• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về tự phê bình, phê bình

Văn hoá 04/05/2020 15:46

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người đã cùng với Đảng và nhân dân xây dựng nên Nhà nước cách mạng Việt Nam, Người luôn luôn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Người thường nhắc cán bộ, đảng viên là phải nắm chắc và khéo sử dụng vũ khí tự phê bình – phê bình và sửa chữa để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố chính quyền trong sạch vững mạnh.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về tự phê bình, phê bình - Ảnh 1.

Ảnh Tư liệu

Người vạch rõ: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”(1). Theo Người: “Nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa. Cán bộ và đảng viên làm việc không đúng, không khéo thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều. Đó là lẽ tất nhiên. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày, phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”(2)

Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang ở giai đoạn khó khăn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tự phê bình”. Người nêu vấn đề và Người tự giải đáp: “Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”(3). Điều quan trọng nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc mọi người cần chú ý trong phê bình và tự phê bình là thái độ thành khẩn, trung thực và xây dựng. Tự mình phải mạnh dạn công khai tự phê bình, có khuyết điểm gì nói bằng hết cho dù đó là việc làm khó khăn, đau đớn. Khi được người khác phê bình thì phải vui vẻ tiếp thu với thái độ thực sự cầu thị chứ không phải chỉ nhận lỗi qua loa hoặc tìm cách bao biện cho khuyết điểm của mình rồi lại “chứng nào tật nấy”. Khi phê bình người khác phải thành khẩn, đúng mực, có sao nói vậy, không nên “ít suýt ra nhiều”. Phê bình có tính xây dựng, không lợi dụng phê bình để bới móc, nói xấu lẫn nhau, không phê bình lung tung, hồ đồ, vô trách nhiệm. Phê bình không chỉ dừng lại ở việc vạch ra khuyết điểm mà còn phải đưa ra biện pháp sửa chữa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thừa nhận: “Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó, khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”(4). Có thể nói, tự phê bình chính là cuộc cách mạng diễn ra ngay trong bản thân mỗi con người chúng ta, tự chúng ta phải đấu tranh với chính bản thân mình. Vì vậy, tự phê bình cũng chính là phải tự xét mình, phải tự có ý thức rèn luyện, tự tu dưỡng, tự phấn đấu, tự răn mình. Thực tế cho thấy, những cán bộ không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, thì người đó ngày càng lao vào khuyết điểm, càng giảm sút uy tín dẫn đến thoái hoá, biến chất. Phê bình công khai có làm “suy giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền” không? Dứt khoát là có. Nhưng có “giảm bớt” này là tạm thời để rồi uy tín lại tăng lên, nếu quyết tâm sửa chữa khuyết điểm. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là công việc hàng ngày, hiển nhiên cần thiết như “cơm ăn cho khỏi đói”, như “rửa mặt cho khỏi bẩn”. Đặc biệt, Người phê phán thái độ phê bình không trên tinh thần đồng chí, không có lòng xây dựng, không chân thành giúp đồng chí. Đó là thái độ “đao to búa lớn” “việc bé xé to”, hoặc lợi dụng phê bình, cường điệu nâng quan điểm để hạ bệ nhau, mạt sát nhau. Đó là thái độ phê bình như Ng­ười viết, là “không nghiêm chỉnh”, không có tinh thần “phụ trách”, không theo phương châm “trị bệnh cứu người”. Người chỉ ra rằng, tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Càng yêu thương thì càng phải th¼ng thắn phê bình, có như vậy mới thực sự giúp nhau tiến bộ. Tránh thái độ đối với những người mắc sai lầm, khuyết điểm sử dụng phê bình như là những thủ đoạn, tiểu xảo để “dìm” nhau, làm mất uy tín của nhau.

Phê bình phải được thực hiện một cách dân chủ, công khai. Muốn dân chủ tốt thì cán bộ phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Thực hiện dân chủ trong phê bình tốt nhất là bằng phương pháp tác động từ trên xuống, từ dưới lên, từ ngoài vào:  Cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng tiến bộ. Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình. Đảng viên và cán bộ, Đảng, các đoàn thể nhân dân và chính quyền cần phải hoan nghênh và khuyến khích nhân dân phê bình. Nếu phê bình sai thì phải giải thích. Phê bình đúng thì phải công khai thừa nhận và sửa chữa. Phê bình phải công khai, dân chủ, tránh hiện tượng: “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, hay “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác định rõ đối tượng của phê bình “là công việc, chứ không phải là người” để loại trừ những thái độ thù hận, trả đũa hay mặc cảm đố kỵ.

Việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình, phê bình và sửa chữa khuyết điểm cho đến nay vẫn có ý nghĩa sống còn, cấp thiết để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng”(6). Đây là quy luật phát triển của Đảng. Thực chất của tự phê bình và phê bình là góp ý với đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp và tự kiểm lại bản thân xem cái làm được và chưa làm được, làm hay hoặc còn thiếu sót, sai lầm và tìm ra cách phát huy cái tốt, sửa chữa cái chưa tốt, chưa hay. Nội dung, phương pháp, thái độ tự phê bình và phê bình vẫn luôn là vấn đề mang tính thời sự trong sinh hoạt đảng cũng như trong cuộc sống.Có thể nói rằng, tự phê bình và phê bình là chìa khoá mở cho ta thấy người nào cũng có chỗ cho ta học hỏi và thấy được khuyết điểm của ta để sửa chữa. Tự phê bình là phân tích hành vi của chính mình, phát hiện ra những khiếm khuyết còn mắc phải. Đây được xem là hành động dũng cảm, tự mình vÊn lương tâm của chính mình. Cái khó nhất của tự phê bình là phải tự đặt mình vào địa vị của người khác để phê bình. Người ta ai cũng muốn được khen, không muốn bị chỉ trích, muốn nói tốt về mình hơn là nói về những điều chưa tốt. Ng­êi nãi: “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi”(7). Đây là một trở lực, nó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thành khẩn, học hỏi, rèn luyện đạo đức cách mạng. Nếu cán bộ, đảng viên không tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tiến bộ.

Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau, đã là con người thì ai cũng có những khuyết điểm và ưu điểm. Vì vậy, phê bình phải cùng lúc đạt được hai mục đích là phải cổ vũ, phát huy ưu điểm và đồng thời phải khắc phục được khuyết điểm, sai lầm. Chỉ nói cái xấu, mạt sát nhau là sai lệch, nhưng cổ vũ ưu điểm không đúng mức sẽ trở thành tâng bốc, nịnh hót nhau. Điều này đòi hỏi người phê bình phải suy nghĩ thật kỹ về điều mình sắp nói, không thêm bớt ưu, khuyết điểm, càng khách quan bao nhiêu càng mang lại hiệu quả bấy nhiêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm  và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”(8).

Thái độ của người được phê bình cũng là vấn đề đáng nói. Có những người rất sợ bị phê bình, họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Nếu có nghe cũng chỉ qua loa, để ngoài tai hoặc tiêu cực hơn là thái độ hẹp hòi, thù hằn đối với người phê bình mình. Đây là khó khăn đối với người muốn tích cực phê bình đồng nghiệp, đồng chí mình. Phê bình là một cử chỉ văn hoá, tiếp thu phê bình cũng phải là một cử chỉ có văn hoá, vì lợi ích chung, sự nghiệp chung. Điều này đã được minh chứng qua nhiều vụ án lớn thời gian qua. Thành thật với mình, thành thật với người, đó chính là nhân cách, là hành vi cao thượng, là trách nhiệm của con người nói chung và đối với đội ngũ cán bộ đảng viên nói riêng trước bản thân, cũng như trước yêu cầu đổi mới của đất nước.Nếu vì lợi ích của dân tộc, của đất nước, trong đó có lợi ích của mình, thì tự phê bình và phê bình không có gì là khó cả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề: Làm cách mạng mà không dùng cái vũ khí sắc bén nhất của cách mạng, hoặc chỉ dùng nó một cách qua loa thì cách mạng thế nào? Người nhấn mạnh nếu không thật thà tự phê bình, chỉ phê bình cho qua chuyện hoặc hình thức thì vô ích. Tự phê bình phải thật thà, không giấu giếm. Phải tìm cho ra vì sao mà sai lầm. Sai lầm ấy sẽ thế nào? Dùng cách gì mà sửa chữa, và phải kiên quyết sửa chữa. Đó là một cuộc đấu tranh. Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý. Người cách mạng cần tự phê bình và phê bình thiết tha như người ta cần không khí. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến mỗi ngày càng nặng

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng phong phú và cao đẹp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tấm gương đạo đức cách mạng, Người nói: “Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: ''Tự phê bình và phê bình phải thật thà vạch khuyết điểm, có lỗi mà không vạch ra, không khác gì người có bệnh mà không chịu khai với thầy thuốc... Vạch khuyết điểm để sửa chữa, cũng phải nêu ưu điểm để phát huy. Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cấp cao, phải noi gương trước''. Nhân ngày thành lập Đảng 3-2-1969, Bác viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Trong bài báo đầy tâm huyết và nỗi ưu tư ấy, Người chỉ rõ: ''Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên, phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng, phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ đảng viên...”.Trong bản Di chúc gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trước khi Người đi xa vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một di sản vô giá, môi trường tồn cùng dân tộc. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về tự phê bình, phê bình và sửa chữa là công việc thường xuyên hàng ngày đối với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Học Bác, làm theo Bác để xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh, thực hiện mong muốn của Người: dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, t.5, tr. 232

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr. 232-234

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.6, tr. 209

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.6, tr. 209

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr. 243

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr. 239

(7) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr. 166

(8)Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr. 232

Theo KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

NỔI BẬT TRANG CHỦ