• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Họa sĩ Lý Trực Dũng: Để dung hòa biếm họa với tình yêu

17/02/2008 15:54

Sau hơn 35 năm đa đoan với “nghiệp chướng” Biếm họa, cho đến nay “gia tài” tranh biếm của họa sĩ Lý Trực Dũng khá phong phú với một số tác phẩm đoạt những giải thưởng danh giá ở trong và ngoài nước. Một “góc” nhỏ nhoi trong đó là những bức tranh biếm họa về đề tài tình yêu.

Sau hơn 35 năm đa đoan với “nghiệp chướng” Biếm họa, cho đến nay “gia tài” tranh biếm của họa sĩ Lý Trực Dũng khá phong phú với một số tác phẩm đoạt những giải thưởng danh giá ở trong và ngoài nước. Một “góc” nhỏ nhoi trong đó là những bức tranh biếm họa về đề tài tình yêu.

Chân dung họa sĩ Lý Trực Dũng (tranh của họa sĩ Nguyễn Quân).Chân dung họa sĩ Lý Trực Dũng (tranh của họa sĩ Nguyễn Quân).

Ông họa sĩ biếm cao 1,8 mét, dáng dấp nho nhã có phần khắc khổ, có tiếng là “nhiều đam mê” (xây dựng, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, thơ văn, viết báo…) đã không phủ nhận mình là người “đào hoa” và rất coi trọng tình yêu cuộc sống. Phải chăng vì thế ông mới đủ tự tin để vẽ Tranh biếm tình yêu, một đề tài “khó nhằn” đối với hầu hết các họa sĩ biếm. Sau đây là cuộc trò chuyện với ông.

 Tranh biếm họa chủ đề tình yêu chiếm một vị trí thế nào trong nghiệp biếm họa cho tới nay của họa sĩ?

- Rất quan trọng.

 Có thể định lượng bao nhiêu phần trăm?

- Rất ít, nhưng cái tranh nào tôi cũng nhớ.

Tỷ lệ này là bao nhiêu trong số tranh gửi dự thi “Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần I” cho tới nay do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức – với sự tham gia của họa sĩ trong vai trò “kép”: Cố vấn chuyên môn và thành viên BGK?

- Trong số gần 300 bức đã nhận được cho tới nay rất tiếc là không có tranh nào về đề tài này.

Tại sao lại hiếm như vậy? Phải chăng vì Biếm họa và Tình yêu là hai phạm trù… rất khó dung hòa, thậm chí mâu thuẫn với nhau?

- Ta vẫn có thể tìm thấy sự hài hòa ngay cả trong mâu thuẫn. Tình yêu là một đề tài “khó nhá” đối với hầu hết các họa sĩ biếm trên thế giới. Trong khi âm nhạc, hội họa, thi ca nói chung đường hoàng ca ngợi tình yêu, ca ngợi cái đẹp thì Biếm họa ngược lại, từng bị cho là “phản nghệ thuật”!? Vẽ tranh biếm đề tài tình yêu, vì thế là cả một chuyện “động trời”! Cái khó nhất ở đây là làm sao có được một bức tranh biếm tinh tế, hài hước, “romantic” (lãng mạn) và ấm áp tình người, mà không bị sa vào hơi hướng “erotic” (nhục cảm) dung tục. Điều này cũng giải thích vì sao số tranh biếm hay về đề tài tình yêu của cả các họa sĩ biếm có tiếng trên thế giới là đếm trên đầu ngón tay…

Còn một nguyên nhân khác: Hiện tại, báo chí Việt Nam vẫn chỉ coi Biếm họa là “công cụ”, là “vũ khí đấu tranh”, và rất ít báo có nhu cầu đăng tranh biếm họa tình yêu. Họa sĩ biếm có gửi tranh đến thì hầu như cũng không được sử dụng. Thật là khó đối với không ít họa sĩ biếm.

Theo chúng tôi được biết, họa sĩ đã vẽ bức tranh không lời – tạm hiểu là “Tình yêu nở hoa” – khi chưa đầy tuổi 40, nghĩa là khi ông còn khá trẻ. Và ông đã kể “câu chuyện tình yêu tuổi gần đất xa trời” ấy hoàn toàn bằng ngôn ngữ hình họa, rất cảm động. họa sĩ có thể kể đôi điều về “xuất xứ” của bức tranh này?

- Tôi vẽ bức tranh ấy năm 1986 theo đặt hàng của tạp chí phụ nữ Für Dich (Dành cho bạn) của Đông Đức. Sự cô đơn của người cao tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ, làm tôi suy nghĩ rất nhiều về thân phận của con người.

Sự cô đơn… dường như rất quan trọng với ông, và cũng là một đề tài trong sáng tác của ông?

- Tôi cần sự tĩnh lặng riêng tư và sự cô đơn cho mình. Người ta thường bảo: Tình yêu thì “mạnh”, còn cô đơn thì “nặng”…

…“nặng” đến mức làm cho cái ghế đá cũng phải oằn xuống như trong bức tranh “Sức nặng cô đơn” từng đăng trên báo Tiền Phong của ông?

- Chắc chắn là nó rất “nặng”, nhưng chưa ai thử cân nó nặng đến đâu…

Vì thế mà ông đã rất… tận tâm “tìm đôi” cho “cụ Rùa” trong bức Tháp Rùa của mình chăng?

- GS Hà Minh Đức cho rằng chỉ có một “cụ Rùa” ở Hồ Gươm, nhưng tôi biết và tin có tới mấy “Cụ” kia. “Cụ Rùa Ông” bạc đầu thường nổi lên mà ta thấy sống dai như vậy chính là nhờ có… tình yêu của “Cụ Rùa Bà” âm thầm dưới Hồ chưa xuất đầu lộ diện! Đám cỏ xanh ở chân Tháp Rùa là để dành riêng cho các Cụ và Tình yêu của các Cụ, và biết đâu vào một ngày đẹp trời nào đó, hai Cụ sẽ cùng nhau xuất hiện? Đám con cháu (cò vạc) không được “hỗn láo”, “xâm phạm” nơi linh thiêng này!

Phía sau bức tranh có tên gọi “Tình yêu thời đen, thối” (đăng trên Thể thao và Văn hóa) của ông hẳn là câu chuyện tình nổi tiếng “Tình yêu thời thổ tả” của G.Garcia Marquez? Thông điệp bằng lời của bức tranh này của họa sĩ?

- Dẫu hoàn cảnh có thế nào, ở đâu đi nữa, và thậm chí là “đen” (hoặc “thối”) theo đúng nghĩa đen ở thời buổi kinh tế thị trường, thì tình yêu vẫn còn đó! Mà có thể nhờ tình yêu mà cái “đen” và “thối” ấy đỡ “đen” và đỡ  “thối” hơn một chút. Và thứ nữa: Đừng nghĩ tình yêu quá thơ mộng, và tình yêu chỉ có ở chốn thiên đường tươi đẹp, phù hoa nào đó. Tình yêu vẫn tồn tại cả với cái “đen” và cái “thối”.

 Vậy nếu tình yêu… không thể vượt lên cái “đen” và “thối” ấy, hoặc giả… hết yêu thì sao?

- Với Xuân Diệu - “yêu là chết ở trong lòng một chút…” Một số nhà hiền triết thì cho rằng: Hát là “chết”, viết cũng là “chết”... Còn tôi thì thuộc loại: hết yêu thì xem như hết vẽ.

* Xin cảm ơn ông!

Theo TT&VH 

NỔI BẬT TRANG CHỦ