(Cinet)- Theo thống kê tổng số nghệ nhân Mo Mường trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình hiện có khoảng 200 người, trong đó người trẻ tuổi nhất hiện đã làm nghề 33 tuổi và người cao tuổi nhất hiện là 87 tuổi.
(Cinet)- Theo thống kê tổng số nghệ nhân Mo Mường trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình hiện có khoảng 200 người, trong đó người trẻ tuổi nhất hiện đã làm nghề 33 tuổi và người cao tuổi nhất hiện là 87 tuổi.
Hòa Bình hiện có 200 nghệ nhân Mo Mường. Ảnh: Báo Hòa Bình |
Theo báo cáo kiểm kê, khảo sát, đánh giá lại hiện trạng về di sản văn hoá Mo Mường, hiện nay, nghi lễ sử dụng Mo vẫn tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc Mường gồm 23 nghi lễ, được chia thành 4 nhóm: nghi lễ cầu phúc, cầu lộc; nghi lễ gọi vía; nghi lễ trừ tà; tang lễ cổ truyền. Giá trị đặc sắc nhất của Mo Mường được thể hiện ở thể loại Mo kể chuyện, thể loại Mo này được diễn xướng chủ yếu trong tang lễ cổ truyền. Tuy nhiên, phần mo kể chuyện còn có trong tang lễ là rất ít, chủ yếu ở huyện Tân Lạc chỉ còn mo kể phổ biến là 4 chuyện: đẻ đất, đẻ trứng điếng, đẻ sanh, ninh, đẻ dầu đèn và đẻ trống thôm, còn lại các vùng mường khác hầu như không còn mo kể chuyện trong tang lễ nữa.
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức Hội thảo giải pháp bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Mo Mường Hòa Bình. Tại hội nghị đại diện các địa phương cũng đã tập trung thảo luận về thực trạng cũng như một số giải pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát triển Mo Mường tại địa phương như: Kinh nghiệm triển khai thực hiện chỉ thị số 08 của Tỉnh uỷ về gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Mo Mường tại huyện Lạc Sơn; Xây dựng không gian văn hoá Mo Mường gắn với phát triển du lịch của huyện Cao Phong; Giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng Mo Mường trong xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang và lễ hội...
Trong thời gian, Hòa Bình sẽ chú trọng tới công tác kiểm kê, nhận diện giá trị, cũng như thực trạng hoạt động tại các địa phương; Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công chức văn hóa, các đối tượng liên quan tại nơi có di sản; Truyền dạy bộ chữ Mường cho các nghệ nhân để từ đó có thể tư liệu hóa, phục vụ cho công tác bảo tồn, quảng bá sau này.
Mo Mường là một di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng. Thế nhưng di sản văn hóa phi vật thể này đang đứng trước nguy cơ mai một do sự tác động của văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Gia Huệ (t/h)