(Tổ Quốc) - Ngày 24/10, tại di tích Chùa Cầu và hội trường Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức tọa đàm “Tham vấn chuyên gia về tu bổ di tích Chùa Cầu”.
Tọa đàm nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế đối với từng vấn đề kỹ thuật cụ thể; củng cố các kết quả khảo sát, nghiên cứu; từ đó thống nhất, tạo sự đồng thuận về giải pháp kỹ thuật để tiến hành tu bổ, phục hồi di tích Chùa Cầu đảm bảo theo quan điểm, nguyên tắc trùng tu.
Các chuyên gia tham gia tọa đàm đến từ Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Cục Di sản Văn hóa và Viện Bảo tồn Di tích thuộc Bộ VHTTDL; các chuyên gia trùng tu ở tỉnh Quảng Nam; các chuyên gia JICA; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan của tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An.
Tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, Chùa Cầu - giống như tên gọi - là ngôi chùa nằm trên chiếc cầu bắc ngang qua con lạch nhỏ trong khu đô thị cổ Hội An, được các thương nhân Nhật Bản xây dựng vào đầu thế kỷ 17. Đây là công trình duy nhất có gốc tích từ xứ sở Phù Tang trong lịch sử còn hiện hữu đến nay.
Chùa Cầu - tên gọi khác là Lai Viễn Kiều - là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, có giá trị đặc biệt to lớn về các phương diện lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật…; là sự hội tụ, kết hợp hòa quyện các thành phần, các giá trị văn hóa nội sinh và ngoại nhập, giữa phương Đông và phương Tây, tạo nên một chỉnh thể đa dạng trong thống nhất, trở thành biểu tượng đặc trưng và là linh hồn của đô thị cổ Hội An.
Tuy nhiên, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chịu tác động của thời gian, môi trường, nhất là ảnh hưởng của bão lũ hằng năm, công trình đã bị hư hỏng nghiêm trọng, cần phải được tu bổ khẩn cấp.
Sau một thời gian nghiên cứu kỹ với nhiều cuộc khảo sát, hội thảo, tọa đàm, trao đổi để thống nhất phương án trùng tu, ngày 13/1/2022, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định phê duyệt dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu do UBND TP. Hội An làm chủ đầu tư. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa được giao nhiệm vụ là đơn vị quản lý, tổ chức triển khai thực hiện. Dự án đã được UBND TP. Hội An tổ chức khởi công vào ngày 18/12/2022.
"Chùa Cầu là di tích hết sức đặc biệt. Công tác tu bổ di tích này luôn nhận được sự quan tâm của nhân dân và du khách, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cũng như bạn bè quốc tế, nhất là Nhật Bản. Vì vậy, tất cả các khâu trong quá trình tu bổ phải được khảo sát, tổ chức đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng nhằm đảm bảo tính khoa học, trong đó nội dung tham vấn ý kiến các chuyên gia là hết sức quan trọng", ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Theo KTS. Đặng Khánh Ngọc - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL), phần rất quan trọng là hệ thống nền móng và kết cấu đỡ sàn của Chùa Cầu. Đây là những hệ thống cơ bản nhất giúp công trình ổn định, giữ toàn bộ kiến trúc cầu đứng vững và bền vững theo thời gian. Tất cả cấu kiện của Chùa Cầu hiện đều có tuổi, có tật, xuống cấp theo thời gian, chịu sự tác động của thiên nhiên và con người. Nhiều cấu kiện còn hình dạng nhưng khả năng làm việc chỉ 30-40%.
"Qua xem xét, đánh giá về việc xử lý, tu bổ, thay thế dầm sàn, các chuyên gia nhận thấy hệ thống sàn có khá nhiều sai lệch, khuyết tật. Việc đánh giá là rất cần thiết để giúp hình thành phương án xử lý. Cần có cách tiếp cận toàn diện đối với việc tu bổ di tích Chùa Cầu và xử lý triệt để các yếu điểm của hệ thống chịu lực cho di tích Chùa Cầu", KTS. Đặng Khánh Ngọc nói.
Dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam 50% và UBND Thành phố Hội An 50%.
Theo đó, Chùa Cầu sẽ được tu bổ, gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, hệ khung gỗ, hệ mái; cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình. Ngoài ra, dự án còn tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật bao gồm điện chiếu sáng cảnh quan, chống sét, phòng cháy chữa cháy, mạng internet, hệ thống camera an ninh...