(Cinet) – Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ (1917 – 1992) - một trong 19 nghệ sĩ tạo hình vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật - một tấm gương sáng trong lao động, sáng tạo nghệ thuật cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tác phẩm "Nhà tranh gốc mít" - Sơn mài - 67x105cm (1958) của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ |
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (24/02/1917 – 24/02/2017), học trò, đồng nghiệp và các thế hệ họa sĩ Việt Nam lại có dịp trở về ngôi nhà chung của Mỹ thuật Việt Nam để ôn lại những kỷ niệm xưa về ông đồng thời ghi nhận những đóng góp của cố họa sỹ cho ngành mỹ thuật Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà thành, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ từng tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa XI (1936-1941) cùng với các họa sĩ Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Trang Chước,...
Say mê nghệ thuật, đi nhiều nơi, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã đem vốn sống thực tế, tìm tòi, thể nghiệm sáng tác nghệ thuật. Các tác phẩm hội họa, đồ họa của ông thể hiện bút pháp khỏe khoắn, hình họa chuẩn xác, lối vẽ phóng khoáng với những tìm tòi thể nghiệm tạo nên bản sắc riêng.
Từ những tác phẩm trước cách mạng như: Trẩy hội - khắc gỗ (1939), Thiếu nữ và biển - sơn mài (1940), Biển và nhân vật - sơn mài (1943), đến những tác phẩm sau này: Du kích Cảnh Dương - khắc gỗ (1948), Phong cảnh Thủy Nguyên - sơn mài (1958), Chặng đường chiến dịch - sơn mài (1980),... cho thấy hội họa của ông phát triển gắn bó với đời sống hiện thực đất nước, mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật, đứng vững trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ minh họa cho câu thơ Kiều "Quá chiều nên đã chán chường yến anh" |
Trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ dành rất nhiều tâm huyết cho sáng tác hội họa sơn mài, với khao khát cháy bỏng, muốn sơn mài Việt Nam tiến xa. Với những khát khao cháy bỏng ấy, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã không ngừng sáng tạo, tìm tòi, bổ sung làm phong phú thêm cho chất liệu sơn mài các kỹ thuật và chất liệu như cách rây vàng bạc, sử dụng vỏ trứng, vỏ trai, đắp nổi. Nguyễn Văn Tỵ là người có đóng góp trong việc đưa màu xanh lam và sắc trắng của vỏ trứng vào tranh sơn mài, nhằm phá vỡ thế độc tôn của gam đỏ đen. Năm 1937, sơn mài Việt Nam lần đầu tiên ra mắt công chúng nước ngoài tại Hội chợ đấu xảo quốc tế ở Paris (Pháp) và được đánh giá cao.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, một tiêu biểu của nghệ thuật sơn mài Việt, cùng với các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn và nhiều họa sĩ cùng thế hệ đã để lại cho đời một phong cách sáng tác, một tiêu chí thẩm định nghệ thuật sơn mài phẳng - bóng - trong và độ sâu thăm thẳm của màu.
Cùng với những sáng tạo nghệ thuật không ngừng, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ còn có những đóng góp to lớn trong việc đào tạo nên nhiều thế hệ họa sĩ, góp phần cho sự phát triển nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Nhiều học trò của ông sau này đã giành được nhiều giải thưởng cao tại các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm mỹ thuật trong nước và quốc tế và được trao tặng giải thưởng Nhà nước.
Tác phẩm "Bắc Nam một nhà" - Sơn mài - 86x56cm (1961) |
Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ cũng là người viết nhiều giáo trình về Mỹ thuật để phục vụ cho công tác giảng dạy như “Giáo trình Mỹ thuật cấp Đại học”, “Giáo trình về Lịch sử Mỹ thuật thế giới”, “Giáo trình Nghệ thuật trang trí”. Đặc biệt, cuốn sách “Bước đầu học vẽ” được NXB Văn hóa in năm 1963 đã được tái bản đến 3 lần. Những điểm mới trong quan niệm nghệ thuật cởi mở của Nguyễn Văn Tỵ đã đưa ông vào hàng ngũ các nhà phê bình nghệ thuật hiếm hoi nhưng thành danh trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Trong suốt chặng đường gần 60 năm không ngừng nghỉ cống hiến cho sáng tạo nghệ thuật, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ đã nhận được nhiều giải thưởng lớn: Huy chương Vàng triển lãm SEDEAI (1937); Huy chương ngoại hạng triển lãm SEDEAI (1939); Huy chương Bạc triển lãm quốc tế đồ hoạ Leipzig (1965); Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam,… Đặc biệt, năm 2000, cố hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã vinh dự được Đảng và Nhà Nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II cho các tác phẩm: Nhà tranh gốc mít - Sơn mài - 67x105cm (1958); Du kích Bắc Sơn - Sơn mài - 86x121cm (1958); Bắc Nam một nhà - Sơn mài - 86x56cm (1961). Đó là những phần thưởng vô cùng cao quý cho những đóng góp lớn lao của họa sĩ đối với nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ xứng đáng được tôn vinh là một nghệ sĩ tạo hình hàng đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, một tấm gương sáng trong lao động, sáng tạo nghệ thuật cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
AV (Tổng hợp: vietnamfineart.com.vn, wikipedia.org, daibieunhandan.vn)