• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi: "Càng ngày tôi càng gần với sự thô mộc, đơn giản…"

21/08/2007 07:59

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, anh là một trong số rất ít họa sĩ người Việt sống được bằng công việc vẽ tranh ở xứ người. Triển lãm tranh cá nhân mang tên “Tuổi thơ và thần thoại” của anh mở cửa tại thư viện Newton, bang Massachusetts (Hoa Kỳ) vừa kết thúc đã gây sự chú ý cho giới sưu tập bởi cách diễn đạt rất riêng và đậm chất văn hóa truyền thống Á Đông.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, anh là một trong số rất ít họa sĩ người Việt sống được bằng công việc vẽ tranh ở xứ người. Triển lãm tranh cá nhân mang tên “Tuổi thơ và thần thoại” của anh mở cửa tại thư viện Newton, bang Massachusetts (Hoa Kỳ) vừa kết thúc đã gây sự chú ý cho giới sưu tập bởi cách diễn đạt rất riêng và đậm chất văn hóa truyền thống Á Đông.

Huyền thoại 2 sơn dầu khổ 40x42Huyền thoại 2 sơn dầu khổ 40x42

Nhân dịp này PV  đã có cuộc trao đổi cùng họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi liên quan đến cuộc triển lãm của anh và đời sống của các họa sĩ Việt Nam đang sinh sống tại Mỹ.

* Chào anh Khôi, hình như anh là người có nhiều triển lãm cá nhân nhất trong số những họa sĩ Việt Nam đang sống ở Hoa Kỳ?

- Ðây là cuộc triển lãm thứ 20 tôi đã góp mặt tại Hoa Kỳ kể từ năm 1991 đến nay và là triển lãm cá nhân lần thứ 12. Đây cũng là triển lãm thứ 2 trong năm 2007 của cá nhân tôi (lần trước là tại thành phố WatertownMassachusetts vào tháng 3). Khoảng 5 năm trở lại đây tôi hoàn toàn dành hết thời gian cho hội họa. Họa sĩ Việt Nam định cư tại hải ngoại có khá nhiều nhưng cho đến nay còn lại rất ít người đeo đuổi môn nghệ thuật này. Ở hải ngoại, các họa sĩ luôn phải làm một nghề khác để sinh sống, ngoại trừ một số ít tạm chấp nhận một cuộc sống eo hẹp từ thu nhập bằng nghề của mình. Vì vậy, khách quan mà nói, nhiều họa sĩ đến nay vẫn phải sống dựa vào những công việc khác.

Sinh sống được bằng chính nghề nghiệp của mình tại Hoa Kỳ luôn là một khó khăn chung của nhiều người trong ngành mỹ thuật cũng như ở các lĩnh vực khác.

* Vậy thì hội họa Việt Nam hiện nay được đánh giá ra sao tại Hoa Kỳ?

- Hầu hết trong mọi cuộc triển lãm người ta hay đặt một câu hỏi cho họa sĩ về sự thành công của nó là dựa trên số tranh bán được là bao nhiêu! Ít có người chỉ quan tâm đến những khám phá mới của họa sĩ, mặc dù điều đó rất quan trọng. Có nhiều lý do để khách thưởng lãm quan tâm về vấn đề trên. Trước hết vì mình là sắc dân thiểu số sống trong một cộng đồng lớn và đa dạng. Nền hội họa VN chưa ghi được dấu ấn đậm nét trong trào lưu hội họa thế giới, và không gây được những ấn tượng sâu sắc để thu hút người xem. Những hoạt động lẻ tẻ của họa sĩ Việt Nam ở hải ngoại không tạo nên được một âm vang nào đáng kể. Vì thế, hầu hết các tác phẩm được khách sưu tập vẫn chỉ là từ trong tình cảm quen biết của cộng đồng địa phương chứ không từ các nhà sưu tập chuyên nghiệp.

* Theo tôi biết, ngoài anh thì còn có một số họa sĩ Việt Nam thành danh và đến định cư tại Hoa Kỳ từ sau năm 1975, như Rừng, Đinh Cường, Hồ Đắc Ngọc… Anh có thông tin gì về họ?

-  Hoạ sĩ Rừng và Ðinh Cường cũng là những họa sĩ luôn làm việc và có những triển lãm thường xuyên hàng năm tại Hoa Kỳ. Anh Rừng năm ngoái có cuộc triển lãm “Ðen, Trắng, Đỏ”  tổ chức 17 đến 25/6/2006. Ai yêu tranh của anh ấy có thể truy cập tại website: www.vnartist.com. Riêng họa sĩ Ðinh Cường cũng vừa có triển lãm cá nhân trong tháng 5 vừa qua tại Việt Báo Gallery, California… Còn họa sĩ Hồ Ðắc Ngọc thì lâu lắm rồi không thấy anh sinh hoạt thường xuyên.

* Trở lại triển lãm “Tuổi thơ và thần thoại”, anh có ý định gì về chủ đề này?

- Khi lấy chủ đề cho cuộc triển lãm, thật ra tôi chỉ dựa trên những cảm xúc trên từng tác phẩm (19 tác phẩm - các bạn có thể xem tại www.khoiart.com/newtonlibrary_exhibitions.html). Tuổi thơ và những câu chuyện thần thoại bao giờ cũng có mối quan hệ gần gũi với nhau. Một ngày nào đó, những niềm vui hạnh phúc nhỏ nhoi hồi niên thiếu trong mỗi con người sẽ sống dậy, nó miên man chảy suốt hồi ức khiến cho tâm hồn chúng ta trở nên yếu đuối và đắm chìm vào những hoài niệm mãnh liệt. Nó đơn giản như một viên bi trong thế giới kỳ thú của chúng. Hoặc giả những họa tiết nơi đình chùa, miếu mạo. Nó nhắc chúng ta về những huyền thoại của quê hương xứ sở...

* Nói đến những viên bi, tôi không sao quên được cách “chơi màu” của anh. Nó trong suốt đến không ngờ. Và hình như đó cũng là tâm hồn anh luôn hướng đến cái đẹp?

- Đó là trước đây. Còn bây giờ, hình như mỗi ngày tôi mỗi xa với những óng ả, mượt mà của kỹ thuật và càng ngày tôi càng gần đến với sự thô mộc, giản đơn. Tính chất lù xù như sơ nguyên chưa gọt giũa khiến cho ta bớt vướng bận vào những tính toán che đậy. Tôi nói như vậy chắc có nhiều người không đồng ý, nhưng biết sao hơn!

* Xin cám ơn anh đã bộc lộ những suy nghĩ rất chân tình!

 

Theo TN

NỔI BẬT TRANG CHỦ