(Tổ Quốc) - Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai vừa tổ chức Hội thảo "Giải pháp hỗ trợ phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững" với sự tham gia của hơn 100 đại biểu.
- 17.12.2022 Xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi từ phát triển dược liệu quý
- 24.11.2022 Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Thủ đô là lực lượng nòng cốt trong xóa đói giảm nghèo
- 19.04.2022 Chủ tịch nước: Cùng với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, cần chú trọng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm trên 44%, chủ yếu là dân tộc Bahnar và Jarai. Do phong tục, tập quán còn lạc hậu, nhận thức còn nhiều hạn chế nên đời sống của người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng còn khó khăn.
Theo bà Rơ Chăm H'Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai cho biết: Thời gian qua, với sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành và sự nỗ lực không ngừng của các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ nói chung, hội viên, phụ nữ người dân tộc thiểu số nói riêng được tổ chức và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ.
Phong trào "Hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu, vươn lên thoát nghèo bền vững" được các cấp Hội triển khai lồng ghép gắn với thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam", các Chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai", Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em",... Các cấp Hội phối hợp với các ngành tổ chức nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình,.…
Từ những hoạt động hỗ trợ, đã có 2.139 hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững; các cấp Hội vận động nguồn lực đăng ký giúp 5.427 hộ hội viên phụ nữ nghèo, trong đó có 3.262 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã trở thành "điểm sáng", phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ như: câu lạc bộ "Dệt thổ cẩm", "Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng", "Phụ nữ dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục ma chay, cưới hỏi", "Nói không với tín dụng đen", mô hình: "Men rượu ghè truyền thống", "Đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng",....
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 305 câu lạc bộ, mô hình với 6.623 thành viên tham gia, nổi bật có 245 câu lạc bộ "Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng" với 5.830 thành viên, tiết kiệm với số tiền trên 15 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp cho hội viên phụ nữ nói chung, hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng nâng cao nhận thức, từng bước tạo sự chuyển biến, hình thành ý thức tiết kiệm, biết cách chi tiêu hợp lý, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khá cao, một bộ phận chị em chưa thích ứng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và chưa tìm được thị trường tiêu thụ nông sản...
Chình vì thế, tại hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo, tham luận về thực trạng và đề xuất giải pháp hỗ trợ phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững; công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững"; "Giải pháp hỗ trợ thông qua tín dụng chính sách xã hội đối với hội viên phụ nữ trong việc thay đổi nếp nghĩ, thực hiện trong chi tiêu tiết kiệm, vươn lên thoát nghèo".
Đồng thời, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp hỗ trợ phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức để hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng và người dân nói chung nhận thấy đây là vấn đề của chính mình và chủ động, tự lực trong "thay đổi" để vươn lên thoát nghèo.
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu. Trên cơ sở đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh có thêm cơ sở để đề ra các giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
"Sau hội thảo này, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp Hội phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được trong những năm qua, khắc phục những khó khăn, tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên phát huy nội lực, thực hiện có hiệu quả phương châm "Giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi và hỗ trợ có điều kiện" – bà Rơ Chăm H'Hồng nhấn mạnh./.