(Tổ Quốc) - Con mới đi học lớp một được hơn một tháng mà tính sơ sơ các khoản phải nộp cho con đã ‘đi đứt’ tháng lương viên chức. Biết là con vào lớp 1 sẽ gặp nhiều khó khăn và bố mẹ nào cũng muốn con mình được tạo điều kiện thoải mái nhất, vui vẻ nhất khi bước vào cổng trường tiểu học, thế nhưng không ngày nào bố mẹ khỏi canh cánh.
Sau thời gian đăng ký, nộp hồ sơ xin học vào trường, bố mẹ đã bắt đầu lo gom góp tiền để nộp cho con. Từ đầu tháng 8, khi con bắt đầu có tên trong danh sách vào trường là bố mẹ đã phải chuẩn bị, nào tiền học văn hóa, tiền quần áo đồng phục, mua sách vở cho năm học mới, tiền ăn trưa… chừng đó đã phải nộp gần 2,5 triệu đồng. Rồi tiền điều hòa, học phẩm, vào năm học thì tiền học hai buổi/ngày, tiền bán trú, hỗ trợ điện nước… ngót nghét 2 triệu nữa. Đi họp phụ huynh đầu năm học tiếp tục được thông báo quỹ CMHS, tiền trang thiết bị phục vụ dạy học phòng học hiện đại… thôi thì chả kê ra nữa, chứ thu nhập của viên chức lao động chả đủ tiền đóng cho con.
Bảng Thông báo thu tiền học tháng 9/2018 của một trường trên địa bàn Hà Nội |
Đành rằng lo cho con cái học hành là bổn phận của người làm cha, làm mẹ, và ở thành phố, con cái chúng ta được hưởng môi trường giáo dục tốt hơn so với nhiều vùng miền khác. Thế nhưng sao cứ nghèn nghẹn.
Con vào lớp một, mới lớp đầu tiên trong cả quãng đời học tập, bố mẹ thì lo lắng vậy, chưa kể có những trường, lớp còn quá tải học sinh, lãnh đạo và thầy cô giáo trong trường phải chịu áp lực sĩ số tăng cao, đến 60-70 học sinh/lớp, mà cũng không phải năm học này (2018-2019) mới xảy ra tình trạng số lượng học sinh tăng đột biến như vậy bởi ở các năm trước, lứa dê vàng (sinh năm 2003) và heo vàng (sinh năm 2007) số học sinh cũng đã tăng đột biến. Vậy mà vẫn không lo nổi trường lớp, cơ sở vật chất, giáo viên giảng dạy các em để rồi loanh quanh lại đổ lỗi tại quy hoạch phát triển thành phố không đồng bộ, tư duy nhiệm kỳ…
Con đi học, mỗi sáng thấy con oằn vai cắm cúi bước vào cổng trường vì trên vai đeo chiếc ba lô với quá nhiều sách vở, đồ dùng học tập. Nhìn cái dáng bé tí tẹo lúi cúi bước đi, chả kịp ngoảnh lại nhìn mẹ mà chỉ kịp chào “Con chào mẹ ạ!” Lòng ứa nước mắt. Chiều tối về nhà, nào là bài tập làm thêm, bài tập viết nâng cao ngoài chương trình học mà nếu không nhắc con làm thì lại sợ không theo được chương trình, rồi còn bài kiểm tra cuối mỗi học kỳ mà mẹ thấy con sẽ rất khó để thực hiện… Ước gì con vẫn được vui chơi, được thảnh thơi đùa nghịch như các bạn học sinh Pháp, Bỉ, Hà Lan… như mẹ biết khi nói chuyện với các mẹ bên đó.
Với những yêu cầu "Điền vần, Điền chữ, Viết dấu" trong sách, liệu các con có thể không ghi vào sách? |
Con đi học, mỗi ngày mẹ lại đọc bao nhiêu thông tin về giáo dục, khi thì tranh cãi chương trình giáo dục phổ thông với giáo dục công nghệ, chương trình thực nghiệm diễn ra hàng tháng trời mà vẫn chưa đến hồi kết. Rồi tranh cãi về lãng phí SGK hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm vì các con học ghi luôn vào sách khiến các em học sau sẽ không còn dùng được sách của các bạn đã học, không như bố mẹ ngày xưa dù bố mẹ sinh năm 7X thôi thì vẫn sử dụng được sách của các anh/chị học trước đó cả gần chục năm. Mà làm sao cứ phải yêu cầu giáo viên trên lớp hướng dẫn các con không được ghi vào trong sách trong khi sách thì ghi rõ “Điền chữ”, “Điền vần”, “Viết dấu”…
Hàng chục năm trời, năm nào cũng cải cách, hết thời này đến thời khác đều đưa vấn đề đổi mới, cải cách giáo dục, mà người viết không thấy cải được bao nhiêu, để lại mơ bao giờ cho tới ngày xưa, bố mẹ học hành thế nhưng đúng là thực chất, học cũng không vất vả như các con bây giờ, anh/chị có thể dạy cho em học, bố mẹ vẫn dạy được cho con và bố mẹ cũng chỉ tốn tiền đóng học phí cho con…
Người xưa có câu “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, quả thực việc nuôi con ngày nay vất vả gấp trăm ngàn lần trước, có lẽ không phải chỉ do từ phía chăm sóc con mình mà còn từ phía xã hội, khi cha mẹ vẫn ngày ngày phải gồng mình gánh cả trách nhiệm được làm phụ huynh.
Minh Vy