• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hoạt động bảo vệ di tích những năm gần đây được nâng lên theo hướng bảo vệ yếu tố gốc cấu thành di tích thay cho "làm mới di tích"

Thời sự 09/08/2022 12:58

(Tổ Quốc) - Tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 9-11/8, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời chất vấn nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa, du lịch. Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là một trong những vấn đề về văn hóa sẽ được chất vấn tại phiên họp này.

Hoạt động bảo vệ di tích những năm gần đây được nâng lên theo hướng bảo vệ yếu tố gốc cấu thành di tích thay cho "làm mới di tích" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả

Trong báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gửi tới các ĐBQH trước phiên chất vấn, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích nói chung, di tích lịch sử cách mạng nói riêng có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ. Đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của mỗi người ở thế hệ hôm nay và mai sau trong việc thực hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, Bộ trưởng cho biết, theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn, di tích sẽ được Chủ tịch UBND của 63 tỉnh/thành phố quyết định đưa vào danh mục kiểm kê của tỉnh trước khi lập hồ sơ đề nghị xếp hạng các cấp.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có hơn 40.000 di tích đã được Chủ tịch UBND 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đưa vào Danh mục kiểm kê. Về công tác quản lý, sau khi các di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đều đã thành lập Ban Quản lý hoặc Trung tâm quản lý di tích các cấp tùy thuộc vào tình hình thực tế và phân cấp quản lý của các địa phương.

Các Ban Quản lý hoặc các Trung tâm quản lý di tích này trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Cả nước hiện có khoảng 280 đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực di sản văn hóa (bảo tàng, ban quản lý di tích) với trên 7.000 viên chức, người lao động.

Về công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhằm bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc của di tích; tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, trong thời gian qua, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện công tác lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (đối với di tích quốc gia đặc biệt); Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch đối với cụm di tích quốc gia, cụm di tích cấp tỉnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt: Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đối với 29/123 Quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt (trong đó có 07 di tích lịch sử cách mạng); 16 Nhiệm vụ lập Quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt (trong đó có 04 di tích lịch sử cách mạng).

Trong giai đoạn 2012-2021, Bộ VHTTDL đã thẩm định 1.950 hồ sơ Dự án tu bổ và Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt, di sản thế giới.

"Nhận thức chung của xã hội và đại đa số bộ phận dân cư địa phương tham gia vào hoạt động bảo vệ di tích những năm gần đây đã được nâng lên, theo hướng bảo vệ yếu tố gốc cấu thành di tích thay cho xu hướng "làm mới di tích" như các năm trước đó" - Bộ trưởng cho biết.

Di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo trở thành những điểm đến du lịch hoàn chỉnh

Về việc khai thác, phát huy giá trị di tích, góp phần giáo dục truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo Bộ trưởng, các di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được tu bổ, tôn tạo thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu, học tập, đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho học sinh, sinh viên thông qua các chương trình ngoại khóa, sinh hoạt thực tế, dã ngoại, tìm hiểu, học tập về lịch sử, hoạt động bảo tồn di sản, đền ơn đáp nghĩa…

Bộ VHTTDL đã ký kết Chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2022 - 2026 về công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa, làm cơ sở hướng dẫn các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ký kết kế hoạch phối hợp với các đơn vị thuộc ngành giáo dục tại địa phương hàng năm.

Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo trở thành những điểm đến du lịch hoàn chỉnh, hình thành các tuyến, điểm du lịch với các hình thức du lịch có trách nhiệm, bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch làng vườn, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch biển... vừa tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới, vừa góp phần giảm tải trong vùng lõi di tích, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều di tích đang bị hư hại, xuống cấp

Một số tồn tại, hạn chế mà Bộ trưởng nêu rõ trong báo cáo đó là: Vẫn còn hiện tượng xâm hại di tích, vi phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích như thực hiện dự án tu bổ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, thực hiện không đúng với nội dung được Bộ VHTTDL và cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định… đặc biệt là những dự án tu bổ di tích từ nguồn vốn xã hội hóa.

Các di tích cấp tỉnh và di tích trong danh mục kiểm kê chưa được xếp hạng, nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di tích còn thấp, đôi khi xảy ra vi phạm nhưng chưa được kịp thời xử lý dứt điểm.

Do tính chất đặc thù của loại hình di tích lịch sử cách mạng, lại chịu nhiều tác động của điều kiện tự nhiên dẫn đến một số di tích đang bị hư hại, xuống cấp.

Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng là do nhận thức và ý thức chấp hành quy định của pháp luật về di sản văn hóa còn chưa đồng đều giữa các cấp, các ngành, các địa phương; Việc tuyên truyền, quảng bá và xây dựng các sản phẩm du lịch gắn trực tiếp với từng di tích, thể hiện và phát huy được nét đặc thù của địa phương ở một số di tích chưa đạt hiệu quả cao; Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế…

Cùng với đó là chất lượng và trình độ nguồn nhân lực trực tiếp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa đồng đều, chưa am hiểu về di sản văn hóa, có phần chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn.

Quan tâm, bố trí ngân sách đầu tư cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL đang nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định trong Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn liên quan theo hướng: Bổ sung các nhóm quy định về chuyên môn trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; quy định rõ nội dung, cơ chế, trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương; quy định về việc thu hút các nguồn lực cho công tác bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bộ VHTTDL cũng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách đầu tư cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; Chính phủ cho ý kiến và trình Quốc hội phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tạo cơ sở nền tảng cho các lĩnh vực của ngành văn hóa, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, để văn hóa phát huy sức mạnh mềm, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ