• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống”: Đưa biểu tượng văn hóa truyền thống vào cuộc sống

08/04/2018 15:32

(Cinet) - Đã 5 năm kể từ khi tác giả Trịnh Thu Trang bắt đầu dự án “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống”, và thành quả đầu tiên là việc ra mắt cuốn sách cùng tên với mong muốn tạo lập kho nguyên liệu truyền thống dành cho ngành thiết kế Việt.

(Cinet) - Đã 5 năm kể từ khi tác giả Trịnh Thu Trang bắt đầu dự án “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống”, và thành quả đầu tiên là việc ra mắt cuốn sách cùng tên với mong muốn tạo lập kho nguyên liệu truyền thống danh cho ngành thiết kế Việt.



Những chiếc phong bao lì xì, những quyển sổ tay có họa tiết dân gian là thành quả lao động của Trịnh Thu Trang và nhóm S- River khi nghiên cứu và ứng dụng các họa tiết màu sắc của dòng tranh dân gian Hàng Trống vào mỹ thuật ứng dụng đương đại, từ đó mang nghệ thuật truyền thống đến với mọi người ở mọi lứa tuổi và ngành nghề.



Sự kết hợp giữa truyền thống và đương đại cũng mang đến sự mới mẻ và là cách hữu ích để bảo tồn văn hóa truyền thống. Mặt khác việc đưa các họa tiết truyền thống vào đương đại cũng đưa ra thêm lựa chọn cho giới trẻ, đưa những giá trị dân gian sống lại ở bất cứ đâu trong đời sống.

Bộ tranh "Tứ bình" - Tranh dân gian Hàng Trống. Nguồn: kinhtedothi.vn



Trăn trở “Phong cách thiết kế của Việt Nam là gì”?



Bắt đầu từ trăn trở “Phong cách thiết kế của Việt Nam là gì?”, nhà thiết kế Trịnh Thu Trang và các thành viên nhóm S-River đã “lội ngược dòng” trở về với những giá trị văn hóa truyền thống để tìm câu trả lời.



Năm 2013, thông qua những dự án thiết kế, khi được nhìn thấy những bức tranh bản gốc tại nhà nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên, ngay lập tức Trịnh Thu Trang bị chinh phục bởi màu sắc, họa tiết và cách tạo hình vô cùng sống động của dòng tranh này. Tranh Hàng Trống gắn liền với đời sống người dân Việt Nam, mang hơi thở và tinh thần văn hóa Việt, nhưng đáng buồn là dòng tranh này chỉ còn được lưu giữ trong bảo tàng và trong những bộ sưu tập hiếm hoi. Trong khi đó, một lý do dẫn đến khó khăn trong việc hình thành bản sắc riêng của nền thiết kế Việt là ngành mỹ thuật nước ta đang rất thiếu những nguyên liệu mang màu sắc truyền thống.



Xuất phát từ câu hỏi tại sao không sử dụng kho nguyên liệu cực kỳ phong phú về màu sắc và họa tiết chưa được khai thác và đang có nguy cơ bị mai một của tranh dân gian Việt Nam nói chung, tranh Hàng Trống nói riêng vào thiết kế đã đưa đến sự ra đời của “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống”.

Nhà thiết kế Trịnh Thu Trang và nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê trong buổi ra mắt cuốn sách

"Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống". Ảnh: Gia Linh



Đây cũng là cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam khai thác tiềm năng ứng dụng việc sử dụng màu sắc, họa tiết của tranh Hàng Trống để đưa vào thiết kế đương đại qua các dữ liệu được số hóa thành bảng mã màu, file vector họa tiết cùng những gợi ý phối hợp màu sắc và các ứng dụng trên các thiết kế. Từ đó, mang dòng tranh Hàng Trống tiếp cận đông đảo công chúng, đặc biệt là giới nghệ sĩ và nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam.



Nhà thiết kế Trịnh Thu Trang chia sẻ: “Tôi nghĩ nếu giữ nguyên tranh Hàng Trống ở bản gốc thì sẽ không còn phù hợp với thời đại công nghệ số, thời đại in ấn, công nghiệp. Từ đó, tôi có ý tưởng kết nối những giá trị truyền thống với thiết bị số, cùng hướng dẫn màu sắc và các ứng dụng trên thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ. Tranh dân gian được biến đổi sang dạng thức phù hợp để có thể phát triển, thích nghi với thời đại của công nghiệp và công nghệ số để những giá trị dân gian sống lại ở bất cứ đâu trong đời sống”.  



Những viên gạch đầu tiên

Các sản phẩm với họa tiết từ tranh Hàng Trống đã được hiện thực hóa. Nguồn: Nhóm S-River
Thiết kế phong bao lì xì với họa tiết tranh Hàng Trống. Nguồn: Nhóm S-River



Sau thành công của chuỗi các hoạt động ra mắt cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống diễn ra đầu tháng 4/2018, Triển lãm tranh và talkshow với chủ đề “Những điều xưa cũ mới mẻ” vào tháng 1/2018, công chúng và đặc biệt là những người yêu mến tranh dân gian nói chung, tranh Hàng Trống nói riêng tiếp tục mong đợi vào những thành công trong việc ứng dụng các nguyên liệu dân gian vào cuộc sống đương đại.



Nhà thiết kế Trịnh Thu Trang chia sẻ, “Mình và nhóm rất hy vọng có thể tiếp tục dự án trong những năm tiếp theo. Trong năm 2018 mình sẽ hiện thực hóa các hoạt tiết tranh Hàng Trống vào các sản phẩm với nhiều thử nghiệm hơn nữa để làm giàu ứng dụng thực tế họa tiết tranh Hàng Trống”.

Ví dụ về ứng dụng các họa tiết Tranh Hàng Trống vào các sản phẩm. Nguồn: Nhóm S-River



Đối với nhà thiết kế Trịnh Thu Trang và các thành viên S-River, cuốn sách ra mắt mới chỉ là khởi đầu cho một hành trình mới. Giống như nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê ví cuốn sách như những viên gạch đầu tiên đặt nền móng để xây nên một kho nguyên liệu dân gian cho ngành thiết kế Việt. Để tranh Hàng Trống được “tái tạo” theo một lăng kính mới, một dạng thức mới, để nó hồi sinh trong cuộc sống đương đại. Các họa tiết truyền thống từ tranh Hàng Trống sẽ xuất hiện trên khăn, áo, giày hay bao bì các loại mứt, bánh kẹo,... các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng đậm chất Việt Nam thay cho những họa tiết vay mượn các mô-típ trang trí của nghệ thuật truyền thống các nước vùng Ðông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.



Đánh giá về thành quả mà Trịnh Thu Trang và nhóm S-River thực hiện, Nhà nghiên cứu dân gian Phan Ngọc Khuê cho biết: “Thời kỳ của chúng tôi, rất khó có điều kiện thực hiện một cuốn sách thế này và có thể tận dụng thành tựu khoa học kỹ thuật để nghiên cứu văn hóa dân gian. Tranh hàng Trống là tranh vẽ tay, có nghĩa là phải có sự rung động của trái tim, bàn tay người vẽ, có cảm hứng của con người. Việc khai thác các họa tiết với sự tham gia của công nghệ là rất đáng hoan nghênh. Với cách làm này, tôi hy vọng kho tàng họa tiết, màu sắc, trang trí Việt những năm tới sẽ có những sinh khí mới và có nhiều áp dụng trong các lĩnh vực của đời sống như bìa sách, trang trí trên quần áo, sản phẩm công nghệ…Từ đó mang hơi thở nghệ thuật dân tộc vào cuộc sống đương đại.”

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ