(Tổ Quốc) - Ngày 20/4, Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên Định hướng QHTTQG đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022.
Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung ương coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ".
QHTTQG lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực KTXH và được lập cho 10 năm (trước đây chỉ có chiến lược phát triển KTXH của cả nước). Do đó, việc QHTTQG được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ "Tư duy mới-Tầm nhìn mới-Cơ hội mới-Giá trị mới".
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó lưu ý một số trọng tâm.
Trong đó, phải quán triệt nội dung của QHTTQG để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị; rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của QHTTQG vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc đang thẩm định, đang lập, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch. Bộ KH&ĐT sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện QHTTQG của Chính phủ để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan.
Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả QHTTQG, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai các dự án theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 trong đó ưu tiên nguồn lực triển khai các chương trình về giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học có tính liên vùng góp phần giải quyết an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc.
Thủ tướng cũng yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại phục vụ nhu cầu thông tin của người dân.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch và hiệu quả. Hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách phát triển các loại thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, thị trường bất động sản, huy động nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Về phát triển nguồn nhân lực, Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển nguồn nhân lực bền vững, bảo đảm cân đối tổng thể, hài hòa với định hướng phân bố dân cư. Xây dựng chính sách, giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thu hút và sử dụng hiệu quả trí tuệ, nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài về công tác tại Việt Nam hoặc cộng tác lâu dài với Việt Nam, cán bộ khoa học kỹ thuật làm việc lâu dài tại các vùng khó khăn và phát triển nguồn nhân lực tại các vùng khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Thủ tướng cũng yêu cầu chăm lo công tác an sinh xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, các chính sách và giải pháp bảo đảm an sinh xã hội gắn với tiến bộ, công bằng xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cao năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và nguồn nhân lực của Việt Nam.
Lựa chọn và tập trung triển khai nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành, lĩnh vực then chốt. Ưu tiên triển khai nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung ưu tiên phát triển công nghệ có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hoá, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường.
Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển theo hướng tăng dần cho chi đầu tư phát triển và giảm dần chi thường xuyên một cách hợp lý. Cơ cấu lại chi đầu tư công theo hướng trọng tâm, trọng điểm và không dàn trải, nâng cao hiệu quả, hiệu lực phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải.
Tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính, cơ quan tài trợ để huy động nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, dự án hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để tăng cường kết nối kinh tế trong và ngoài khu vực ASEAN.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến; nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, các khu kinh tế-quốc phòng phù hợp với chiến lược, đề án quốc phòng, an ninh.