(Tổ Quốc) - Sáng nay (15/11), TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) chính thức mở lại các hoạt động hướng dẫn tham quan du lịch.
- 02.11.2021 Hội An mở cửa đón khách trở lại từ ngày 15/11
- 30.09.2021 Hội An hướng tới "điểm đến xanh" hậu Covid-19
Từng bước đưa Hội An trở lại thời hoàng kim, trở thành điểm đến ưa thích đối với du khách trong và ngoài nước
Theo đó, bắt đầu từ ngày 15/11, TP Hội An tổ chức lại các hoạt động "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ", "Phố đêm"; hoạt động hướng dẫn tham quan tại khu phố cổ Hội An, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, khu di tích lịch sử rừng dừa Bảy Mẫu và Cù Lao Chàm.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An cho biết, địa phương đã lên kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn du lịch trong tình hình mới, thực hiện đúng các yêu cầu của "Bộ tiêu chí an toàn du lịch" trên địa bàn thành phố, hướng tới mục tiêu Hội An "Du lịch Xanh", tổ chức các chương trình tham quan khép kín dành cho du khách quốc tế đáp ứng đủ các yêu cầu về nhập cảnh và cách ly y tế... Thành phố cũng lên kế hoạch chỉnh trang bộ mặt đô thị, lập lại trật tự, trang trí cảnh quan chung và triển khai mở cửa các di tích, các hoạt động văn hóa-văn nghệ trong Khu phố cổ và trên toàn thành phố.
Cùng với đó, Hội An sẽ giảm 50% giá vé tham quan khu phố cổ và các làng nghề truyền thống; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, sự kiện, lễ hội hấp dẫn phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân và du khách; các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, điểm tham quan... cũng tung ra nhiều gói khuyến mãi dành cho du khách trong dịp này.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), việc mở cửa đón khách trở lại rất ý nghĩa, thể hiện đến bây giờ Hội An đã an toàn và chúng ta có thể tự do đi tham quan phố cổ.
Đồng thời, thể hiện quyết tâm của thành phố, người dân và doanh nghiệp trong việc vừa đảm bảo an toàn trong việc phòng chống dịch, vừa từng bước mở lại hoạt động tham quan du lịch, để phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân, vượt qua đại dịch, từng bước đưa Hội An trở lại thời hoàng kim, trở thành điểm đến ưa thích đối với du khách trong và ngoài nước.
"Trong thời điểm này chủ yếu đón khách trong tỉnh và một số địa phương lân cận và những đoàn khách quốc tế thí điểm dự kiến ngày 17 và 18/11 đến Hội An", ông Sơn nói và cho biết đến thời điểm hiện nay, thành phố đã có hơn 91% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine, trong đó có khoảng 35% đã được tiêm đủ mũi vaccine.
Nhiều hoạt động nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa-lịch sử lâu đời, tạo không gian vui chơi-giải trí phục vụ nhân dân và du khách
Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, nhân kỷ niệm 76 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945-2021), 22 năm ngày Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới (04/12/1999-2021), 04 năm ngày Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (07/12/2017-2021); TP Hội An tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa-lịch sử lâu đời, tạo không gian vui chơi-giải trí phục vụ nhân dân và du khách.
Vào sáng ngày 03/12, Hội An tổ chức lễ khánh thành và đón bằng công nhận di tích cấp Tỉnh đình Hội An (đình Ông Voi). Đình nguyên gốc là một trong những đình làng có niên đại hình thành lâu đời (thời Lê) ở Hội An, là nơi thờ tự các vị thần linh và diễn ra các lễ lệ, sinh hoạt cộng đồng của làng. Đình Ông Voi sau này còn là nơi hoạt động cách mạng, nơi cư trú của người dân tản cư vì chiến tranh; sinh hoạt hội đoàn thanh niên, dạy học thêm trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Kiến trúc đình Ông Voi đa dạng và tinh xảo ở từng chi tiết. Hệthống di vật trong đình còn khá nhiều, được chạm trổ, trang trí, sơn thiếp tinh xảo và có giá trị nghệ thuật cao. Trải qua nhiều biến thiên của thời gian, sự thay đổi trong kiến trúc cũng như chức năng, đình Ông Voi nay đã được trùng tu để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân địa phương và phục vụ du khách đến tham quan.
Vào 19g00 và 20g00 cùng ngày, tại Vòng cung Chùa Cầu, chương trình hoạt cảnh "Trang phục Hội An - Ký ức thời gian" là sự kết hợp giữa tái hiện cảnh sinh hoạt của người dân phố Hội và trình diễn các trang phục truyền thống trên nền nhạc cụ dân tộc sẽ đưa người xem hòa mình vào cuộc sống thường nhật nhẹ nhàng, đầy an yên của người Hội An xưa.
Tiếp đến, sáng ngày 04/12, Hội An tổ chức Giải việt dã truyền thống "Vì di sản văn hóa thế giới Hội An" với sự tham gia của đông đảo nhân dân, du khách, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hội An. Đây cũng là dịp để du khách gần xa được tham quan Khu phố cổ và trải nghiệm các hoạt động thú vị tại các làng nghề truyền thống thông qua chương trình "Miễn vé tham quan" cho tất cả các du khách đến Hội An trong ngày đặc biệt này.
Trong khoảng thời gian này sẽ diễn ra nhiều hoạt động khác như: giao lưu nghệ thuật hô hát Bài chòi; các buổi tọa đàm, hội thảo; khai mạc phòng trưng bày về di tích Nhà lao Hội An; tổ chức lễ ký kết hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản tư vấn cho dự án tu bổ di tích Chùa Cầu; các buổi triển lãm, trưng bày,…
Các hoạt động trên vừa nhằm chào mừng những ngày kỷ niệm mang ý nghĩa đặc biệt đối với thành phố; góp phần quảng bá hình ảnh Hội An, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và phát triển du lịch bền vững trong thời gian đến; vừa là cơ hội tái khởi động các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố, hứa hẹn mang đến cho du khách những góc nhìn mới lạ về Hội An.
Một số hình ảnh Hội An mở cửa đón du khách trở lại trong sáng 15/11 do phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc ghi lại: