• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Học chương trình mới, học sinh lớp 1 mạnh dạn, tự tin hơn

Giáo dục 12/08/2021 12:04

(Tổ Quốc) - Đây là kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 của các địa phương được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học do Bộ GDĐT tổ chức ngày 12/8.

Thông tin tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học do Bộ GDĐT tổ chức ngày 12/8 theo hình thức trực tuyến cho thấy, tất cả trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định.

Trong đó, khi học chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình 2018) học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học chương trình năm 2006. Cụ thể, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2. 

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, từ chỉ đạo của Bộ GDĐT, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên. Kế hoạch dạy học môn học lớp 1 được xây dựng phù hợp với điều kiện của nhà trường và trình độ học sinh. Sách giáo khoa và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học được khai thác, sử dụng hiệu quả, phù hợp thực tiễn.

Quá trình dạy học, đối với một số ngữ liệu chưa phù hợp trong SGK, giáo viên thông qua sinh hoạt chuyên môn đã chủ động trao đổi để lựa chọn ngữ liệu tương đương, quen thuộc, gần gũi với đời sống và giảng dạy cho học sinh. Bộ GDĐT cũng kịp thời chỉ đạo các nhà xuất bản, tác giả SGK thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để hỗ trợ giáo viên khắc phục khó khăn trong quá trình sử dụng. Theo đó, SGK lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều đã có một số chỉnh sửa, được hiệu đính để chất lượng được tốt hơn.

Đối với các lớp đang thực hiện CT GDPT 2006, từ chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT, các địa phương tiếp tục chỉ đạo nhà trường thực hiện đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh; chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học trò. 

Nội dung chương trình, SGK, đặc biệt là đối với các môn học bắt buộc được rà soát theo hướng tinh giản những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng lớp; tinh giản nội dung trùng lặp và tích hợp một số nội dung trong cùng môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.

Học sinh học lớp 1 theo chương trình mới mạnh dạn, tự tin hơn - Ảnh 1.

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 tự tin, đọc thông viết thạo, học sinh lớp 2-5 đáp ứng chuẩn đầu ra (ảnh minh họa)

Để triển khai hiệu quả tính kết nối của CT GDPT 2006 và CT GDPT 2018, Bộ GDĐT đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện kế hoạch giáo dục lớp 5 học kì II năm học 2020-2021 và được cơ sở giáo dục tiểu học nghiêm túc triển khai.

Thực tiễn cho thấy, việc điều chỉnh (trong đó có các nội dung bổ sung, các hình thức lồng ghép, tích hợp) chương trình lớp 5 có ý nghĩa quan trọng đối với việc đáp ứng chương trình lớp 6 sẽ được dạy theo CT GDPT 2018 từ năm học 2021-2022 này. Các giáo viên và cán bộ quản lý thông qua đó cũng nâng cao nhận thức và hình thành năng lực điều chỉnh các nội dung dạy học trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của chương trình và phù hợp điều kiện thực tế.

Năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục Tiểu học cũng tích cực đổi mới, đa dạng hóa hình thức dạy học như dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình… nhằm khắc phục tác động của dịch Covid-19 và tạo điều kiện cho học sinh học tập mọi lúc, mọi nơi, hoàn thành chương trình đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Bộ GDĐT cũng đã ban hành Thông tư quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, tạo hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ, thay thế dạy học trực tiếp. Qua đó, giúp việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bồi dưỡng giáo viên phục vụ dạy học trực tuyến ở các nhà trường được hiệu quả, chất lượng.

Vân Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ