(Tổ Quốc) - Nhóm nhạc đương đại Hà Nội và Đông Kinh Cổ Nhạc sẽ phối hợp giới thiệu chương trình hòa nhạc Tấm gương ký ức tại Phòng Hòa nhạc lớn- Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, lúc 20g ngày 24/10.
Các nghệ sĩ tập luyện cho buổi biểu diễn (ảnh HNME)
Chương trình hòa nhạc Tấm gương ký ức gồm các tiết mục được viết bởi Nguyễn Minh Nhật, Vũ Nhật Tân và Tôn Thất Tiết.
Nhạc cổ "Tiếng làng" biểu diễn bởi Nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc: Là khúc nhạc dạo đầu bằng tiết tấu và âm sắc của các nhạc cụ truyền thống Việt Nam, dựa trên chất liệu của những không gian diễn xướng cổ truyền như Chèo, Tuồng và Nhạc Cửa Đình.
“Ca trù” Prelude dành cho piano solo, biểu diễn bởi Dr. Nguyễn Minh Anh, thể hiện sự luyến láy và sâu sắc trong lối hát của ca trù trên cây đàn piano. Piano là nhạc cụ chỉ có quãng nhỏ nhất là nửa cung và trên lý thuyết không thể nào có thể chơi những quãng nhỏ hơn thế, khác với giọng hát mà ca sĩ có thể luyến láy qua các quãng rất nhỏ một cách tinh tế và linh hoạt. Vậy, làm nhòe âm thanh bằng các chùm nốt một cách chớp nhoáng trên đàn piano liệu có hiệu quả không? Tác phẩm mang theo những điệu trong lời hát, các khổ đàn và tiếng trống chầu quen thuộc làm chất liệu để phát triển các ý nhạc.
“Tấm gương ký ức” được viết vào năm 2011 và được dành tặng cho Jeff Von der Schmidt, Jan Karlin và Southwest Chamber Music. Tác phẩm được trao tận tay ở Paris như là một món quà gây ngạc nhiên dành cho những cống hiến của Jeff Von der Schmidt, Jan Karlin và Southwest Chamber Music cho âm nhạc đương đại Việt Nam. Tác phẩm gồm 3 chương ngắn, lặng lẽ và kiên nhẫn, đôi lúc cao trào nhưng luôn trở về với sự yên bình. Để cảm nhận được tác phẩm, người nghe phải ít nhất hiểu được Phật giáo, Đạo giáo và Hindu giáo, đây là một hành trình tâm linh thấm đượm tư tưởng Á Châu kết hợp với nhạc cụ phương Tây.
“Kim” viết chung cho Nhóm nhạc đương đại Hà Nội và Nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc. Tác phẩm được viết tặng Stephen Lesser, biểu diễn bởi Nhóm Nhạc Đương Đại Hà Nội và Nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc.
"Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ" là năm nguyên tố tự nhiên cấu thành vạn vật trong quan niệm của triết học cổ Á Đông. Năm nguyên tố này chuyển động qua lại theo hướng tích cực (tương sinh) hay hướng tiêu cực (tương diệt) để bằng sự vận hành của nó mà làm ra sự sống trên trái đất. Đây cũng là tên một bài thơ có nhiều tâm sự về các vấn đề con người, cuộc sống và môi trường của thế kỷ 20, được viết bởi Nguyễn Duy một nhà thơ đương đại với những sáng tác thể hiện được hồn cốt dân tộc trong văn học hiện đại Việt Nam. "Kim" là bản nhạc được sáng tạo trong những tư duy triết học và những ý tứ của bài thơ trên. "Kim" là nguyên tố đầu tiên của Ngũ Hành. Kim cũng là bản nhạc đầu tiên được viết kết hợp giữa Nhạc đương đại và Nhạc cổ Việt. Tác phẩm mong muốn mở cửa cho những chuyển động của âm thanh và của tư duy sáng tạo.
Chương trình do nhạc trưởng Jeff Von der Schmidt chỉ huy; cố vấn chương trình Jan Karlin. Các thành viên của Nhóm Nhạc Đương Đại Hà Nội: Phạm Trường Sơn, violin; Vũ Thị Khánh Linh, violin; Khúc Văn Khoa, viola; Đào Tuyết Trinh, cello; Nguyễn Quốc Bảo, clarinet; Nguyễn Trọng Bằng, flute; Nguyễn Nhật Quang, bộ gõ; Trần Thu Thủy, hát. Nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc gồm các nghệ sĩ: NSND Xuân Hoạch; NSND Minh Gái; NSND Thanh Hoài; NSUT Thúy Ngần; NSUT Tuấn Cường; Hiền Thảo, hát; NSUT Văn Chính; NSUT Đức Mười; Nghệ nhân Đàm Quang Minh; Nghệ sĩ Hữu Đạt; Nghệ sĩ Thế Quang; Nghệ sĩ Nguyễn Hải Đăng; Nhà thơ Nguyễn Duy, đọc thơ.
Nhóm nhạc đương đại Hà Nội |
Hanoi New Music Ensemble (HNME) (Nhóm nhạc đương đại Hà Nội) được thành lập từ tháng 8/2015 theo sáng kiến của các nhà soạn nhạc Vũ Nhật Tân, Trần Kim Ngọc, nghệ sĩ violon Phạm Trường Sơn và nhạc trưởng Jeff Von der Schmidt. HNME là một nhóm nhạc mới thành lập với mục tiêu đưa âm nhạc đương đại Việt Nam và thế giới đến với công chúng Việt Nam, đồng thời trở thành một đại sứ của âm nhạc đương đại Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua việc giới thiệu các tác phẩm âm nhạc đương đại Việt Nam và quốc tế, HNME đã góp phần quan trọng làm thay đổi thói quen thẩm âm của công chúng Việt Nam.
Đông Kinh Cổ Nhạc là một nhóm các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội của nhạc cổ Việt Nam như NSND Thanh Hoài, NSND Minh Gái, NSND Xuân Hoạch, NSND Mạnh Phóng... họ gặp nhau trong đam mê gìn giữ âm nhạc cổ truyền và làm việc để chia sẻ những giá trị đẹp của di sản với cộng đồng. Từ năm 2015 tới nay, nhóm đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn trong và ngoài nước, trong đó các đêm nhạc "Chuyện nhạc phố cổ", "Tiếng trúc tiếng tơ", "Tố nữ dân ca"... những buổi biểu diễn định kỳ tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội thu hút đông khán giả đam mê âm nhạc dân tộc.
V.Vân