• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Họa sĩ Lê Thiết Cương: "Nghệ thuật chính là cuộc sống"

14/05/2008 16:45

Là một trong những nghệ sĩ tiên phong thời kỳ đổi mới, ngay từ triển lãm cá nhân đầu tiên - triển lãm "Đồng dao" (5-1991) tại Hà Nội, Lê Thiết Cương đã thể hiện mình có một phong cách riêng và một cách nhìn thế giới riêng, độc đáo, mang bản sắc Việt Nam.

Là một trong những nghệ sĩ tiên phong thời kỳ đổi mới, ngay từ triển lãm cá nhân đầu tiên - triển lãm "Đồng dao" (5-1991) tại Hà Nội, Lê Thiết Cương đã thể hiện mình có một phong cách riêng và một cách nhìn thế giới riêng, độc đáo, mang bản sắc Việt Nam.

Anh cũng là người nghĩ ra cách vẽ tranh trên vải màn - giấy bồi, một chất liệu nền tự nó đã phảng phất hương vị dân gian đồng quê.

Từ đó đến nay, với các bước đi không ngừng, làm việc không ngừng, sáng tạo không ngừng, qua hàng chục triển lãm trong và ngoài nước, Lê Thiết Cương đã dần khẳng định mình, khẳng định con đường minimalism (tối thiểu hóa trong phong cách thể hiện) mà anh theo đuổi và khẳng định luôn một vị trí trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

1 triệu chi tiết, 7 triệu màu, vẫn là tối giản

Theo anh, sự tối giản có mâu thuẫn với nội dung? Bởi lẽ, càng ít màu, càng ít nét, thì việc thể hiện nội dung càng khó khăn?

Đối với hội họa, nội dung quan trọng ít chứ không phải zê-rô. Cái ý tưởng gì trong hội họa nói chung đều phải được thể hiện bằng hình thức. Anh có nói giời nói biển về ý tưởng thuộc phạm trù nội dung của một bộ tranh thì cũng vô nghĩa, thì viết ra cho xong, nếu không giải quyết được vấn đề hình thức.

Nội dung thuộc về văn học. Mà hội họa không phải là văn học. Trước đây mấy năm, tôi chỉ vẽ đen - trắng. Nay tôi đưa thêm màu tím hoa cà và màu xanh bộ đội bàng bạc để cho nó gần là đen - trắng.

Tức là đi tới cái giáp ranh chứ không vào hẳn nhà người ta, không vào hẳn đen - trắng. Tôi đã đi qua 3 triển lãm đen - trắng: Hạt gạo, Bản thảo và Cây. Giờ tôi muốn vẽ một cái không hẳn màu, không phải đen - trắng, mà là một cái gần chạm vào đen - trắng, nhưng không phải hoàn toàn là màu. Có thể gọi là màu đơn sắc, giữa ranh giới màu và đen - trắng.

Khi quan tâm đến màu là quan tâm đến một phạm trù hình thức trong hội họa: chất liệu, kích cỡ, bút pháp, bố cục, hình màu, đậm nhạt... Mỗi triển lãm có gì mới thì hãy triển lãm.

Tranh của họa sỹ Lê Thiết Cương.



Trường phái hội họa tối giản chưa phổ biến tại Việt Nam, anh lấy đâu ra công chúng?

- Tôi có những công chúng của tôi. Trước đây 100% là người nước ngoài. Nay chỉ còn 80%, người Việt đã chiếm 20%. Đó là dấu hiệu rất đáng mừng.

Tại sao anh không chọn, như các họa sĩ khác, đa sắc, đa màu, đa hình để có nhiều công chúng hơn, để bán được nhiều tranh hơn?

- Tôi không hề hy vọng bán nhiều tranh. Hơn nữa, đó là tại tính. Một nhà văn, tại sao chỉ chọn viết truyện ngắn mà không viết tiểu thuyết? Tôi có viết một bài về bác Lê Đạt. Tại sao tính người như bác Đạt lại chỉ viết thơ đoản ngôn, truyện ngắn... mà không bao giờ viết tiểu thuyết. Giời sinh tính.

Nhưng họa sĩ cũng cần bảo đảm cuộc sống và có tiền để mua nguyên liệu vẽ?

- Ai cũng phải hiểu điều đó. Nhưng tôi vẫn có công chúng của tôi. Chỉ có điều, đó là con đường hẹp. Tôi hay nói đùa rằng, bây giờ có một người theo lối tối đa thì đường mở, qua từng giai đoạn người ta thêm màu nọ, kia, hay thêm hình. Còn tôi thì ngày càng bớt đi, thì đường càng hẹp lại.

Anh định bớt đi đến đâu?

- Thì đó là chuyện! Không bao giờ hội họa tối thiểu là việc anh ra ngoài hiệu họa phẩm mua miếng toan về, căng lên, treo lên tường và bảo đó là hội họa tối thiểu. Nếu quan niệm như thế, Phật giáo giải thích rất hay: nếu còn chấp vào hình thức thì không bao giờ đến.

Đọc cuốn truyện mà chỉ chấp mực đen giấy trắng thì không bao giờ thấy được cái hay. Sẽ đến một lúc, tôi vẽ 1 triệu chi tiết, 7 triệu màu trên một bức trang mà nó vẫn là tối thiểu.

Đi tìm bản sắc của hội họa Việt

Gần đây có một xu hướng khá phổ biến là chất liệu dân gian, các yếu tố truyền thống vào tranh hiện đại. Là một họa sĩ "mê" truyền thống, anh nhìn sao về xu hướng ấy?

- Dân gian chỉ là nguyên liệu. Vấn đề là sử dụng nguyên liệu đó như thế nào nào? Ví dụ như trong thời trang.

Một cái áo dài vẽ phố cổ không phải là đưa truyền thống vào hiện đại. Hay là mấy người làm các lọ gốm bán, đưa tranh Đông Hồ vào là bệnh hoạn. Đó không phải là đưa truyền thống vào hiện đại, mà là cóp-pi truyền thống.

Như nhà thiết kế Minh Hạnh từng nói, chiếc áo dài không phải là cái mẫu để biến tướng. Nó là một hình tượng, là tư tưởng để sáng tác. Trong hội họa, có thứ hình tượng nào như thế?

- Có! Phải thấy được cái hay nhất của mỹ thuật đời Lý là gì, Trần là gì, Mạc là gì. Phải thấy cái hay mà không nước nào quanh mình có được là nghệ thuật Việt thế kỷ 16, 17, 18 mà bây giờ đang còn bản thật.

Trên cơ sở đó lấy ra cái tính chất của nó. Mình nằm ở vùng địa lý đặc biệt, trên là Trung Quốc, dưới là Chăm, đều rất mạnh. Nhưng ta vẫn có cái riêng rất hay mà toàn bộ những vùng khác không có. Đặc sắc nhất của đời Trần là đất nung và hoa nâu. Không một bảo tàng nào trên thế giới có.

Từ đời Lý bước sang đời Trần có một bước chuyển lớn về mỹ thuật. Đời Lý trọng sự mềm mại, tinh tế. Đời Trần trọng sự thô mộc, khỏe khoắn. Vì sao có thể chuyển nhanh và mạnh như thế?

- Nhà Trần đánh thắng quân Nguyên, tinh thần dân tộc, sự hùng mạnh tạo ra sự khỏe khoắn trong tạo hình mỹ thuật. Chưa kể nhà Trần vốn đậm chất sông nước. Sâu xa hơn, nhà Lý giành lại độc lập sau 1000 năm Bắc thuộc, trở thành một thời kỳ quá độ để bước sang nhà Trần.

Tâm lý sáng tạo của một nghệ sĩ là sau khi thoát ra khỏi kẻ vừa đánh mình thì muốn thoát hẳn, không muốn nhìn lại nữa, muốn làm một cái gì thật mới. Mà hay nhất của cái thật mới là trở lại với cái gốc.

Gốc của dân tộc Việt là gốc Nam đảo chứ không phải gốc Trung Quốc, chất tạo hình khỏe mạnh của mình hoàn toàn theo hướng thổ dân. Khi Việt Nam gia nhập ASEAN, ông Trần Văn Giàu đã nói: "Hôm nay là Việt Nam trở về với ASEAN chứ không phải là gia nhập ASEAN".

Chỉ có mỹ thuật Lý mới giải thích được chuyện là mỹ thuật Việt không hề đứt đoạn, dù bị 1000 năm Bắc thuộc. Đó là nền văn hóa Đông Sơn.

Vấn đề bản sắc hội họa Việt đã được bàn nhiều. Nhưng đến hiện tại vẫn chưa có được một thứ gì rõ nét. Theo anh, chúng ta cần tiếp thu truyền thống như thế nào để tạo nên "bản sắc hội họa"?

- Nếu lệ thuộc quá vào truyền thống thì sẽ đánh mất khả năng sáng tạo. Họa sĩ Van Gốc phát hiện ra Nhật Bản là vì Pa-ri có bán vài cái tranh, vài tấm bưu thiếp in hình ảnh xứ sở hoa anh đào.

Van Gốc chưa từng đến Nhật Bản nhưng ông vẫn vẽ những người đàn bà Nhật mặc ki-mô-nô và núi Phú Sĩ. Tuy nhiên, đó vẫn là mỹ thuật châu Âu. Hay Gô-ganh sang Ha-i-ti vẽ thổ dân thì vẫn là người châu Âu vẽ thổ dân chứ không phải thổ dân vẽ.

Ở ta, giai đoạn trước, bản sắc hội họa khá rõ. Thời mỹ thuật Đông Dương, dù mỗi người vẽ một kiểu nhưng vẫn thể hiện khá rõ tinh thần trường phái mỹ thuật Pa-ri. Bây giờ nguồn học khác nhau, càng khó đi tìm cái gọi là bản sắc. Nhưng tôi nghĩ, điều đó không quan trọng.

Rồi sẽ đến lúc tiêu chí phải thay đổi. Bây giờ đi tìm bản sắc hội họa Bun-ga-ri hay Mỹ là không có. Vì họ không đặt vấn đề đó lên hàng đầu. Vấn đề cuối cùng là làm sao tìm thấy mình. Nghệ thuật chính là cuộc sống. Bây giờ người ta sống khác, nghĩ khác, thì sẽ vẽ khác.

Xin cảm ơn anh!

Theo QĐND

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ