(Tổ Quốc) - Được biết đến họa sĩ Lưu Vũ Long từ sau triển lãm T.O.A.N đánh dấu tình bạn lâu năm giữa 6 người bạn đều là các họa sĩ miền Bắc. Có thể nói ấn tượng đầu tiên từ các tác phẩm của họa sĩ này là những bức họa rất ngộ nghĩnh với màu sắc cực kỳ bắt mắt nhưng lại thực sự có chiều sâu mà không nhiều họa sĩ hiện nay làm được.
Nhân triển lãm “Miền nhiệt đới” sắp được Vicas Art Studio- Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, chúng tôi đã có buổi trò chuyện quanh những bức họa cùng họa sĩ Lưu Vũ Long.
* Họa sĩ Lưu Vũ Long thân mến, anh có thể cho biết lần này anh sẽ mang gì tới Triển lãm “Miền nhiệt đới”?
Triển lãm “Miền nhiệt đới” lần này do Trung tâm Nghệ thuật đương đại- Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chọn lựa họa sĩ, tác phẩm và tổ chức. Lần này tôi tham gia triển lãm với mười bức tranh và những tác phẩm trong triển lãm này là các sáng tác gần đây nhất của tôi, là kết quả công việc thường ngày của họa sĩ chứ không phải là sự đặt hàng hay sắp xếp của nhà tổ chức.
* Tôi thấy trong nhiều triển lãm thường các tác phẩm sẽ được nhà tổ chức lựa chọn và sắp xếp theo một chủ đề, chủ ý từ trước. Đã từng nhiều lần tham gia triển lãm, đã có lần nào anh “bẻ” cái chủ ý đó mà thay vào đó là những bức họa theo chủ ý của mình?
Đối với một họa sĩ làm việc toàn thời gian cho vẽ và sáng tạo thì việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật là việc làm hằng ngày, là yêu cầu tự thân của công việc chứ không phải vì một mục đích nào khác, mà có lẽ cũng không có thời gian để nghĩ đến việc gì khác nữa.
Để có những tác phẩm tham gia triển lãm lần này, tôi và nhà tổ chức đã phải cùng nhau làm việc nhiều lần về ý đồ tổ chức triển lãm cũng như yêu cầu từ phía họa sĩ tham gia. Kết quả hai bên cũng đã “bẻ” nhau đầy đủ thì triển lãm này mới có thể diễn ra đúng hẹn.
* Trong triển lãm lần này những tác phẩm của anh có gì khác so với những bức họa đa sắc màu và hình tượng trong triển lãm T.O.A.N hồi tháng 5 vừa qua không?
Có thể nói mỗi họa sĩ có một cách sống, cách suy nghĩ, cách làm việc và những mục tiêu khác nhau. Với tôi, tôi tin vào nghệ thuật của mình, tin vào công việc mình đang làm và tôi thấy vui vì điều đó. Khi cầm cọ, tôi không quan tâm đến chất liệu, phong cách và những thứ khác đều không phải là điều tôi quan tâm vì mỗi chất liệu có đặc tính riêng, mà ngoài những chất liệu quen thuộc của người vẽ (sơn dầu, sơn mài, thuốc nước… PV) còn vô vàn thứ quanh ta, quan trọng nhất là người sáng tạo sử dụng như thế nào lên nghệ phẩm của mình.
Như chị thấy trong triển lãm gần đây tôi có tham gia, tôi sử dụng nhiều chất liệu acrylic là bởi nó tương tác tốt với suy nghĩ, với cách làm việc và nhu cầu tràn ra của ý tưởng.
* Đối với người nghệ sĩ để sinh ra những đứa con tinh thần không phải là việc dễ, chưa đầy 2 tháng mà anh đã tham gia 2 triển lãm chứng tỏ nguồn cảm hứng sáng tạo trong anh rất nhiều. Anh có thể chia sẻ những cảm hứng sáng tác đến với anh như thế nào?
Có thể nói rằng với nghệ thuật của tôi, tôi luôn tìm thấy năng lượng lớn, tinh khiết từ những thứ nhỏ nhoi, từ những trò chơi, suy nghĩ của trẻ con, tôi hấp thu năng lượng đó rồi chuyển tải ra sáng tác của mình. Khi cởi bỏ được nhiều thứ thì ý tưởng, chủ đề, phong cách thể hiện, chất liệu… không còn là vấn đề với tôi nữa, mọi thứ cứ vậy tuỳ duyên, tuỳ hỉ (!?) mà tuôn chảy.
Kẻ phù phép - Tranh của họa sĩ Lưu Vũ Long |
* Nếu chỉ nhìn thoáng qua những tác phẩm của anh thì tôi dám chắc nhiều người sẽ cho rằng mình dễ dàng vẽ được những bức tranh như vậy. Xin mạo muội hỏi nhỏ anh một câu rằng, đã bao giờ tranh của anh bị đạo chưa?
Thực sự tôi không mấy quan tâm tới những chuyện này bởi với tôi, nếu biết thêm những chuyện đó chỉ đem lại năng lượng xấu nên tôi cố gắng tránh xa.
Tôi nghĩ chuyện đánh giá, chuyện tranh nhái, đạo tranh, chép tranh… để nhìn nhận một cách thấu đáo và nghiêm túc cần nhiều những nhà phê bình lý luận nghệ thuật, những chuyên gia về mỹ thuật, những nhà báo chuyên trách vè văn hóa nghệ thuật cùng tham gia đưa ý kiến thì mới có thể đi tới cùng câu chuyện.
* Đó cũng là một cách để một họa sĩ như anh “né tránh” những thực tế trần trụi để giữ cho tâm hồn được trong trẻo, tôi nói như vậy có quá không nhỉ (?!) 10 bức họa tham gia triển lãm lần này, anh dự định sẽ thu về được những gì?
Tham gia triển lãm “Miền nhiệt đới” lần này cũng như triển lãm T.O.A.N hồi tháng 5 vừa qua là vì tôi muốn công chúng và những người yêu nghệ thuật biết đến nhiều hơn những sáng tác, tới nghệ thuật của tôi. Đó có lẽ là những gì tôi “thu về” nhiều nhất từ các triển lãm như thế…
Khánh Vân (thực hiện)
"Miền nhiệt đới"- Triển lãm nhóm của 5 họa sĩ Nguyễn Thanh Hải, Phạm Sinh, Tào Linh, Lưu Vũ Long, Nguyễn Mạnh Quỳnh trưng bày 39 bức tranh đa sắc màu, đa phong cách, sẽ khai mạc vào lúc 17g ngày 18/7 tại Vicas Art Studio - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 32 Hào Nam, Hà Nội.
5 họa sĩ, 5 phong cách và họ đã cùng nhau dệt nên một Miền nhiệt đới đa chiều trong hội họa.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 17/8/2018, mở cửa tự do đón khách tới tham quan, thưởng lãm.
Nhận định về những họa sĩ và tác phẩm tham gia triển lãm Miền nhiệt đới, Giám đốc Nghệ thuật của Vicas Art Studio- ông Bùi Quang Thắng cho biết:
Tranh của Nguyễn Thanh Hải là một sự pha trộn độc đáo giữa: Tinh thần của một rocker không điệu đà trau chuốt, không sến súa; Nhịp điệu của một vũ công samba và Sắc màu của một họa sỹ dã thú. Tôi rất thích những mảng màu dày, chói chang nhưng hấp dẫn như những lớp kem ngọt ngào, đó là cách diễn tả rất trực giác của nghệ sỹ về những cảnh tượng quyến rũ của “miền nhiệt đới” (cái nắng, cái gió, biển xanh, hàng dừa và những đám mây tung tăng, rực rỡ).
Phạm Sinh với những bức tranh rực sắc của cỏ cây, hoa lá và những sắc thái của khí hậu tự nhiên đặc trưng cho “Miền nhiệt đới”. Nhưng cái đích của anh không phải là miêu tả cảnh vật mà là biểu hiện những cảm xúc của mình về chúng, những bức tranh hoa giống như sự phấn khích/ ham muốn chiếm đoạt của một người đàn ông khi đứng trước một người đàn bà đẹp, và ở đề tài khác là sự thanh tẩy của tâm hồn khi chứng kiến thời điểm chuyển hóa của hai hiện tượng tự nhiên đối lập (các tác phẩm “sau cơn lũ”, “sau cơn mưa”, “rừng đỏ”, “nắng mùa đông”).
Tào Linh xuất hiện trong “Miền nhiệt đới” không phải là những khung cảnh chói chang của ánh nắng vàng, màu xanh ngát của biển hay sự tưng bừng của hoa lá mà nó là miền nhiệt đới ở bên trong mỗi con người: có khi yên ả, dịu êm, nhưng cũng có khi oi ả, bứt rứt. Ở tranh của Linh người ta thấy sự hòa quyện giữa một bên là cách tạo hình đầy chất suy tư, gợi mở; bên kia là những sắc màu nhẹ nhàng, tinh tế. Chính điều đó khiến tranh của anh có sức truyền cảm.
Lưu Vũ Long là một trong ít những họa sỹ tân biểu hiện ở Việt Nam. Mặc dù, màu sắc trong tranh Long rất “nhiệt đới” nhưng anh lại không đề cập đến những đặc điểm tự nhiên của vùng khí hậu này, tranh của anh lại nói về những vấn đề xã hội- nhân văn của vùng đất mà chúng ta đang sống: Đó là suy tư về thân phận con người, về những ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn giữa người với người. Dĩ nhiên, người ta chỉ ước vọng khi thực tế xã hội đang còn nhiều thất vọng. Dưới góc độ nhân học, có thể coi loạt tranh của Lưu Vũ Long ở triển lãm này là một “miền nhiệt đới buồn”.
Nguyễn Mạnh Quỳnh lại trình ra một “miền nhiệt đới” của nội tâm với 8 bức tranh trừu tượng. Đó là sự biểu hiện- trừu tượng về tình yêu, tình bạn, về thiện ác... Ngôn ngữ trong tranh của anh khiến người ta liên tưởng đến những trạng thái cực đoan của thời tiết ở xứ nhiệt đới gió mùa: Cái nóng oi bức, cái lạnh ghê người của gió mùa đông bắc, cái nồm ẩm ướt đến khó thở...
K.V
Xin giới thiệu một số tác phẩm của 5 họa sĩ tham gia Triển lãm "Miền nhiệt đới"
Bãi đá - tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Hải |
Rừng đỏ - tranh của họa sĩ Phạm Sinh |
Đèn - tranh của họa sĩ Tào Linh |
Ngụ ngôn của lửa - tranh của họa sĩ Lưu Vũ Long |
Bạn tôi - tranh của họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh |