(Tổ Quốc) - Là một giáo viên có thâm niên với nghề nhưng lại "nổi tiếng" với những bài viết về văn hóa, hai lĩnh vực nghe có vẻ không ăn khớp với nhau cho lắm, thế nhưng qua những nghiên cứu và bài viết về văn hóa mà thầy giáo Trần Minh Thương thực hiện lại rất "hợp" nhau.
Nhân dịp năm mới Canh Tý, chúng tôi có dịp trò chuyện với thầy giáo Trần Minh Thương, câu chuyện xoay quanh chủ đề văn hóa và những mối quan tâm mà một thầy giáo ở miền sông nước miền Tây dành cho nghề nghiệp của mình mỗi dịp Tết đến xuân về.
- Thưa thầy giáo Trần Minh Thương, Tết Nguyên đán là dịp đặc biệt đối với người dân trên mọi miền đất nước, còn với thầy, Tết có ý nghĩa như thế nào?
- Trước hết, xin gửi lời cám ơn đến Báo điện tử Tổ Quốc đã tạo điều kiện cho tôi được chia sẻ với độc giả gần xa.
Theo tôi Tết Nguyên đán là thời khắc giao hòa của đất trời. Trong không khí vừa trang nghiêm vừa vui tươi, tôi nghĩ mỗi người đều cảm thấy sự xúc động và với niềm tin vững chắc vào cuộc sống.
- Tôi được biết, thầy giáo đã có nhiều bài nghiên cứu về những nét sinh hoạt văn hóa của người dân miền Tây sông nước, xin thầy cho độc giả của báo biết đặc trưng của ngày Tết cổ truyền miền Tây có những gì?
Tết cổ truyền người Việt ở miền Tây Nam bộ theo tôi có bốn đặc trưng cơ bản, thứ nhất, Tết đến, người người để ngưỡng vọng tiền nhân, tỏ lòng tôn kính những đấng anh hùng dân tộc đã có công dựng và giữ nước; Tết cũng là dịp để mọi người tưởng nhớ công lao của ông bà tổ tiên, truyền thống uống nước nhớ nguồn có thể nói được thể hiện đầy đủ nhất trong những ngày tết đến xuân về.
Thứ hai, Tết Nguyên đán chính là lúc mọi người luôn mong được hưởng phúc lộc, sự phù hộ độ trì của ông bà đã khuất dành cho con cháu. Người người đều mong ước và cầu chúc nhau một năm mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống an lành, hạnh phúc.
Thứ ba, tết Nguyên đán là tết đoàn viên, đoàn tụ. Dù ở đi, đi đâu, người tha phương cũng quay về nhà để sum vầy, vui xuân cùng cha me, anh em, họ hàng.
Và cuối cùng, Tết là dịp để mọi người, mọi nhà tự làm mới mình, làm đẹp cho làng xóm, quê hương, trong nhà ngoài ngõ đều tinh tươm. Điều này vừa là niềm tự hào vừa thể hiện lòng hiếu khách của người dân quê miền sông nước.
- Những gì thầy chia sẻ là những đặc trưng của ngày Tết cổ truyền, tôi thấy văn hóa ẩm thực của người miền Tây rất phong phú, đa dạng, thầy có thể nói cụ thể hơn người dân miền Tây ăn Tết như thế nào?
Người miền Tây ăn Tết với nhiều hoạt động như, họ tận dụng tối đa những gì sẵn có, kết hợp với trí tuệ dân gian, người dân quê chế biến những món ăn vừa độc đáo vừa đặc sắc. Có người, có nhà điều kiện kinh tế chưa cho phép thì anh em, hàng xóm sẵn sàng giúp nhau, chia sẻ cùng nhau để mọi người ai ai không ít thì cũng có tết. Đây là tinh thần tương ái tối lửa tắt đèn có nhau được gìn giữ và lưu truyền từ ngày những người tứ xứ đến đây dựng làng, lập xóm cho đến tận hôm nay.
Người miền Tây vừa ăn Tết vừa cúng Tết. Vì thế, thức ăn cũng rất đa dạng. Bánh tết có ba loại đặc trưng ít khi thiếu là bánh tét, bánh ít, bánh phồng. Bên cạnh đó là mứt tết làm từ các loại trái, củ thực vật. Bánh ngọt để uống trà đãi khách có bánh in, bánh kẹp, bánh bông lan…
Trong mỗi nhà, những món ăn tết luôn có là thịt kho hột vịt (thịt kho tàu, kho rịu), bì cuốn, khổ qua dồn thịt hầm, cháo gà, vịt, lòng gà vịt xào khóm, xào hẹ…
Dưa ăn tết có dưa cải, dưa kiệu, dưa hành…
Khô có khô cá lóc, khô cá sặt rằn (cá lò tho), khô tôm, khô tép, …
Đặc biệt nhất là rượu đế và lão tửu, là loại rượu pha với cơm rượu làm bằng nếp than và chôn ủ lâu ngày dưới đất…
Nói tóm lại những món ngon nhất đều có mặt trong ngày tết Nguyên đán.
- Tôi thấy, thường thì khi ăn no rồi thì con người ta thường hay nghĩ đến vui chơi. Người miền Tây chơi Tết ra sao, thưa thầy?
Không gian chơi tết của người miền Tây thường diễn ra ở hai nơi, một là không gian chùa Phật, đình Thần, Miễu Bà, hai là ở gia đình của người thân, của anh em hàng xóm láng giềng.
Biểu hiện chơi tết phổ biến nhất là trò chuyện, thăm hỏi, sau nữa là quây quần bên mâm rượu mừng năm mới. Người dân miền Tây có trò chơi tết phổ biến trước đây là múa Lân, đá gà… Các cụ bà thường đánh bài tứ sắc, các cụ ông đánh cờ tướng, trẻ con trong bộ quần áo mới rủ nhau chơi các trò dân gian như cùm nụm cùm nịu, nhảy cò chẹp, tạt lon, u hấp…
Thế nhưng ngày nay, những trò chơi dân gian ấy dần mất đi hoặc biến tướng thành những biểu hiện mang tính cờ bạc. Đây là những lệch lạc cần lên án, loại bỏ.
- Như vậy là cũng có những biểu hiện của việc thay đổi, biến tướng trong những nét sinh hoạt văn hóa ngày tết. Theo quan sát của thầy, người dân miền Tây có còn giữ gìn những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo mỗi dịp Tết nữa không?
Nhìn chung, những nét văn hóa vừa độc đáo vừa đặc trưng của người dân miền sông nước thường được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu qua những câu chuyện, qua những thị phạm trực tiếp. Người này truyền cho người kia, xóm này lan sang xóm khác… Cứ thế, như một dòng chảy mãi tuôn dài, tuôn dài…
- Trò chuyện với thầy từ đầu tới giờ, xin thầy cho biết cơ duyên nào đã đưa thầy đến với những nghiên cứu về văn hóa miền Tây thú vị như vậy?
Vấn đề này rất dài, chỉ xin được nói ngắn gọn rằng, là một giáo viên, tôi sinh ra và lớn lên cùng miền quê sông nước Hậu Giang. Từng miếng ăn, trò chơi, hơi thở, hay những lời ru ngọt ngào của mẹ đã thấm vào mình không biết tự bao giờ. Theo quy luật phát triển, cuộc sống ngày một năng động, không gian văn hóa truyền thống cũng dần thay đổi. Kéo theo đó là những biến động và giao thoa văn hóa dân gian. Với ước muốn lưu giữ lại những giá trị truyền thống của tiền nhân, có thêm chút kiến thức để những giờ lên lớp được tốt hơn, sinh động hơn, bằng những trải nghiệm từ trong gia đình đến hàng xóm, cùng với những lời kể các bậc cao niên mà tôi may mắn được gặp, được thấy, được nghe kể lại… Góp nhặt và ghi chép lại, nó êm ả như chính những dòng sông, con rạch, cánh đồng thửa ruộng chốn thôn quê.
Tôi đến với văn hóa dân gian miền Tây tới giờ, bước đầu đã có những thành quả nhất định. Điều đó, có lẽ là do sự đam mê cùng với ý nguyện người dân quê mình thật tuyệt vời, họ dạy mình nhiều lắm, sao mình không học ở họ, lưu giữ lại cho các em, các cháu sau này được biết, để nhớ…
- Trên cương vị một giáo viên, thầy có thể cho biết, với những giáo viên ở miền Tây Nam bộ, dịp Tết cổ truyền có ý nghĩa như thế nào?
Câu hỏi này rất hay, nhưng cũng rất khó trả lời thấu đáo. Tôi nghĩ rằng, ngày tết không chỉ là dịp nghỉ ngơi, thăm viếng họ hàng bạn bè mà còn được trải nghiệm sâu hơn, đa dạng hơn những giá trị văn hóa dân gian mà người bình dân bao đời đã hun đúc nên.
- Tại ngôi trường, nơi thầy đang giảng dạy, với những học trò thì Tết Canh Tý này đến với các em như thế nào?
Học sinh nơi tôi và các đồng nghiệp của tôi giảng dạy là trường vùng sâu. Tết đến là dịp các em vừa phụ giúp cha mẹ, vừa vui chơi, đặc biệt là các em luôn háo hức được trải nghiệm qua những gì thầy cô đã cung cấp trong các giờ ngoại khoái, trong các lần sinh hoạt Câu lạc bộ về ngày tết cổ truyền của dân tộc.
- Mỗi dịp Tết cổ truyền, nhà trường nơi thầy dạy học có hoạt động nào gắn với ngày Tết dành cho các giáo viên và học sinh trong trường hay không?
Hoạt động cơ bản nhất trong ngày tết của thầy trò chúng tôi là giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện Chủ đề học trải nghiệm về Tết Nguyên đán. Theo đó, các em có thể tiếp giúp cha mẹ vừa có thể nghe người lớn kể về ý nghĩa của việc ăn tết, chơi tết, các công việc, các món ăn ngày tết.
Các em có thể chụp lại hình ảnh, ghi lại âm thanh… Sau đó, các em có thể trình bày sản phẩm thu hoạch của mình bằng nhiều hình thức khác nhau trong các tiết Hoạt động ngoài giờ lên lớp hay các lần sinh hoạt Câu lạc bộ Văn học.
- Theo thầy thì nói đến văn hóa miền Tây, những nét sinh hoạt trong đời sống người dân gắn truyền thống tôn sư trọng đạo, tình cảm thầy trò thể hiện như thế nào trong dịp Tết nguyên đán?
Như tôi vừa nói, truyền thống của người Việt nói chung và cư dân miền Tây nói riêng là Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, vì thế, ngày tết đến, năm nào cũng vậy, học trò dù còn học hay đã ra trường đều nhớ về Thầy, Cô đã dạy dỗ mình. Các em thường đến tết Thầy, Cô vào ngày mùng Ba tết. "Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy" đề cập đế vấn đề này. Tôi cũng xin nói thêm, nét nghĩa nguyên thủy, đối tượng thầy được dân gian nhắc đến trong câu nói vừa dẫn, không hẳn là người trực tiếp dạy chữ mà nếu có dịp, chúng ta sẽ trao đổi kỹ hơn.
Bên chung trà đầu xuân, thầy trò cùng ôn lại những kỷ niệm, hỏi thăm công việc, công tác mà đong đầy biết bao tình nghĩa.
- Nhân năm mới Canh Tý đang đến, xin thầy chia sẻ cảm nghĩ của mình dịp đầu năm mới?
Cảm nghĩ đầu năm mới của người làm công tác giảng dạy và say mê với văn hóa dân gian là mong sao ngọn lửa nhiệt huyết luôn nồng cháy mãi trong thế hệ trẻ. Biết trân quý những di sản văn hóa của cha ông cũng là việc làm hữu hiệu nhất góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, như Nghị quyết TW 5, khóa VIII đã đề ra.
- Thầy có kỳ vọng gì vào công việc, những kế hoạch cho việc giảng dạy cũng như các học trò vùng sâu trong năm Canh Tý này?
Như chị đã biết, tôi có làm về công việc sưu tầm, khảo cứu văn hóa dân gian. Tôi hy vọng kịp ghi lại và lưu giữ những nét sinh hoạt, những phong tục tập quán mà bao thế hệ đã tạo nên và truyền lại. Các tác phẩm ấy được bạn đọc ủng hộ, đón nhận với tinh thần thấu cảm, chia sẻ.
Còn về công tác chuyên môn, hy vọng những chủ đề dạy học trải nghiệm tiếp tục phát huy hiệu quả, làm cho học sinh càng yêu hơn, thích hơn môn Ngữ văn, các em sẽ thấy nó chính là hơi thở, là cuộc sống, là những việc làm, trò chơi, câu nói rất đỗi quen thuộc hàng ngày của các em. Học sinh yêu thích bộ môn mình dạy là hạnh phúc lớn nhất của người thầy.
- Trân trọng cảm ơn thầy giáo Trần Minh Thương. Chúc thầy một năm mới an khang, thịnh vượng và đạt được những kỳ vọng!