• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hoàn thiện quy định về "di sản tư liệu" trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Văn hoá 05/09/2024 14:42

(Tổ Quốc) - Theo dự kiến, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Trong dự thảo Luật này, “di sản tư liệu” là một trong những nội dung mà các đại biểu Quốc hội đang rất quan tâm.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có bố cục gồm 09 chương, 100 điều. Đáng chú ý, dự thảo Luật đã tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới, bên cạnh di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Cho đến hiện tại, "di sản tư liệu" vẫn là một trong những nội dung mà các đại biểu Quốc hội đang rất quan tâm.

Hoàn thiện quy định về "di sản tư liệu" trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 1.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Khoản 5, Điều 3 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định: "Di sản tư liệu chứa đựng nội dung thông tin được tạo lập có chủ ý của nhóm người hoặc cá nhân, thể hiện trực tiếp bằng các ký hiệu, mật mã, chữ viết, âm thanh, hình ảnh tĩnh hoặc động, dạng số và các dạng thức khác trên vật mang tin; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ đối với ít nhất một cộng đồng; có thể tiếp cận và được kế thừa, trao truyền".

Theo Hướng dẫn Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản tư liệu, di sản tư liệu chứa đựng nội dung thông tin bằng chữ viết, ký hiệu, âm thanh, hình ảnh động hoặc tĩnh, dạng số trên hiện vật mang thông tin dưới rất nhiều dạng thức khác nhau, như văn bản, bản nhạc, bản vẽ, phim, băng đĩa, dữ liệu điện tử..., được chủ thể tạo lập có chủ ý, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Như vậy, di sản tư liệu mang thuộc tính của giá trị thông tin, thông điệp thể hiện trên hiện vật mang thông tin, được chủ thể tạo ra có chủ ý, có thể tiếp cận, đọc và hiểu được; khác với di sản văn hóa vật thể mang tính đặc trưng của vật chất và di sản văn hóa phi vật thể mang thuộc tính đặc trưng của tinh thần không thể nhìn thấy được. Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc tách di sản tư liệu như dự thảo Luật sẽ quy định cụ thể, đồng bộ các cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.

Hoàn thiện quy định về "di sản tư liệu" trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 2.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và tham gia, góp ý thêm một số nội dung. Trong đó, một số ý kiến đại biểu vẫn còn băn khoăn về việc tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới, vì cho rằng di sản tư liệu là một loại hình của di sản văn hóa vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể.

Theo ý kiến của đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, có thể hiểu di sản tư liệu là hiện vật dưới nhiều dạng thức khác nhau như văn bản, bản nhạc, bản vẽ, phim, băng, đĩa chứa đựng nội dung, thông tin bằng chữ viết, ký hiệu, âm thanh, hình ảnh động hoặc tĩnh thì có thể tiếp cận và đọc hiểu, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. "Như vậy, di sản tư liệu chính là một dạng sản phẩm vật chất có giá trị và chúng ta cần xem di sản tư liệu là một loại hình của di sản văn hóa vật thể", đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.

Hoàn thiện quy định về "di sản tư liệu" trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQh tỉnh Tây Ninh

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, di sản tư liệu chứa đựng nội dung thông tin được tạo lập có chủ ý của nhóm người hoặc cá nhân thể hiện trực tiếp bằng các ký hiệu mật mã, chữ viết, âm thanh, hình ảnh tĩnh hoặc động, dạng số và các dạng thức khác trên vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ đối với ít nhất một cộng đồng có thể tiếp cận và được kế thừa, trao truyền. Thực chất di sản tư liệu thường là một dạng của di sản văn hóa vật thể và trong nhiều trường hợp cũng có thể tồn tại dưới dạng di sản văn hóa phi vật thể.

Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc việc tách loại hình di sản này thành một khái niệm độc lập bên cạnh khái niệm di sản văn hóa vật thể và khái niệm di sản văn hóa phi vật thể./.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ