Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống, đào tạo những tài năng âm nhạc lớn cho nước nhà
(Tổ Quốc) - Sáng 19/11, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do bà Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu đã tới thăm, chúc mừng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).
Dự buổi gặp mặt về phía Bộ VHTTDL có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, bà Đinh Thị Mai gửi tới tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam lẵng hoa tươi thắm cùng lời chúc mừng tốt đẹp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bà Đinh Thị Mai khẳng định, văn hóa văn nghệ là lĩnh vực có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi" để khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa.
Vì vậy, các thầy, cô giảng dạy tại Học việc Âm nhạc quốc gia Việt Nam không chỉ đang làm công việc của những người thầy giảng dạy kiến thức âm nhạc mà còn là hình mẫu, tấm gương đi đầu để giáo dục truyền thống yêu nước, đam mê nghệ thuật với thế hệ trẻ.
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai, trong tiến trình phát triển của đất nước, âm nhạc lúc nào cũng đóng một vị trí quan trọng. Âm nhạc tham gia vào quá trình xây dựng, bảo vệ tổ quốc đồng thời cũng đi vào đời sống, trở thành niềm đam mê, yêu thích và là động lực tinh thần cho người dân.
Với bề dày gần 70 năm hình thành và phát triển, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã đào tạo được rất nhiều những lớp nghệ sĩ tài năng.
"Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam là đơn vị đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của đất nước về âm nhạc, các thầy, cô giảng dạy vừa là các nghệ sĩ tài năng, đóng góp rất nhiều công sức, trí tuệ cho sự phát triển của âm nhạc cũng như văn hóa nước nhà", bà Đinh Thị Mai bày tỏ.
Theo Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai, trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật thời gian qua đó là chúng ta còn thiếu các tác phẩm lớn, những tác phẩm mới thực sự phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Với trách nhiệm là cơ quan nghiên cứu, đào tạo hàng đầu cả nước về âm nhạc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong rằng trong thời gian tới, các thầy, cô của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, đào tạo những tài năng âm nhạc lớn, đóng góp cho sự phát triển văn hóa của nước nhà. Để văn hóa thực sự là nền tảng của xã hội, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cảm ơn những tình cảm và lời chúc tốt đẹp của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, NSND Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam là đơn vị đào tạo thuộc Bộ VHTTDL. Từ khi được thành lập năm 1956, Học viện trở thành là trung tâm đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước với ba chức năng là đào tạo, nghiên cứu khoa học và biểu diễn âm nhạc.
Trong gần 70 năm quạ, các thế hệ thầy và trò Học viện đã luôn cố gắng, nỗ lực, cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn đề xây dựng và phát triển một ngôi trường có chất lương và uy tín trong lĩnh vực âm nhạc, là nơi ươm mầm cho nhiều tài năng âm nhạc nước nhà.
Trong năm học vừa qua, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào trong công tác đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc. Số học sinh, sinh viên của Học viện giành được các giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế ngày càng tăng. Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thường xuyên được Đảng, Nhà nước lựa chọn là đơn vị biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị quốc gia.
Về nghiên cứu khoa học, Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã hoàn thành Hồ sơ Mo Mường trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Đây là hồ sơ mới nhất tiếp theo sau 5 hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã được UNESCO công nhận do Viện Âm nhạc thực hiện.
Trong năm 2024, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng được Bộ VHTTDL giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Chuẩn chương trình đạo tạo các trình độ của giáo dục đại học thuộc nhóm ngành âm nhạc. Đây là cơ sở, căn cứ để các đơn vị đào tạo âm nhạc trong cả nước xây dựng và triển khai các mã ngành đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp thống nhất theo một bộ tiêu chuẩn chung toàn quốc.
Theo NSND Quốc Hưng, để có được những kết quả, những thành tựu trong suốt gần 70 năm xây dựng và phát triển như ngày hôm nay, các thế hệ thầy và trò Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã luôn nhận được sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của Bộ VHTTDL.
"Sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là của Bộ VHTTDL đã giúp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phát triển vững chắc, khẳng định rõ sứ mệnh của mình là cơ sở đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước; tham gia vào việc định hướng giáo dục nhằm nâng cao đời sống âm nhạc cho toàn xã hội; góp phần xây dựng nên văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với định hướng và tầm nhìn trở thành trung tâm đào tạo âm nhạc có uy tín trong khu vực, đủ năng lực để hội nhập quốc tế.
Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tiếp thêm niềm tin, thêm động lực để những người thầy giáo, cô giáo, những người nghệ sĩ của Học viện nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo, sự nghiệp văn hoá-nghệ thuật nước nhà", NSND Quốc Hưng bày tỏ./.