(Tổ Quốc) - Ngày 31/10/2023, Hội An được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu (UCCN) trong lĩnh vực Thủ công và nghệ thuật dân gian.
Ghi danh Hội An vào UCCN trong lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian là sự tôn vinh của UNESCO đối với cộng đồng cư dân Hội An từ nghề nghiệp mưu sinh (các nghề thủ công) và đời sống văn hóa tinh thần (nghệ thuật dân gian) mà họ đã tạo ra, thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong hàng thế kỷ qua. Điều này cũng xác nhận "vốn sống" của người dân Hội An là nhân tố chính đưa thành phố này gia nhập vào UCCN.
Theo thống kê, Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, giày da... Trong đó có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống đã được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia. Hội An hiện có hơn 650 doanh nghiệp nhỏ và khoảng 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, với khoảng 4.000 người lao động trực tiếp, có thu nhập trung bình từ 3.500- 4.000 USD/người/năm.
Cộng đồng cư dân ở Hội An cũng đang "sở hữu" và thực hành nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc như: hát bả trạo, hò khoan, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè, hát bội, múa nghi lễ, tạo hình dân gian, trong đó có Nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
Sản xuất và kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ là sinh kế; trình diễn nghệ thuật dân gian là sinh hoạt tinh thần của người Hội An. Hai thứ đó hòa quyện với nhau, song hành tồn tại hàng trăm năm qua. Đó vừa là di sản do tiền nhân để lại, vừa là tài sản do các thế hệ đương đại kế thừa và lan tỏa ra thế giới bên ngoài. Sự sáng tạo, thực hành và trao truyền bền bỉ này đã khiến cho nghề thủ công, làng nghề truyền thống và nghệ thuật dân gian ở Hội An trở thành một "di sản sống", một tài sản giá trị của cộng đồng cư dân, mà UNESCO đã nhận ra và tôn vinh khi kết nạp Hội An vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu.
Có một sự khác biệt lớn khi so sánh Hội An với Hà Nội và Đà Lạt, đều là những thành viên trong UCCN. Đó là, không phải người Hà Nội nào cũng có thể thiết kế, hay người Đà Lạt nào cũng có thể sáng tạo âm nhạc, nhưng, người Hội An nào cũng có thể làm một nghề thủ công, có thể vận hành hiệu quả công việc ở làng nghề truyền thống, cũng như có thể tham gia diễn xướng một loại hình nghệ thuật dân gian của địa phương. Bởi vì đó là những thứ do chính họ sáng tạo và thực hành trong đời sống thường nhật.
Việc trở thành thành viên của Mạng lưới này là cơ hội tốt để Hội An quảng bá các nghề, làng nghề thủ công và nghệ thuật diễn xướng dân gian của địa phương ra bên ngoài, tạo điều kiện cho các sản phẩm thủ công có đất sống, nghệ thuật dân gian có đất diễn, người dân Hội An có cơ hội hưởng lợi tốt hơn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành hàng thủ công; từ việc thực hành, diễn xướng nghệ thuật gắn với sinh hoạt tinh thần của người dân và hoạt động du lịch ở địa phương.
Đối với cộng đồng, không nên dừng lại ở việc khai thác những giá trị đã có từ các di sản nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, không nên cực đoan trong việc bảo tồn các hình thức, mẫu mã của sản phẩm; các trình tự, nghi thức, bài bản… của nghệ thuật diễn xướng, mà nên xác định rõ đâu là tinh hoa, bản sắc, là tính xác thực của di sản, coi đó là nền tảng để phát triển và sáng tạo thêm, làm cho các sản phẩm phái sinh từ những di sản quý báu này có một hình thái mới, giá trị mới, đáp ứng với nhu cầu của đời sống đương đại và thị hiếu của khách du lịch.
Văn hóa không phải bất biến, hóa thạch, mà luôn vận động, phát triển cùng lịch sử. Vì thế, sản phẩm văn hóa cũng phải biến đổi theo. Làm được như thế thì mới có thể bảo tồn và phát triển các nghề thủ công và nghệ thuật dân gian ở Hội An một cách bền vững, năng động và thích ứng. Ngoài ra, cần mở rộng sự liên kết đa ngành, đa lĩnh vực, trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương. Sự liên kết này có thể diễn ra trong tạo hình, sử dụng chất liệu, huy động tay nghề cao, nhân công giỏi, cho đến khâu hoàn thiện sản phẩm, đóng gói bao bì, quảng bá và tiếp thị, nhất là ở các trung tâm giới thiệu sản phẩm thủ công tập trung mà Hội An đã triển khai từ nhiều năm nay. Như thế thì mới diễn giải đúng ý nghĩa của danh xưng "Thành phố sáng tạo" mà Mạng lưới này đặt ra và tôn vinh. Sáng tạo nghĩa là làm ra những sản phẩm mới tốt hơn, hoàn hảo hơn với chất lượng khác biệt so với những gì đã có trước đó.
Đối với chính quyền địa phương, cần đồng hành cùng người dân trong việc quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn lực mới, công nghệ mới; tạo thêm không gian sáng tạo và thực hành cho người dân; giúp người dân tìm kiếm đối tác bên ngoài Hội An, bên ngoài Việt Nam, thông qua việc tổ chức các sự kiện tôn vinh, quảng bá, giao lưu hợp tác với các thành phố thành viên của Mạng lưới, mở ra cơ hội giao lưu và thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian cho người dân Hội An.
Chính quyền địa phương cần có những chính sách và hành động nhằm phát triển các tổ chức xã hội, các nghiệp đoàn trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, trình diễn nghệ thuật; kích thích, phát huy sự sáng tạo của thợ thủ công, nghệ nhân, doanh nghiệp… ở Hội An trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, diễn xướng dân gian… Như vậy sẽ vừa tăng cường sinh kế cho người dân, vừa để nâng tầm và khẳng định giá trị những ngành nghề thủ công và loại hình nghệ thuật dân gian của Hội An mà Mạng lưới đã công nhận và tôn vinh.
Trở thành Thành phố Sáng tạo của UNESCO không phải là đích đến, mà là khởi đầu cho Hội An trong việc bảo tồn, tôn vinh các giá trị của nghề thủ công và nghệ thuật dân gian của cộng đồng; là hiện thực hóa những cam kết về phát triển bền vững và mang lại các giá trị, lợi ích cho cộng đồng từ di sản nghề thủ công và nghệ thuật dân gian mà địa phương này sở đắc.