• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO

Văn hoá 01/01/2024 06:57

(Tổ Quốc) - Việc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO là động lực để Hội An gìn giữ, phát huy và trao truyền giá trị văn hóa làng nghề, nghề thủ công và nghệ thuật dân gian đến thế hệ mai sau.

Tối 31/12, tại Vườn tượng An Hội, UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức lễ công bố "Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO năm 2023". Đây là hoạt động điểm nhấn trong chuỗi sự kiện khép lại năm 2023 và chào năm mới 2024 của TP. Hội An.

Văn hóa sáng tạo là nguồn lực để phát triển bền vững 

Phát biểu tại lễ công bố, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh: Năm 2023 là năm đầu tiên Việt Nam có hai thành phố (Hội An và Đà Lạt) cùng lúc chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.

Bà Phương Hòa cho rằng, Hội An đã nỗ lực xây dựng hồ sơ trình UNESCO kể cho bạn bè thế giới câu chuyện một cách thuyết phục về một thành phố sáng tạo dựa trên di sản của cộng đồng, với sự tham gia của cộng đồng và vì cộng đồng.

"Ở thành phố này, không những có sự gìn giữ, trao truyền, phục hồi các nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian, mà còn "biến di sản thành tài sản", bằng tài năng, trí tuệ và tư duy rộng mở đã phát huy sự sáng tạo để tạo nên các giá trị mới, góp phần nâng cao đời sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", bà Phương Hòa nói.

Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) phát biểu tại lễ công bố.

Cũng theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), việc trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO không phải là có thêm một danh hiệu quốc tế, Hội An đã đủ danh hiệu và quá nổi tiếng khi sở hữu danh hiệu Di sản văn hóa thế giới và nghệ thuật Bài chòi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều quan trọng khi Hội An trở thành thành phố sáng tạo, chính quyền và cộng đồng dân cư của thành phố đã cùng đồng lòng đặt "văn hóa sáng tạo" vào trọng tâm của các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, coi văn hóa sáng tạo là nguồn lực để phát triển bền vững.

Bà Phương Hòa cho rằng, là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, Hội An đang đứng trước rất nhiều cơ hội, trong đó không thể bỏ qua những cơ hội giao lưu, trao đổi, hội nhập với 350 thành phố khác đến từ hơn 100 quốc gia, không chỉ trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian mà còn trong cả 6 lĩnh vực sáng tạo còn lại của Mạng lưới, góp phần nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu đưa Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch bền vững, truyền cảm hứng cho các thành phố trong nước và quốc tế.

Cùng với thủ đô Hà Nội (được công nhận là thành phố sáng tạo UNESCO về thiết kế năm 2019), Mạng lưới các thành phố sáng tạo Việt Nam đang dần hình thành, hứa hẹn sẽ đem lại những bước tiến mới trong phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo ở cấp độ địa phương và quốc gia; củng cố thương hiệu của các thành phố; thu hút du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh và bền vững.

"Bộ VHTTDL, cụ thể là Cục Hợp tác quốc tế, cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ và sát cánh cùng chính quyền và nhân dân TP. Hội An để triển khai các sáng kiến và cam kết quốc tế", bà Phương Hòa nói.

Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO  - Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Thanh Hường - Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao chứng nhận "Hội An gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO" cho lãnh đạo Thành phố Hội An.

Nỗ lực thực hiện những cam kết

Bà Phạm Thị Thanh Hường - Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhận định: Hội An được thế giới biết đến là điểm đến có tầm vóc toàn cầu. Bên cạnh đặc điểm có một không hai về cảnh quan văn hóa và sinh thái, chính nguồn lực văn hóa truyền thống sống động thể hiện thông qua nghề thủ công và nghệ thuật dân gian đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho Hội An trở thành điểm đến không thể nào quên đối với bất kỳ du khách nào.

"Hội An đã liên tục tiến những bước vững chắc và đầy ý nghĩa trong hành trình bảo tồn, phát huy và tiếp tục làm giàu thêm nguồn lực văn hóa, di sản của thành phố. UNESCO vui mừng nhận thấy việc chuẩn bị hồ sơ gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo trong năm 2023 thực sự trở thành một quá trình huy động sự tham gia, quy tụ, phát huy sự sáng tạo, sức mạnh tổng hợp và hợp tác của tất cả các bên, từ các nhà quản lý, chuyên gia, đến cộng đồng sáng tạo và rất nhiều đối tác khác", bà Thanh Hường cho hay.

Vị đại diện UNESCO nhấn mạnh: Danh hiệu thành phố sáng tạo mang đến những cơ hội lớn, nhưng đòi hỏi những cam kết trách nhiệm quan trọng. Theo đó, Hội An cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy nguồn lực thủ công và nghệ thuật dân gian trở thành khung hành động có tính chiến lược giúp thành phố đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tô đậm thương hiệu và danh tiếng của di sản này.

Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO  - Ảnh 3.

Tặng Bằng khen cho các cá nhân đã có đóng góp trong việc xây dựng hồ sơ cho Hội An tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tại lễ công bố, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho hay, cùng với việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thành phố cũng lựa chọn sự phát triển bền vững, coi trọng các giá trị sinh thái và nhân văn, luôn tạo cơ hội và ươm mầm cho các giá trị sáng tạo mới trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa.

Hội An đã mạnh dạn lựa chọn lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian để đăng ký gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO với mục tiêu vừa bảo tồn, phát huy thế mạnh vốn có, vừa thúc đẩy hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian của các thành phố trên thế giới, từ đó có thể tạo thêm nhiều giá trị mới nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ngày 31/10/2023, Hội An đã chính thức được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

"Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là trọng trách to lớn của chính quyền và nhân dân Hội An trong việc nỗ lực thực hiện các chương trình hành động và sáng kiến đã cam kết để mang lại các giá trị, lợi ích cao hơn cho cộng đồng, dân cư; qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, con người Hội An - Quảng Nam đến với bạn bè quốc tế", ông Sơn nói.

Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO  - Ảnh 4.

Du khách quốc tế vui chơi, tham quan du lịch và đón năm mới 2024 tại TP Hội An, Quảng Nam.

TP. Hội An có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da... Đông đảo cư dân Hội An tham gia các hoạt động thủ công và nghệ thuật dân gian một cách chính thức hoặc không chính thức gồm các nhóm: lao động tự do và sản xuất, kinh doanh thủ công; nhóm các nghệ sĩ, nghệ nhân, cá nhân thuộc các hiệp hội nghề nghiệp, điều hành các xưởng thủ công sáng tạo; nhóm còn lại gồm các doanh nghiệp và nhà kinh doanh trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Hiện có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian ở Hội An. Ước tính khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3.500 - 4.000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.

Tính đến tháng 10/2023, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có 350 thành phố thành viên từ hơn 100 quốc gia/vùng lãnh thổ, tập trung 7 lĩnh vực sáng tạo: thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ