(Tổ Quốc) - Sáng 25/11, tại TP. Huế, Học viện Âm nhạc Huế đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống và 10 năm thành lập học viện.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã đến tham dự và chia vui cùng các thế hệ thầy cô giáo cùng toàn thể học sinh, sinh viên của học viện.
Học viện Âm nhạc Huế tiền thân là trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế được thành lập năm 1962, đến năm 1986 sáp nhập với trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Năm 1994 trường đổi tên thành trường Đại học Nghệ thuật Huế - trực thuộc Đại học Huế, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống và 10 năm thành lập Học viện Âm nhạc Huế. Ảnh: Thế Trung. |
Tháng 11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập học viện Âm nhạc Huế - thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở tổ chức lại các Khoa, Bộ môn ngành âm nhạc của trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế.
Sự ra đời Học viện Âm nhạc Huế là phù hợp với xu hướng phát triển, bảo tồn giá trị di sản và văn hóa trong khu vực; về việc phát triển, nghiên cứu và đào tạo để phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị Nhã nhạc cung đình Huế và Cồng chiêng Tây Nguyên là hai loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Góp phần vào việc nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật âm nhạc của vùng văn hóa đặc sắc miền Trung và Tây Nguyên hết sức phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trải qua 55 năm truyền thống và 10 năm thành lập, Học viện Âm nhạc Huế đã nỗ lực hết mình, đến nay đã khẳng định được vị trí trong hệ thống các cơ sở đào tạo âm nhạc của cả nước. Đặc biệt Học viện có Khoa Âm nhạc Di sản chuyên đào tạo nhạc công cho các di sản âm nhạc đã được UNESCO công nhận như: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và dòng âm nhạc thính phòng Đàn – Ca Huế và Đàn hát dân ca Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu, chúc mừng tại buổi Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Học viện Âm nhạc Huế. Ảnh: Thế Trung. |
Bên cạnh đó, Trung tâm biểu diễn trực thuộc Học viện là đơn vị chuyên tổ chức các chương trình nghệ thuật giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước; Viện Dân tộc nhạc học chuyên nghiên cứu, sưu tầm và lưu trữ âm nhạc truyền thống khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Từ năm 2011, được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Âm nhạc Huế đã tổ chức liên kết đào tạo cao học các chuyên ngành Âm nhạc với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 2015, Học viện Âm nhạc Huế đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý tự chủ đào tạo cao học chuyên ngành nghệ thuật âm nhạc.
Đến tham dự buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã gửi lời chúc mừng, ghi nhận và biểu dương các thế hệ cán bộ, giảng viên qua các thời kỳ, các thế hệ học sinh, sinh viên của Học viện về những thành tích đã đạt được trong chặng đường xây dựng và phát triển vừa qua.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Học viện âm nhạc Huế mang trọng trách là một trong ba cơ sở đào tạo tài năng âm nhạc của Bộ, của đất nước và khu vực miền Trung với sứ mệnh đào tạo tài năng biểu diễn âm nhạc; nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa lĩnh vực âm nhạc; giao lưu và quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam.
“Với truyền thống 55 năm phát triển và trưởng thành, đặc biệt sau 10 năm thành lập trực thuộc Bộ VHTTDL, Học viện Âm nhạc Huế đã đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ, đóng góp cho sự phát triển nền âm nhạc nước nhà, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc; góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực âm nhạc nói riêng, cũng như sự nghiệp phát triển Ngành văn hóa nghệ thuật nói chung”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân Học viện Âm nhạc Huế có nhiều thành tích. Thế Trung. |
Trong thời gian tới đây, trước những khó khăn và thách thức trong công tác tuyển sinh, đào tạo, phát triển và hội nhập, Bộ trưởng hy vọng Đảng ủy, Ban Giám đốc, các viên chức, giảng viên và người lao động, các em học sinh, sinh viên của học viện tăng cường đoàn kết, nhất trí. Tập trung kiện toàn đội ngũ, hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo.
Thực hiện tốt đề án phát triển Học viện giai đoạn 2014-2020 đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt để khẳng định được vị thế của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, xứng đáng với sự tin tưởng của Bộ VHTTDL và kỳ vọng của toàn xã hội.
Thế Trung