(Tổ Quốc) - Đến với triển lãm "Phố xưa hè cũ", xem tranh của Trần Nam Long (SN 2005), khó thể hình dung được tác giả là một cậu bé có số phận thiếu may mắn nhưng đã cố gắng vượt qua, đạt được những kết quả khiến người ta phải kinh ngạc và cảm phục.
Cuộc sống "không âm thanh" đến với hội hoạ
Trải qua tuổi thơ kém may mắn với cuộc sống "không có âm thanh", cậu bé câm điếc ngày nào đã tìm đến những đường nét, màu sắc trong hội họa để "lắng nghe" cuộc sống. Họa sĩ nhí Trần Nam Long vốn là cái tên đã không còn xa lạ với nhiều người yêu thích hội họa.
Mẹ của Long - chị Phùng Thị Hiếu chia sẻ: "Hồi 2 tuổi, sau trận viêm phổi nặng phải uống kháng sinh liều cao, khiến Long bị điếc vĩnh viễn. Thương đứa con có gương mặt khôi ngô, trắng trẻo, nhưng thiếu may mắn, tôi chỉ biết khóc thầm, lo cho tương lai của con. Vì điếc, nên Long cũng chỉ biết ê a, ú ớ khi muốn diễn đạt một điều gì đó. Qua nhiều lần thăm khám, bác sĩ đã có thêm kết luận Long bị tự kỷ thể tăng động ở mức nặng, khiến con rất khó ngủ. Số phận oái oăm chưa dừng ở đó, Long còn bị dị tật bàn chân bẹt, khiến biến dạng, nên đi lại chỉ được một quãng ngắn lại phải nghỉ, khá mệt mỏi".
Biết con có năng khiếu hội họa từ rất sớm nhưng vì hoàn cảnh không thể cho con đi học lớp chuyên nghiệp, mẹ Long bộc bạch: "Lên 3 tuổi, thấy Long nguệch ngoạc những hình khối trên bảng, cô giáo khuyên tôi nên cho con đi học vẽ. Nhưng, thời điểm ấy, tôi vẫn nghĩ rằng "nghệ thuật là thứ viển vông, không phục vụ gì cuộc sống sau này". Tuy nhiên, được sự động viên, khuyến khích của mọi người, lúc kinh tế tạm ổn, tôi đã đưa con đến học tại một trung tâm mỹ thuật. Nhưng biến cố ập đến, bố Long mất đột ngột vì tai nạn giao thông, gánh nặng kinh tế và chăm sóc hai con nhỏ dồn hết lên vai của tôi, tôi chông chênh không biết phải làm gì. Cũng vì thế mà Long mới theo lớp học vẽ được một buổi thì phải dừng lại".
Đến khi Long vào học tại trường PTCS dân lập dạy trẻ câm điếc Nhân Chính (Hà Nội), sự yêu thích vẽ của em lại thêm tăng. Và rồi khi cô giáo cũ của Long thông báo cho chị Hiếu có cuộc thi vẽ "Cảm xúc trong em" dành cho thiếu niên. Chị Hiếu mạnh dạn gửi một bức tranh Long vẽ tham dự. Kết quả thật bất ngờ Long đạt giải đặc biệt, nhận được học bổng toàn phần học vẽ tại trung tâm Art Tree.
Sau cuộc thi, Long còn được một vị giám khảo (họa sĩ trẻ Hữu Chinh) nhận dạy vẽ miễn phí, thậm chí còn tặng thêm cả họa phẩm. Từ đó, để con được sống với đam mê, chị Hiếu lại cần mẫn đưa con đến xưởng vẽ của thầy để học và Long đã có cơ hội làm quen với thế giới của những sắc màu, điều đó đã giúp cho bệnh tăng động của Long cũng giảm đi nhiều. Tiếp đó, Long lại theo học ở trung tâm dạy vẽ của cô Trịnh Thị Thuận và được cô hết lòng dạy bảo.
Mơ ước trở thành họa sĩ nổi tiếng
Vượt lên tất cả những gì là ranh giới hạn hẹp bó buộc và làm khó cho hoạt động của một con người trưởng thành, Long cứ sống với đam mê sắc màu. Những bảng màu rực rỡ và vô tri, nhưng qua bàn tay bé nhỏ của Long, bỗng trở thành sống động với sắc hoa, màu nắng, thấm đẫm tình yêu cuộc sống và sự lạc quan luôn tràn đầy.
Những bức tranh Long vẽ về mùa thu Hà Nội, hoa cúc họa mi, cầu Thê Húc, gánh hàng hoa… đến những ngôi nhà cổ trên phố Tô Hiến Thành, Trần Xuân Soạn, Phan Huy Chú, Trần Hưng Đạo, Đặng Tất,… hay khu tập thể D14 Phương Mai, tập thể A12 Tôn Thất Tùng,… những không gian ký ức Hà Nội ấy được Long khắc họa và bảo lưu một cách cẩn thận nơi thời gian ngừng lại.
Mặc dù là một người tự học vẽ, nhưng tranh của Long, dù là ký họa hay tác phẩm sơn dầu hoàn chỉnh đều có độ chi tiết kỳ lạ và bố cục, tỷ lệ chuẩn xác về kiến trúc. Tranh của Long vừa chân thật, vừa huyền ảo, đủ làm người lớn bỗng nhiên thấy rung cảm sâu sắc về những nét đẹp tưởng chừng xưa cũ, cảm xúc vấn vương về một Hà thành ngày xưa.
Biết đến Long về câu chuyện đặc biệt của em cũng như yêu lối vẽ mộc mạc, giản dị nhiều người muốn đặt tranh Long vẽ nhưng chị Hiếu đều từ chối. "Quan điểm của tôi và cả Long, nghệ thuật là tự do sáng tạo. Và đôi khi nó đẹp trong mắt người này nhưng lại không đẹp trong mắt người kia. Thế nên tôi không nhận đơn đặt hàng. Tôi mong muốn Long được vẽ tự nhiên, theo cách riêng của con và ai thấy ưng thì có thể mua về sau đó" – Chị Hiếu chia sẻ thêm.
Biết Long luôn ấp ủ sau này sẽ mở được một cuộc triển lãm của riêng mình. Ủng hộ giấc mơ và muốn biến giấc mơ của con thành hiện thực, chị Hiếu đã mở triển lãm "Phố xưa, hè cũ", ở đó được trưng bày những bức tranh mà Long tâm đắc. Chị Hiếu cười bảo: "Mình rất mừng vì con sống có ước mơ và tôi biết con đang rất nỗ lực để biến ước mơ của con thành hiện thực".
Không thể nghe được âm thanh, không thể diễn đạt suy nghĩ của mình bằng lời nói thì bù lại Long có một năng khiếu thiên bẩm về hội họa. Trong không gian ấy Long được đắm chìm và thỏa sức sáng tạo, được cảm nhận thế giới bằng cách riêng của mình..
Cũng không cần thiết phải kể về chuyện Long không nghe được, không nói được, đôi chân không lành lặn và chứng tự kỷ bẩm sinh. Bởi vì, một họa sĩ dù tài danh đến đâu thì người ta cũng sẽ quên đi. Chỉ những tác phẩm của Long là sống mãi. Hãy cứ để phố xưa, hè cũ và những vòm cây của Trần Nam Long kể về câu chuyện của mình. Biết đâu, trong một ngày không xa Long sẽ trở thành một họa sĩ nổi tiếng đúng như những gì mà Long vẫn hằng mơ ước./.
Triển lãm "Phố xưa hè cũ" của họa sĩ Trần Nam Long được diễn ra đến hết ngày 6/3 tại 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hơn 50 tác phẩm bày trong triển lãm có chung một chủ đề Hà Nội. Trong chủ đề Hà Nội, Long lại chọn một góc hẹp hơn nữa là phố. Trong phố, Long chọn biệt thự cổ và chung cư cũ, kể câu chuyện của riêng anh. Đây là những bức chân dung phố được Long vẽ từ năm 2021 trở lại đây. Hi hữu có bức vẽ năm 2019, khi chỉ là một cậu bé 14 tuổi.