• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hỗ trợ hàng không: Cần chính sách đảm bảo việc vay vốn an toàn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp

Kinh tế 02/08/2021 20:17

(Tổ Quốc) - Theo các chuyên gia kinh tế, cần phải có giải pháp mạnh và kịp thời để gỡ khó cho các hãng hàng không, không phân biệt hàng không nhà nước hay tư nhân.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Giữ cánh" cho hàng không Việt - Giải pháp cấp bách về vốn" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam- VnEconomy tổ chức vào sáng 2/8.

Một việc làm trong ngành hàng không sẽ ảnh hưởng tới 24 việc làm khác

Trong đánh giá khái quát về vai trò của ngành hàng không, TS. Cấn Văn Lực Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho hay, đây là ngành có tính liên thông, đa ngành, tác động lan tỏa rất lớn. Theo nghiên cứu của IATA, một việc làm trong ngành hàng không sẽ ảnh hưởng tới 24 việc làm trong các ngành có liên quan (dịch vụ lữ hành, xăng dầu, dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn...).

Ngành hàng không có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch quốc tế và nội địa trong thời gian vừa qua.

Không chỉ có Vietnam Airlines mà hàng không Việt Nam phát triển vượt bậc thời gian qua còn có sự đóng góp to lớn của các hãng hàng không tư nhân. Khi các hãng hàng không tư nhân xuất hiện tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, người dân được hưởng lợi, việc di chuyển được dễ dàng và thuận tiện hơn, giá rẻ hơn.

Hỗ trợ hàng không: Cần chính sách đảm bảo việc vay vốn an toàn cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 khiến ngành hàng không lao đao. Ảnh minh họa

Hàng không trong nước phát triển cũng giúp gia tăng nhu cầu đi lại, kích cầu du lịch và tiêu dùng. Hàng năm, ngành hàng không tạo ra doanh thu khoảng 200.000 tỷ đồng. Riêng về ngân sách, ngành hàng không đóng góp trên 22.000 tỉ đồng thuế và phí/năm…

Nhưng, theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, tổng số chuyến bay khai thác tháng 7/2021 của các hãng hàng không Việt Nam đạt 3.772 chuyến, giảm tới 84,6% so với cùng kỳ. Trong ngày 27/7 vừa qua, các hãng khai thác 11 chuyến bay nhưng chỉ vận chuyển được 877 khách.

Tính đến 30/6/2021, các khoản công nợ quá hạn đối tác, nhà cung cấp của riêng Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines lên đến 13.340 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ lớn nhất, là hơn 7.099 tỷ đồng tiền thuê máy bay từ 12 đối tác.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho hay, các hãng hàng không đều đang phải gồng mình lên, sử dụng nguồn tài chính của mình để duy trì ổn định và vượt qua khó khăn.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, ngoài Vietnam Airlines đã được tiếp cận và tiếp tục được vay 4.000 tỷ đồng, còn lại các hãng bay khác là Vietjet, Bamboo, Vietravel để tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng là hết sức khó khăn.

Cần một cơ chế chính sách để đảm bảo việc vay vốn an toàn

"Rào cản đối với các hãng hàng không tư nhân là hiện nay là dù không hoạt động nhưng các hãng hàng không vẫn phải chi phí thường xuyên rất lớn để duy trì tối thiểu như trả tiền thuê máy bay, tiền lương cán bộ nhân viên, bảo dưỡng máy bay, chi phí bến bãi, các chi phí khác. Bên cạnh đó là những khoản nợ đến hạn nhưng không có nguồn thu, nguồn lực tài chính đã hết nên không thể trả được"- Ông Nguyễn Quốc Hùng nêu.

Nếu không tiếp tục cơ cấu, những khoản nợ này, theo các chuyên gia, sẽ bị chuyển thành nợ xấu, khi đó tất cả các hãng hàng không đều không thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Đều này là cực kỳ nguy hiểm và khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hàng không nói riêng.

"Cần phải có giải pháp mạnh và kịp thời để gỡ khó cho các hãng hàng không, không phân biệt hàng không nhà nước hay tư nhân"- ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Trước những khó khăn, thách thức các doanh nghiệp hàng không đang đối mặt, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, hiệp hội đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ một số giải pháp như: áp dụng "hộ chiếu vaccine", nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với những người đã tiêm đủ liều vaccine, có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế.

Theo ông Bùi Doãn Nề, cần một cơ chế chính sách để đảm bảo việc vay vốn an toàn cho cả Ngân hàng lẫn doanh nghiệp. Việc cho vay cần phải đảm bảo ít rủi ro, bởi thị trường hàng không của Việt Nam được đánh giá có khả năng phục hồi tốt, dự kiến là bắt đầu khởi sắc từ đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, Bamboo Airways. Thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần....

Ông Bùi Doãn Nề cũng cho hay, Hiệp hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường, áp dụng mức giảm 70% cho các hãng hàng không đến ngày 30/6/2022. Bên cạnh đó, Nhà nước nên tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022...

Các chuyên gia đề xuất phương án hỗ trợ: Cho các doanh nghiệp hàng không vay thông qua việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng tương tự như với Vietnam Airlines; Cho phép cơ cấu lại các khoản nợ; Cho vay để trả lương cho người lao động (theo Nghị quyết 68); Giảm thuế, phí. Với các hãng hàng không tư nhân, ngoài các phương án trên cần xem xét phương án bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, Ngân hàng thương mại cho vay theo lãi suất thỏa thuận.

Với các doanh nghiệp hàng không, cần có phương án cơ cấu lại, thoái vốn khả thi, hiệu quả; tiết giảm mạnh chi phí; chuyển đổi số mạnh mẽ; có phương án phục hồi, sẵn sang ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát; giữ công việc, việc làm cho nhân viên…


Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ