhật trạng thái "Đủ điều kiện di chuyển".
Đại diện Bamboo Airways cho biết hãng dự kiến thiết lập khu vực kiểm tra việc tuân thủ các quy định di chuyển của hành khách tại các sân bay, lưu giữ thông tin chứng nhận hợp lệ để cung cấp cho Chính phủ các thông tin xác thực và đầy đủ của hành khách trên từng chuyến bay quốc tế. Các thông tin được bảo mật an toàn và riêng tư hơn, cũng như đảm bảo quá trình xác định thông tin nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian hơn so với các quy trình kiểm tra giấy tờ truyền thống.
Hiện Bamboo Airways đang tăng cường khai thác các chuyến bay thuê chuyến, gồm các chuyến bay thuê thương mại đến các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Đài Loan, Ma Cao…. Đồng thời, Hãng thực hiện các chuyến bay giải cứu theo chỉ định của Chính phủ đến Myanmar, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Nga, Ba Lan, Australia…
Bamboo Airways cũng không ngừng triển khai hoàn thiện các thủ tục để sẵn sàng khai thác thường lệ các tuyến bay thẳng tới Nhật Bản, Úc, Anh, Đức... và đặc biệt là các đường bay thẳng đến Mỹ ngay khi được Chính phủ cho phép.
Đảm bảo an toàn khai thác với quy trình phòng chống dịch bài bản, được đánh giá 7/7 sao về phòng chống dịch cùng các nỗ lực triển khai tiêm ngừa vaccine Covid-19,cho toàn bộ cán bộ nhân viên, Bamboo Airways đang cho thấy sự sẵn sàng về mọi mặt để tái khai thác an toàn và phát triển mạnh mẽ các đường bay quốc tế ngay khi hộ chiếu vaccine IATA Travel Pass được Chính phủ chấp thuận.