• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hồ Tịnh Tâm-dấu xưa vườn Ngự trong Hoàng thành Huế lay lắt vì ô nhiễm

Thời sự 17/06/2017 08:19

(Tổ Quốc) - Nằm ngay trong lòng Kinh thành Huế, hồ Tịnh Tâm là di tích cảnh quan nổi tiếng được xây dựng dưới triều nhà Nguyễn. Đây được xem là một trong 20 cảnh đẹp của đất Thần Kinh dưới thời vua Thiệu Trị.

Hồ Tịnh Tâm (hay còn gọi là Tĩnh Tâm) thuộc địa phận phường Thuận Thành, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Xưa nay, người dân Huế vẫn truyền miệng nhau câu ca dao:“Hồ Tịnh Tâm nhiều sen bách diệp/ Đất Hương Cần quýt ngọt, cam thơm” để thể hiện sự trân quý với địa danh hồ Tịnh Tâm gắn liền với sen bách diệp, loài sen được tôn vinh nhất trong các loại sen.

Ngày nay, nhắc đến hồ Tịnh Tâm là còn nhắc đến một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam vào thế kỷ 19.

Đảo Bồng Lai, một trong ba hòn đảo trên hồ Tịnh Tâm.

Vườn Ngự Uyển bên Kinh thành Huế

Hồ Tịnh Tâm nguyên là vết tích của đoạn sông Kim Long. Đầu thời vua Gia Long, sau khi xây dựng Kinh thành Huế, triều đình đã cho cải tạo lại thành hồ Ký Tế. Hai bãi nổi trong hồ từng được dùng làm nơi dựng kho thuốc súng và diêm tiêu.

Vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8000 binh lính dốc sức cải tạo hồ Ký Tế, tái thiết nơi này trở thành chốn tiêu dao. Hồ Ký Tế được gọi thành hồ Tịnh Tâm và trở thành một trong những vườn Ngự Uyển xinh đẹp bậc nhất của Kinh thành Huế lúc bấy giờ.

Theo tài liệu ghi chép, hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1500m. Trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Hồ được ngăn cách với bên ngoài bằng một vòng tường gạch. Bốn mặt có bốn cửa gồm cửa Hạ Huân ở phía nam, cửa Đông hy ở phía bắc, cửa Xuân Quang ở phía đông và cửa Thu Nguyệt ở phía tây. Xung quanh các đảo trên hồ và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu trúc, các hoa cỏ lạ, dưới hồ trồng sen bách diệp.

Cầu Hồng Cừ đẫn đến đảo Bồng Lai ở Hồ Tịnh Tâm.

Trong số ba hòn đảo, nổi bật nhất là đảo Bồng Lai nằm ở phía nam của hồ. Chính giữa đảo có điện Bồng Doanh kiến trúc 3 gian 2 chái, mái trùng diêm, lợp ngói lưu li. Điện quay mặt về hướng nam có lan can gạch bao quanh, phía trước có cửa Bồng Doanh, cầu Bồng Doanh nối đảo với bờ hồ phía nam. Phía đông điện Bồng Doanh có nhà Thủy tạ Thanh Tâm, quay mặt về hướng đông. Phía tây điện có lầu Trừng Luyện, quay mặt về hướng tây. Phía bắc là cửa và một cây cầu mang tên Hồng Cừ.

Hồ Tịnh Tâm vừa là một di tích kiến trúc, vừa là một danh lam thắng cảnh. Nói đúng hơn, đây là cả một tổng thể kiến trúc cung đình gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật khác nhau, được phân bố giữa một quang cảnh thiên nhiên có sẵn và được bàn tay con người cải tạo, bồi đắp thêm tạo thành một công trình kiến trúc cầu kỳ, tinh mỹ mà hài hòa với thiên nhiên đến mức hoàn hảo.

Nếu tinh ý, nhiều người có thể dễ dàng nhận ra được ý đồ của người xưa khi thiết kế hồ Tịnh Tâm thành một chữ Tâm (心) lớn. Với đường cong là nét chính mặt hồ cùng ba chấm là ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu nổi bật trên mặt nước tạo thành một bức tranh thư pháp bằng thiên nhiên mang ý nghĩa của chốn “bồng lai tiên cảnh”.

Ngay từ ban đầu, hồ Tịnh Tâm đã mang vẻ đẹp khiến bao người say mê và ca tụng. Cảnh đẹp của hồ đã tạo nguồn thi hứng và trở thành đề tài cho các vua Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức,… sáng tác. Trong số đó có mười bài thơ mang tên “Bắc hồ thập cảnh” của vua Minh Mạng. Trong chùm thơ ca ngợi 20 cảnh đẹp xứ Thần Kinh, vua Thiệu Trị cũng xếp hồ Tịnh Tâm vào cảnh đẹp thứ 3 (Đệ tam cảnh Tịnh hồ hạ ứng), cho in thơ và cảnh hồ trên gương để treo ở các cung điện.

Hồ Tịnh Tâm hiện nay không còn sen mà chỉ có màu xanh của bèo và rau muống.

Hồ Tịnh Tâm bây giờ…

Theo người dân địa phương, xưa hồ Tịnh Tâm nước trong veo và nổi tiếng với sen bách diệp nở ngập mặt hồ thơm nức cả một vùng. Sen bách diệp là loại sen có nhiều cánh nhỏ màu hồng, được tôn vinh là giống sen quý nhất trong tất cả các loại sen.

Không chỉ đẹp, chất lượng sen của hồ Tịnh Tâm cũng khác xa với những địa phương khác. Hạt sen vừa bở vừa thơm một cách đặc biệt mà không ở nơi nào có được đã tạo nên thương hiệu riêng cho sen của xứ sở Thần Kinh hữu tình. Ngày xưa chỉ có các bậc đế vương mới được thưởng thức những cảnh đẹp, ăn những món ngon từ loại sen quý này. Có lẽ, vì lí do này mà chính giống sen quý trên mặt hồ mới là điều để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người dân Huế và du khách chứ không phải là những công trình được xây trên ba hòn đảo.

Bên cạnh bèo, hồ chỉ còn lác đác một vài bông sen trắng.

Đặt chân đến hồ Tịnh Tâm bây giờ, nhiều người không khỏi chạnh buồn bởi khung cảnh hiu hắt. Hiện trạng của vườn Ngự Uyển bên Kinh thành Huế ngày nào giờ  vẫn là một màu xanh nhưng là màu xanh của bèo, rau muống. Đan xen vào đó lác đác vài ngọn sen và khóm hoa súng trên mặt hồ.

Ông Lê Văn Dinh (58 tuổi) là đời thứ 3 trong gia đình nối nghiệp trồng sen trên hồ Tịnh Tâm cho biết: “Cách đây khoảng hơn 10 năm, sen hồ Tịnh Tâm chẳng mấy khi mất mùa. Cứ đến tầm tháng 7 là đã nở đầy mặt hồ rất đẹp. Thế nhưng mấy năm nay thì năm có năm không. Như năm nay các hộ trồng sen đều lỗ vì nước ô nhiễm, sen cứ thả giống lại chết không phát triển được”.

Sen ở Hồ Tịnh Tâm sau khi thu hoạch đều được người dân trồng sen tận dụng. Hoa sen thì để chưng, hạt sen để làm thức ăn, lá sen để gói, tâm sen chế biến thành trà,… “Sen Tịnh Tâm nổi tiếng đẹp và thơm ngon từ lâu, những sản phẩm từ sen Tịnh Tâm không chỉ giúp người trồng sen kiếm thêm một nguồn thu nhập mà còn giúp quảng bá thương hiệu đặc sản sen Huế đến với du khách. Việc sen hồ Tịnh Tâm thường xuyên mất mùa cũng gây ra rất nhiều ảnh hưởng”, chị Nguyễn Thị Tuyết Anh – một hộ trồng sen chia sẻ.

Người trồng sen trên hồ Tịnh Tâm cũng buồn vì sen mất mùa thường xuyên.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Kim Khoa, Trưởng phòng Cảnh quan môi trường, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thừa nhận: “Hiện các hồ trong Đại nội Huế, trong đó có hồ Tịnh Tâm bị ô nhiễm rất nặng, ảnh hưởng lớn đến cảnh quan môi trường, người dân và du khách”.

Theo ông Khoa, do xung quanh hồ dân cư ngày càng đông đúc, nguồn nước thải sinh hoạt, sản xuất chưa được xử lý đều theo cống thoát thải trực tiếp ra hồ. Cộng với nguồn nước trong hồ không lưu thông được, ứ đọng lại dẫn đến ô nhiễm.

Điều đáng tiếc nhất là khiến sen ở Hồ Tịnh Tâm không thể phát triển được. Người thuê mặt hồ trồng sen thua lỗ gần như trắng tay. Nếu mọi năm, đến mùa này sen đã phủ kín mặt hồ thì bây giờ điểm nhấn xinh đẹp ấy chỉ còn bèo và rác.

“Năm nay sen trồng trong hồ đều bị chết. Hồ Tịnh Tâm năm nay hoàn toàn vắng bóng hoa sen. Phương án trước mắt là dùng máy hút nước từ sông Hương vào các hồ để tạo dòng chảy, thau rửa dần nguồn nước bẩn. Sau đó, Trung tâm đề xuất sẽ nạo vét hồ Tịnh Tâm và hệ thống các hào bao quanh kinh thành Huế để dòng nước được lưu thông, tránh bị ứ đọng gây ô nhiễm” - ông Khoa nói.

Thế Trung

Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ