Hổ trắng quý hiếm, hươu cao cổ và những con vật được sinh ra giữa lòng thành phố
(Tổ Quốc) - Thảo Cầm Viên Sài Gòn là 1 trong 10 vườn thú lâu đời nhất thế giới. Tại đây, nhiều thế hệ động vật quý đã ra đời, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1) là một trong những công trình lâu đời nhất tại TP. HCM, được xây dựng vào ngày 23/03/1864 với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo. Đây còn là 1 trong 10 vườn thú trên thế giới với bề dày trên 150 tuổi. Tại đây, nhiều thế hệ hổ Đông Dương, sư tử, vượn má vàng, voọc bạc, trĩ sao, công xanh, cá sấu... đã ra đời, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng giữa lòng thành phố.
Gần đây nhất, vào ngày 24/6/2022, một chú huơu cao cổ con đã được sinh ra khoẻ mạnh tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Được biết, đây là lần thứ 3 hươu cao cổ được sinh ra tại vườn thú này sau 2 lần vào năm 2018 và 2021.
Việc sinh con được thực hiện hoàn toàn tự nhiên sau 2 giờ trở dạ. Trước đây, ngay từ khi phát hiện dấu hiệu mang thai, hươu mẹ sẽ được chuyển vào khu nhà riêng biệt để được chăm sóc, theo dõi và việc sinh con có sự can thiệp của bác sĩ thú y. Nhưng trong lần sinh này, phía Thảo Cầm Viên đã quyết định để hươu con được chào đời bằng phương pháp tự nhiên, hạn chế tối đa sự tác động của con người.
Được biết, mẹ của hươu con này được nhập về Thảo Cầm Viên vào năm 2007 và bố được nhập về năm 2014. Hàng ngày, các nhân viên vườn thú phải đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho hươu cao cổ bố, mẹ, như thức ăn từ cây xanh, tinh bột, vitamin... và kiểm soát các loại dịch bệnh. Nhờ vậy, hươu cao cổ mới có thể sinh sản tốt trong môi trường nuôi nhốt. Hươu cao cổ con nặng khoảng 50 kg, sau nhiều lần ngã mới chập chững những bước đi đầu tiên. Sau hơn 10 ngày ra đời, con hươu trên có chiều cao hơn 2 m, tăng thêm 30 kg, cứng cáp, khỏe mạnh. Trong ảnh là chú hươu cao cổ mới sinh cùng với hươu bố.
Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh năm 2021, một chú hươu con chào đời và sắp đón sinh nhật một tuổi.
Trước đó, vào năm 2015, lần đầu tiên một cặp hổ trắng quý hiếm được thuần dưỡng ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn sinh ra 3 hổ con khỏe mạnh. Được biết, cặp hổ bố và hổ mẹ khoảng 2 tuổi, có nguồn gốc từ vườn thú Elmvale (Canada), được Thảo Cầm Viên đưa về thuần dưỡng vào năm 2009 và đặt tên thân thiện là Lem (cọp đực) và Luốc (cọp cái). Hổ con có lông màu trắng kem, trên mình có vằn đen giống hổ bố và hổ mẹ. Cả 3 hổ con sau gần 1 tháng tuổi cân nặng 3,6-4,1 kg.
Ngoài ra, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã nhân giống thành công cùng lúc 5 hổ Đông Dương (có lông màu vàng, vằn đen). Hiện số hổ này đã được đưa về nuôi dưỡng tại công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi).
Bên cạnh chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc các loài động - thực vật quý hiếm nhằm giới thiệu với du khách, công tác nhân giống bảo tồn cũng được quan tâm. Hiện nơi đây có 1.100 cá thể thuộc 135 loài. Đa số là những loài thú quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như voi, báo lửa, hổ Đông Dương, trĩ sao...
Ngoài các loài động vật bản địa, Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn nuôi dưỡng thành công những loài thú quý hiếm vốn có môi trường sinh sống tự nhiên khác biệt. Quá trình này đòi hỏi một sự đầu tư nghiêm túc, từ khâu chọn lọc kỹ lưỡng và nhập thú về, tạo chuồng trại phù hợp với điều kiện sinh sống tự nhiên của thú cho đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngày để thú có thể thích nghi tốt nhất với môi trường sống tại Việt Nam.
Nhờ không gian tràn ngập cây xanh, không khí trong lành, bao quanh bởi các loài động vật, Thảo Cầm Viên đã trở thành địa điểm vui chơi, tham quan yêu thích của các bạn nhỏ vào dịp cuối tuần.