(Tổ Quốc) - Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" là một dấu son, mang tầm vóc thời đại và trở thành cảm hứng của giới văn nghệ sĩ, trong đó hội họa sĩ. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã có những chia sẻ xung quanh tranh vẽ về đề tài Điện Biên Phủ.
- Thưa họa sĩ Trần Khánh Chương, được biết chúng ta đã có khá nhiều cuộc vận động sáng tác tranh về đề tài Điện Biên Phủ, theo ông, những tác phẩm hội họa đó đã khái quát được một Điện Biên Phủ đầy gian khổ nhưng cũng đầy vẻ vang với chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" chưa?
+ Theo trí nhớ của tôi, sau 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tức năm 1965 đã có cuộc phát động sáng tác tranh về đề tài Điện Biên Phủ. Đến ngoài những năm 1970 cũng có phát động sáng tác tranh đợt nữa về đề tài Điện Biên.
Họa sĩ Trần Khánh Chương chia sẻ về tác phẩm của mình. Ảnh Minh Khánh
Tranh sáng tác về đề tài Điện Biên Phủ rất nhiều, đa dạng, có tranh vẽ khổ rất to, được vẽ bằng chất liệu khác nhau: điêu khắc, tranh giấy, sơn mài, sơn dầu… thậm chí được thực hiện trực tiếp ở mặt trận. Các họa sĩ quân đội ở nhiều đơn vị sư đoàn khác nhau, kể cả trong quân y, các đơn vị chiến đấu. Khi chiến thắng Điện Biên Phủ tôi mới tầm 11 tuổi, và ngay từ lúc ấy, tôi đã nhận ra được bức tranh Cảm xúc của họa sĩ Nguyễn Bích vẽ về chiến thắng Điện Biên Phủ mà giờ tôi không nhìn thấy ở đây, không biết đơn vị nào còn lưu giữ được . Tôi nhớ mãi là có một anh bộ đội cầm cờ và ở dưới có ghi ta tiêu diệt hơn 1 vạn 6 máy bay, bắn cháy bao nhiêu xe tăng. Hay họa sĩ Phạm Thanh Tâm với tác phẩm "Văn công trong hầm pháo" rất là đẹp.
Sau này họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích cùng vẽ huy hiệu Điện Biên Phủ tặng cho các chiến sĩ ngay sau chiến thắng. Những năm 1960 thì có một đợt sáng tác rất nhiều về Điện Biên Phủ, các họa sĩ thế hệ Đông Dương gần như ai cũng tham gia, vẽ rất kỹ càng, ngoài ra còn một số họa sĩ tốt nghiệp khóa kháng chiến và khóa đầu của trường Mỹ thuật.
Thế hệ vẽ nhiều về Điện Biên là "thế hệ trường Đông Dương" đi kháng chiến chống Pháp, đào tạo trong những năm 1951 – 1954 và lớp anh chị tốt nghiệp đầu hòa bình lặp lại những năm 1961, 1962. Thế hệ thứ 2 vẽ nhiều về Điện Biên là thế hệ chống Mỹ. Thế hệ này ngoài vẽ về đề tài chiến tranh chống Mỹ còn vẽ về Điện Biên như thế hệ tôi.
Những năm 80- 90 nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng điện Biên Phủ, Hội Mỹ thuật Việt Nam phát động các họa sĩ vẽ chủ yếu thế hệ kháng chiến chống Mỹ đã vẽ tranh về Điện Biên Phủ. Và đã có gần 50 bức tranh triển lãm ở Hà Nội và sau đó đã tặng lại cho Bảo tàng Điện Biên, tôi cũng không rõ là giờ Bảo tàng Điện Biên còn giữ được bao nhiêu bức.
Họa sĩ Trần Khánh Chương. Ảnh Minh Khánh
- Ông cho rằng khi mình là thế hệ chống Mỹ, và khi chiến thắng Điện Biên Phủ mới 11 tuổi, vậy cảm xúc nào, chất liệu gì về Điện Biên khiến ông sáng tác về mảnh đất này?
+ Bức tranh Đường lên Điện Biên của tôi đã và đang được trưng bày tại triển lãm "Điện Biên năm ấy" trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được tôi vẽ năm 2005. Khi chiến thắng Điện Biên tôi mới 11 tuổi, nhưng vì tôi đi lên Điện Biên rất thích con đường ta luy, và cũng thấy rất đẹp, từ đó tôi nghĩ đến chuyện sử dụng hình ảnh con đường này vào tranh cộng với nội dung công binh mở đường cùng dân công xe thồ .
- Vậy theo ông thế hệ trẻ hiện nay không trải qua chiến tranh họ có thể có cảm xúc để vẽ tranh về đề tài Điện Biên không?
+ Tôi cho rằng là khó, vì thế hệ trẻ bây giờ đã cách rất xa thời chiến tranh, kể cả chiến tranh chống Mỹ chưa kể chiến tranh chống Pháp càng xa hơn. Trong khi đó chiến tranh chống Pháp khác hẳn chiến tranh chống Mỹ, không bom đạn ầm ầm, không phải lúc nào, chỗ nào cũng bắn. Và anh bộ đội chống Pháp hiền lắm, trang bị vũ khí đơn giản như súng trường, dép cao su, cuối chiến dịch Điện Biên mới có K54. Còn phần lớn vũ khí chống Mỹ là Aka, quân phục… Có lẽ những hình ảnh giản dị của bộ đội chống Pháp bây giờ phải vào bảo tàng thì giới trẻ mới xem được.
Điều nữa là người vẽ phải có tình cảm thực sự với bộ đội chống Pháp thì mới toát lên được cái hồn của tranh. Tình cảm của người vẽ vô cùng quan trọng.
Thậm chí phải tìm bố cục ai trước, ai sau, phong cảnh như thế nào… Thế hệ được đào tạo bây giờ ngay cả các họa sĩ nổi tiếng nhưng bảo bố cục tranh này có lẽ cũng lúng túng.
Ngoài độ khó, bên cạnh đó lại mất nhiều công sức, khó bán, gần như chỉ ở các bảo tàng. Ví dụ như bức tranh Đường lên Điện Biên của tôi, rất công phu,sơn mài nhiều lớp. Với các vệt phải vẽ lớp dưới, lớp trên rồi mài, mất lớp trên là ra cái vệt. Vài tháng mới xong bức này.
Lý do nữa là bây giờ không mấy ai treo tranh đánh nhau, chiến tranh trong nhà. Bây giờ thời bình họ chuộng tranh phong cảnh, tĩnh vật.
Một tác phẩm được trưng bày trong Triển lãm Điện Biên năm ấy
- Vậy ông có lo ngại khi đề tài Điện Biên Phủ sẽ thưa vắng trong giới họa sẽ trẻ không?
+ Tôi không lo lắng vì mỗi thế hệ có trách nhiệm của mình. Các bạn đừng đòi hỏi thế hệ trẻ vẽ như thế hệ trước. Thế hệ bọn tôi cũng không thể vẽ như thế hệ các cụ. Mỗi thế hệ có trách nhiệm lịch sử của mình. Thế hệ Điện Biên kháng chiến chống Pháp họ có rất nhiều lịch sử của mình… Cuộc sống mới sẽ tạo nên thành tựu từng thế hệ.
Tuy nhiên những bức tranh về Điện Biên năm xưa vẫn rất cần thiết, vẫn có giá trị, nhất là đối với lịch sử, cách di tích, bảo tàng.
Như tại triển lãm "Điện Biên năm ấy" vẫn mang đến cho chúng ta thấy được tất cả hình tượng những con người đã tham gia Biện Biên từ dân công, gánh gồng, xe thồ, pháo binh, công binh… cùng chiến công của các chiến sĩ trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng tôi tự hào vì những đóng góp của mình. Hi vọng công chúng được sống lại lịch sử Điện Biên Phủ qua các nghệ sĩ tạo hình từ các thế hệ đã tham gia chiến thắng lịch sử này.
Cảm ơn ông về những chia sẻ!