• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi): Cơ hội để Thủ đô bứt phá phát triển

Thời sự 01/08/2023 13:54

(Tổ Quốc) - Sáng 1/8, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; Sở Tư pháp Hà Nội và trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo khoa học "Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".

Dự hội thảo có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban soạn thảo cùng 350 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô và đội ngũ trí thức, nhà khoa học chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện và Đại học trên địa bàn Hà Nội.

Hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi): Cơ hội để Thủ đô bứt phá phát triển - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Bí thư Đảng khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Luật Thủ đô hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, tình hình kinh tế chính trị thế giới, khu vực và trong nước đã có nhiều thay đổi nhanh chóng, với nhất nhiều vấn đề mới đặt ra đã vượt qua các quy định hiện hành.

Đặc biệt, đón nhận tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với yêu cầu Thủ đô Hà Nội phải là Thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên khu vực và thế giới.

Để đạt được mục tiêu này thì việc hoàn thiện thể chế mà trọng tâm then chốt là hoàn thiện Luật Thủ đô là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết, là cơ hội để Thủ đô bứt phá phát triển.

Hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi): Cơ hội để Thủ đô bứt phá phát triển - Ảnh 2.

Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn điều hành hội thảo.

Theo đó, Hội thảo tập trung tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 vấn đề như: Vị trí, vai trò, tầm vóc của Thủ đô trong xây dựng và phát triển đất nước; tính đặc thù vượt trội, vượt trước trong luật để Thủ đô phát triển; sứ mạng tầm nhìn chiến lược trong các chính sách Luật Thủ đô; bổ sung vào Luật để huy động được mọi nguồn lực của Hà Nội và cả nước trong lĩnh các lĩnh vực…

Những nội dung này cần bổ sung những điểm nào vào luật để huy động được mọi nguồn lực của Hà Nội và cả nước, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thu hút sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát huy tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong quy hoạch và quản lý đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông, phát triển nông nghiệp nông thôn... Đây là những luận cứ khoa học xác đáng đưa thực tiễn của cuộc sống vào luật.

Đồng thời là cơ sở để các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện Luật Thủ đô, thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là đưa Hà Nội phát triển văn hiến, văn minh, hiện đại có chất lượng cuộc sống cao ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Theo đó, Thủ đô Hà Nội phải là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên khu vực và thế giới.

Thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh

Góp ý vào dự thảo luật, TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách.

"Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập thành phố thuộc thành phố, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh (bên cạnh các đô thị trung tâm) và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ", TS Chu Mạnh Hùng nói.

Theo TS Chu Mạnh Hùng, thành phố thuộc thành phố sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội. Bởi lẽ đó, tính vượt trội, đặc thù cho Hà Nội trong đó có các đô thị vệ tinh, nhất là thành phố thuộc Thủ đô cần phải được tính đến trong quy hoạch, quản lý và phát triển.

Hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi): Cơ hội để Thủ đô bứt phá phát triển - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội Chu Mạnh Hùng tham luận tại hội thảo.

Ngoài ra, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (Transit Oriented Development) dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cũng là điểm đột phá. Song, cũng cần phải có sự phân biệt về khoảng cách với đô thị trung tâm Hà Nội và các đô thị khác như lý thuyết khuếch tán được áp dụng ở các thành phố lớn trên thế giới nhằm giải tỏa áp lực dân cư, phát triển kinh tế, dịch vụ và các hoạt động khác; xử lý tốt mối quan hệ "trục dọc, trục ngang" để các thành phố thuộc thành phố Hà Nội không rơi vào tình trạng đô thị vệ tinh là sự mở rộng của đô thị trung tâm như trường hợp của thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh).

Làm rõ nội hàm "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" để đưa vào chương trình giáo dục

Góp ý cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Thủ đô, GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, giáo dục và đào tạo Thủ đô đã có những thành tựu đáng ghi nhận cả về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.

Điều này có thể được minh chứng qua kết quả thi tốt nghiệp và các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Ngành Giáo dục Hà Nội cũng là đơn vị đi đầu trong công tác xã hội hóa giáo dục.

Tuy vậy, giáo dục Thủ đô cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc và lúng túng. Hà Nội như là một Việt Nam thu nhỏ, có thành phố, có nông thôn và có cả miền núi. Mật độ di dân cơ học cao, công tác dự báo chưa thật chuẩn xác nên ngành giáo dục và đào tạo hằng năm phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Để xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, GS. TS Nguyễn Văn Minh kiến nghị, trong quy hoạch Thủ đô cần xác định rõ giữa việc xây dựng các khu đô thị, khu sản xuất phải đồng thời có đất cho giáo dục, y tế. Trong chương trình giáo dục địa phương cần làm rõ nội hàm "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" một cách cụ thể và phải đưa vào trong chương trình giáo dục.

Hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi): Cơ hội để Thủ đô bứt phá phát triển - Ảnh 4.

GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày tham luận tại hội thảo.

Để giáo dục đại trà và mũi nhọn phát triển, Hà Nội cần bảo đảm hệ thống công lập cho mọi đối tượng trong lứa tuổi đến trường; Ưu tiên đầu tư toàn diện cho giáo dục đại trà, cho các vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp. Thành phố cũng cần thực hiện xã hội hóa nhằm đáp ứng cho các đối tượng người học khác nhau; Được phép tạo sự liên thông, liên kết với hệ thống giáo dục khu vực và quốc tế và được phép điều chỉnh chương trình phù hợp theo thông lệ quốc tế ở mức độ cơ bản.

Luật Giáo dục qua các thời kỳ đã xác định rõ hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Trong đó, cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Để bảo đảm tính chất "đa mục tiêu" của nền giáo dục, chúng ta không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước mà cần thực hiện giải pháp "xã hội hóa".

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, để thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù. Trong đó, ngoài việc tuân thủ các luật liên quan, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có "không gian" rộng hơn, trong đó có các điều luật về giáo dục đào tạo thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ