(Tổ Quốc) - Với người dân chợ Ninh Hiệp, kiếm trăm triệu/tháng từ việc kinh doanh vải vóc, quần áo hay cho thuê ki ốt... là chuyện không mấy khó khăn. Cũng chính vì thế, con em họ chỉ cần học hết lớp 9 là có thể nghỉ học để ở nhà phụ giúp bố mẹ buôn bán kiếm lời.
Từ ngôi chợ quê với những sạp vải đơn lẻ, chợ Ninh Hiệp giờ đây đã trở thành ngôi chợ vải, quần áo bán sỉ lớn nhất miền Bắc. Mỗi ngày, ngôi chợ này đón hàng vạn tiểu thương từ trong Nam, ngoài Bắc tới để “đánh” hàng về bán.
Đầu năm mới nhưng các cửa hàng vải luôn trong tình trạng bận rộn, phải huy động mọi người trong gia đình "mỗi người một tay". |
Đến với Ninh Hiệp những ngày này, không khỏi giật mình bởi những ngôi nhà cao tầng sang trọng mọc lên như nấm, xe ô tô tiền tỷ đậu đầy đường…Có những gia đình cho thuê ki ốt mỗi tháng kiếm cả trăm triệu. Chưa kể, chủ nhà còn kinh doanh vải, quần áo… khiến tiền thu về tiêu không xuể.
Bà Nhàn – trước đây bán quần áo tại chợ Ninh Hiệp – cho biết, cách đây vài chục năm bà kinh doanh quần áo nhưng do nay đã 70 tuổi nên nghỉ ở nhà và để cửa hàng cho các con tiếp quản.
“Tôi có 2 đứa con trai, chúng đều đã lập gia đình và nối nghiệp cha mẹ. Gia đình con trai cả giúp tôi trông cửa hàng, còn con trai thứ cũng đã có cửa hàng bán quần áo riêng. Thu nhập của chúng rất khá. Ngoài việc xây nhà cao cửa rộng thì cũng chi tiêu thoải mái và còn dành tiền tiết kiệm nữa”, bà Nhàn cho hay.
Theo lời kể của bà Nhàn, vì đây là đất chợ nên người dân Ninh Hiệp thường chỉ cho con học hết lớp 9, sau đó thì ở nhà giúp gia đình buôn bán kiếm lời. Chính vì thế, sinh viên ở Ninh Hiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Bọn trẻ học nhiều sau này ra trường đi làm thì lương cũng chỉ đôi triệu, trong khi ở nhà buôn bán mỗi tháng kiếm được gấp vài lần số đó. Thường thì trẻ con ở đây học hết lớp 9, ở nhà buôn bán 4-5 năm thì lấy chồng, khi đó cũng có số vốn lớn rồi!”, bà Nhàn nói thêm.
Cũng vì “kiếm tiền dễ như ăn cháo” nên gia đình anh Lập – một tiểu thương – cho hay, con gái anh 15 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp lớp 9 nhưng ngày nào cũng phải ra cửa hàng phụ giúp bố mẹ.
“Nếu con tôi đỗ vào lớp cấp 3 thì tôi sẽ cho học hết lớp 12 rồi nghỉ ở nhà kinh doanh. Giờ nó đã kiếm tiền tốt lắm rồi! Còn nếu không đỗ thì cũng không sao. Nhà đang rất thiếu người bán hàng, đóng hàng cho khách nên con gái tôi sẽ là “cánh tay đắc lực” cho tôi”, anh Lập chia sẻ.
Được biết, ở Ninh Hiệp có những cô, cậu bé mới học cấp 2 đã sử dụng iphone 7, iphone X... Thậm chí, trẻ con ở đây được bố mẹ cho mỗi lần cả chục triệu để lên Hà Nội sắm đồ hiệu…
“Một số người dân ở đây vốn làm công chức nhưng sau đó ra “ngồi chợ” hết vì họ thấy kiếm tiền ở chợ Ninh Hiệp dễ hơn so với đi làm. Thay vì quan tâm thời sự thì nay họ chỉ quan tâm bán được bao nhiêu? đóng được bao nhiêu kiện hàng cho khách? Tỉ giá nhân dân tệ thế nào? ...
Chị Hạnh thuê một ki ốt khá khiêm tốn với giá 200 triệu đồng/năm. Con trai chị dù đã tốt nghiệp đại học nhưng không đi làm mà giúp mẹ bán hàng. |
Chị Hạnh- chủ một sạp quần áo – chia sẻ, chị thuê một ki ốt khá khiêm tốn với giá 200 triệu đồng/năm để bán quần áo. Tuy vậy, do tuổi đã khá cao nên chị chỉ ngồi bán, mọi việc sang Trung Quốc lấy hàng, vận chuyển hàng cho khách tại các tỉnh... đều do con trai chị đảm trách.
“Con trai tôi đã tốt nghiệp đại học nhưng cháu không đi làm mà quyết tâm theo học một khoá tiếng Trung và một khoá kỹ năng bán hàng để hỗ trợ mẹ kinh doanh. Có lẽ do cháu thấy rằng kinh doanh như hiện tại kiếm ra tiền hơn rất nhiều so với đi làm nhà nước hoặc tư nhân. Cá nhân tôi luôn ủng hộ quyết định của cháu”, chị Hạnh chia sẻ.
Có thể nói, “kỹ năng kiếm tiền” đang là “bảo bối” của người dân Ninh Hiệp. Cũng vì thế mà họ “ngầm” quy định chỉ lấy chồng, lấy vợ trong làng để giữ nghề. Họ sợ lấy người làng khác về sẽ không biết buôn bán.
Cứ thế, việc kiếm tiền cuốn hút người dân chợ Ninh Hiệp năm này qua năm khác, thế hệ này sang thế hệ khác như “nợ đồng lần”. Họ lao động quần quật, thậm chí còn không dám đóng cửa hàng vài ngày để đi chơi, thăm thú bà con dòng họ. Có người đã gần 60 tuổi, tiền đếm không xuể nhưng chưa một lần xách va li đi du lịch./.
Bài, ảnh: Hà Giang
Bài 3: Áo chợ Ninh Hiệp giá 70 nghìn đồng, ra Thủ đô "hô biến" thành hàng hiệu