• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Học sinh to khỏe mà hiền lành cũng dễ là nạn nhân của “Bạo lực học đường”

Giáo dục 21/11/2016 07:02

(Tổ Quốc) -Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng “Bạo lực học đường” thường đến từ hai phía, “không có lửa làm sao có khói”. Tuy nhiên, thực tế lại có học sinh to khỏe nhưng hiền lành, dễ bắt nạt cũng dễ là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường đã và đang nhức nhối.

 Bạo lực học đường từ những lý do… rất bất ngờ!

Chị Giang có cậu con trai tên Thanh  học lớp 7 tại một trường nội thành Hà Nội từng là nạn nhân của bạo lực học đường khiến không ít người bất ngờ khi biết chuyện.

Nhìn vẻ ngoài Thanh cao lớn, khỏe mạnh, với cân nặng tầm 60 cân ai cũng nghĩ Thanh đi học tha bắt nạt bạn thì thôi chứ ai dám bắt nạt Thanh. Ấy vậy mà câu chuyện thực tế thì ngược lại. Nguyên do là Thanh nhìn vẻ ngoài như vậy thôi nhưng thực tế lại là đứa con trai hiền lành, nhút nhát và rất sợ đánh nhau. Một lần Thanh bị bạn trêu trọc, bắt nạt và cậu tỏ ra phản ứng rất yếu ớt nên nhóm bạn thích gây hấn này lấy làm thích thú vì phát hiện ra một người dễ bắt nạt mà lại to cao khỏe mạnh.

Thế là từ đấy, liên tiếp những dọa dẫm, đánh đập bất cứ lúc nào cũng có thể ập xuống đầu Thanh mà không cần lý do. Có thể Thanh đang đi cũng bất chợt bị nhận một cú đánh từ đằng sau, bên phải, bên trái hay ngay trước mặt. Những cú đánh như thế này đối với Thanh là chuyện cơm bữa.

Song không dừng lại ở đó, mức độ tăng tiến ngày càng được củng cố. Thanh bị chúng bắt ăn kẹo sau khi đã dí xuống đất, bị bắt ngửi tất được tháo từ chân đang đi  giày, bị bắt chép bài, bị gác chân lên đùi khi ngồi học…

Ảnh minh họa. Nguồn hoc.vtc.vn

Một mình Thanh chịu đựng những chuyện này và không nhận được chia sẻ từ phía gia đình cũng như nhà trường. Khi Thanh mang câu chuyện này kể với mẹ, mẹ Thanh nghĩ chỉ là câu chuyện tinh nghịch của học sinh mà thời nào cũng có và không quá to tát.

Có lần cổ đau, người không được kh ỏe, Thanh ngồi ôm cổ thì bị liên tiếp những cú đánh giáng xuống khiến gia đình phải đưa vào viện chiếu chụp. Rất may là vết đánh không quá trầm trọng, chỉ bị ở phần mềm và phải nẹp cổ một tuần.

Chưa hết, đỉnh điểm của sự việc xảy ra khi Thanh bị nhóm bạn khống chế, tụt quần và chụp ảnh. Vì sự việc nghiêm trọng này không thể đi xa và trở thành trò đùa cợt nên mẹ Thanh đã ý kiến với giáo viên chủ nhiệm phản ánh và nhờ can thiệp. Rất may, sau đó những bức ảnh dù đã bị một số học sinh xem đã không bị phát tán rộng. Nhưng chỉ được một thời gian sau, câu chuyện cũ lại bị lặp lại khi Thanh đi vệ sinh, nhóm bạn xấu đã lén nút quay trộm những hình ảnh nhạy cảm để lưu vào điện thoại và luôn đe dọa một ngày nào đó tung lên facebook.

Phụ huynh phải tự cứu con mình

Thanh từ một học sinh có học lực rất khá bỗng nhiên phải nhận liên tiếp những bài kiểm tra có kết quả yếu kém khiến gia đình phải ngỡ ngàng. Thanh nói với gia đình từ ngày bị đánh, dọa nạt Thanh luôn trong tâm trí sợ sệt, lo lắng, đề phòng và  không thể tập trung vào học được.

Nhận thấy nguy cơ bạo lực học đường bủa vây con mình, gia đình đã tìm mọi biện pháp, dùng mọi lời khuyên, như đưa đón con đến tận cửa lớp, dạy con cách ứng phó, gặp gỡ với nhóm bạn thường xuyên đánh đập, đe dọa con để khuyên giải, răn đe… nhưng tất cả dường như chỉ khả quan được vài hôm đầu, rồi chuyện lại xảy ra phức tạp hơn, dưới những hình thức khác. Đến lúc này thì người đau đầu không chỉ mình Thanh mà còn cả gia đình.

Gia đình tiếp tục đề nghị với giáo viên chủ nhiệm lớp can thiệp nhưng cô giáo thấy Thanh liên tiếp dính phải những rắc rối nên sinh ra hồ nghi từ phía Thanh cũng có “vấn đề”, chứ không phải từ nhóm bạn xấu chuyên bạo lực kia. Mệt mỏi và không có ý tháo gỡ câu chuyện bạo lực học đường, cô đã nói với gia đình Thanh; việc của tôi đến trường là để giảng dạy chứ không phải để giải quyết những rắc rối của học sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: giadinhvietnam.com

Đến lúc này chính Thanh là người xin mẹ cho được chuyển trường, chứ nếu tiếp tục theo học thì không thể tập trung học được. Thanh kể, từng có một bạn gái chỉ vì trong bức ảnh chụp kỷ niệm của lớp có nghịch ngợm lấy bút vạch vào má một bạn gái khác mà bị chủ nhân trả thù, đánh từ ngoài cổng trường đến nhà vệ sinh và cuối cùng cũng phải bí mật xin chuyển trường.

Nhận thấy nếu  không chuyển trường Thanh không những bị tổn thương nghiêm trọng về thể chất mà ngay cả tinh thần cũng bị ảnh hưởng. Do đó, cuối cùng gia đình quyết định chuyển trường cho Thanh.

Theo giảng viên Trần Thu Hương (Trường ĐH KHXH &NV, ĐHQG Hà Nội) lý do học sinh lại giải quyết một số mâu thuẫn cá nhân bằng đánh  nhau do các em ở độ tuổi còn rất trẻ nên không  đủ khả năng và tầm nhận thức để biết nên làm gì, giải quyết như thế nào, cái nào đúng, cái nào sai. Trong khi đó, tuổi trẻ phần lớn muốn thể hiện bản thân, đi tìm cảm giác mới, cảm giác mạnh.

Giảng viên Hương cũng cho rằng, có khi trong suy nghĩ của học sinh cho rằng mình phải thể hiện bản thân, thể hiện quyền lực bằng cách đánh bạn, bạn thua, mình thắng mới là quyền lực. Mặc dù thực tế, giải quyết mâu thuẫn bằng cách từ chối đánh nhau không phải thể hiện sự hèn kém, đấy là mình thể hiện độ điềm tĩnh, khoan dung.  Đây là suy nghĩ và hành xử của người chín chắn, người đã lớn. Và khi mọi chuyện có độ điềm tĩnh thì giải quyết nhiều vấn đề sẽ khác đi.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ