(Tổ Quốc) - Thủ đô Hà Nội của Việt Nam đã nhận được lượng vốn đầu tư nước ngoài FDI khoảng 2,28 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm 2023 nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt và đội ngũ chuyên gia lành nghề dồi dào, theo Vietnam Briefing.
Hồ sơ đầu tư mạnh của Hà Nội
Thủ đô Hà Nội là nền kinh tế lớn nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (KER), bao gồm sáu tỉnh và thành phố khác là Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên.
Hà Nội là nơi sinh sống của khoảng 8,2 triệu người và là thành phố lớn thứ hai ở Việt Nam sau Thành phố Hồ Chí Minh. Môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng và tỷ lệ lao động được tuyển dụng được đào tạo cao khiến nơi đây trở thành địa điểm có tính cạnh tranh cao để thành lập doanh nghiệp.
Hiện tại, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2022, Hà Nội lọt top 7 điểm đến hàng đầu cả nước về dòng vốn FDI, thu hút 1,7 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký của Hà Nội là 2,28 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội tăng 5,97% so với cùng kỳ năm 2022 và mức tăng trưởng cả năm dự kiến có thể lên tới 7%.
Mặc dù Hà Nội được các nhà đầu tư đánh giá cao vì có môi trường đầu tư và kinh doanh tốt nhưng vị trí trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lại bị tụt lại so với các tỉnh đang phát triển nhanh khác. Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND năm 2021 về việc cải thiện thứ hạng PCI của Hà Nội, nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp quyết liệt để cải thiện vấn đề thời gian xử lý giấy tờ và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ thị này hướng tới việc xử lý toàn bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh trực tuyến và đảm bảo việc giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh đúng tiến độ hoặc trước thời hạn.
Kế hoạch kinh tế các ngành trọng điểm của Hà Nội
Theo Vietnam Briefing, về công nghệ, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo và an ninh mạng vào năm 2025. Thành phố cũng đặt mục tiêu nâng mức đóng góp của nền kinh tế số vào GRDP lên 30%, đi kèm với tăng trưởng năng suất lao động từ 7 đến 7,5%, đồng thời nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ.
Theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu tất cả các hộ gia đình đều đăng ký địa chỉ số và đảm bảo 95% hộ gia đình sở hữu ít nhất một điện thoại thông minh vào năm 2025.
Về các dự án xây dựng, trong những năm tới, dự kiến các dự án xây dựng giao thông sẽ tiếp tục được ưu tiên. Theo chính quyền địa phương, việc xây dựng các tòa nhà cao tầng sẽ được kiểm soát chặt chẽ trong khi các trường đại học, nhà máy, bệnh viện sẽ dần di chuyển ra vùng ngoại ô.
Chính quyền đề xuất, diện tích đất dành cho các dự án giao thông sẽ chiếm từ 12 đến 15% tổng diện tích đất cho tất cả các dự án xây dựng vào năm 2025, tăng gần 50% so với năm 2020. Chính quyền thủ đô cũng có những biện pháp quan tâm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hà Nội có quy hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, trong đó dự kiến các dự án chung cư sẽ chiếm 90% tổng số nhà ở của thành phố. Ngoài ra, Hà Nội sẽ phân bổ ngân sách 500 tỷ đồng (21,74 triệu USD) trong giai đoạn 2021-2025 để tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng tất cả các chung cư cũ.
Về du lịch, trong 9 tháng đầu năm 2021, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất với lượng khách trong nước giảm 18,9% và khách quốc tế giảm 85,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đón tới 17 triệu lượt khách. Chính quyền thủ đô đã phát triển nhiều gói sản phẩm du lịch mới, đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Triển vọng đầu tư vào Hà Nội
Thủ đô Hà Nội đang mong muốn thu hút tới 40 tỷ USD vốn FDI giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn này, Hà Nội phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để thúc đẩy quy hoạch và phát triển đô thị. Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, Hà Nội đặt ra mục tiêu cung cấp nước sạch cho tất cả các hộ gia đình vào năm 2025 và tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 50 - 55%.
Trong Chiến lược phát triển 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, UBND thành phố Hà Nội cũng đã đặt khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong 10 trụ cột của mình. Theo chiến lược này, Hà Nội tập trung vào chuyển đổi số, trở thành thành phố thông minh và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về số hóa và đổi mới sáng tạo cũng như nông nghiệp công nghệ cao.
Trong thời gian tới, Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư chất lượng cao từ Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, châu Âu, Australia và New Zealand — tất cả các thị trường FDI quan trọng của Việt Nam.
Trong ngắn hạn, các mục tiêu chính của Hà Nội bao gồm tăng cường phân bổ hiệu quả nguồn vốn công, thực hiện cải cách hành chính để tối ưu hóa môi trường kinh doanh và cải thiện quản lý ngân sách địa phương.
Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia, Hà Nội cũng phải giải quyết những thách thức cấp bách, bao gồm ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và nhu cầu lực lượng lao động lành nghề. Ngoài ra, việc thúc đẩy hợp tác với các khu vực lân cận để tận dụng lực lượng lao động và các ngành công nghiệp hỗ trợ là cơ hội chiến lược cho thành phố này.