(Tổ Quốc) - Chính quyền thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã phê duyệt Đề án “Cải tiến phương thức bán vé tham quan Khu phố cổ Hội An bằng hình thức vé tham quan số hóa”.
- 13.11.2019 Hai nhóm nhạc và đoàn nghệ thuật múa nổi tiếng của Hàn Quốc sẽ tới Hội An biểu diễn
- 09.09.2019 Quảng Nam kỷ niệm 20 năm Di sản Văn hóa Thế giới Hội An, Mỹ Sơn
- 08.09.2019 Hội An là thành phố quyến rũ nhất thế giới 2019
- 17.07.2019 Có một Hội An bình yên trong nắng sớm
- 16.07.2019 Google Doodles vinh danh Hội An, thành phố quyến rũ nhất thế giới 2019
Sáng 15/11, Trung tâm Văn hóa – Thể thao & Truyền thanh – Truyền hình TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết Phó Chủ tịch UBND TP Hội An – ông Nguyễn Văn Sơn vừa ký Quyết định số 2143/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Cải tiến phương thức bán vé tham quan Khu phố cổ Hội An bằng hình thức vé tham quan số hóa".
Theo Đề án, từ năm 1995 đến nay, thành phố Hội An đã phục vụ khách tham quan trong nước và quốc tế bằng việc phát hành "Vé tham quan khu phố cổ Hội An", nay là "Vé tham quan di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An". Nguồn thu từ vé tham quan đã đóng góp đáng kể cho ngân sách, giúp thành phố chủ động tạo nguồn quỹ trùng tu, tu bổ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của Hội An.
Việc phát hành vé tham quan trọn gói dành cho du khách đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao của ông Richard Englhardt – Cố vấn văn hóa UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát triển du lịch di sản văn hóa tổ chức tại TP Lệ Giang (Trung Quốc) năm 2000 khi xem đây là một mô hình tiêu biểu của việc "Lấy di tích nuôi di tích" và "Mang giá trị và cái đẹp của di tích đến cho mọi người".
Tuy nhiên, phương thức bán vé, kiểm soát vé, thanh toán tài chính cho các di tích trong tuyến tham quan hoàn toàn được thực hiện bằng phương pháp thủ công nên phát sinh nhiều bất cập đến nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Tính chuyên nghiệp trong quản lý và phục vụ du lịch của thành phố chưa theo kịp với tốc độ phát triển khoa học – công nghệ trong giai đoạn hiện nay.
Để giải quyết các bất cập và khắc phục những thực tế nêu trên, việc phát hành vé tham quan số hóa bằng việc sử dụng công nghệ thông tin là thực sự cần thiết và hoàn toàn khả thi.
Mục đích của Đề án nhằm đảm bảo sự thuận tiện, nhanh chóng, chính xác, khoa học, chuyên nghiệp; tạo được sự công bằng và đảm bảo quyền lợi cho du khách. Tạo sự tiện lợi, văn minh, không gây phiền hà cho du khách trong công tác bán vé, kiểm soát vé tham quan, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tham quan Di sản văn hóa thế giới Hội An, tăng uy tín và thương hiệu du lịch Hội An. Ngoài ra, chống thất thu kinh phí từ việc quay vòng vé tham quan, tăng nguồn thu ngân sách cho thành phố. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động và quản lý du lịch…
Đề án được áp dụng tại khu phố cổ Hội An (các quầy vé và các di tích) và một số điểm ngoài khu phố cố (các bãi giữ xe của thành phố). Tổng kinh phí thực hiện Đề án (từ nguồn đầu tư phát triển nguồn thu vé tham quan) hơn 5,7 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 1,7 tỷ đồng và giai đoạn 2 hơn 4 tỷ đồng.
Theo Đề án, các đối tượng được miễn 100% gồm: trẻ em dưới 16 tuổi, nhà báo, nhà nghiên cứu, hội viên hội di sản Việt Nam. Ngoài ra, các đối tượng được miễn giảm lệ phí theo quy định của UBND TP Hội An gồm: Các đoàn khách ngoại giao của trung ương, tỉnh, thành phố; người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hội An; nhân dân TP Hội An và người thân của những hộ dân đang sinh sống tại khu di sản; khách đã được thành phố tặng "Thẻ khách danh dự".
Tiến độ thực hiện Đề án có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020), thực hiện tại 04 quầy vé và 21 di tích. Theo đó sẽ tiến hành lắp đặt thiết bị vận hành thử nghiệm tại 4 điểm bán vé để phục vụ cho khách đi theo đoàn làm thủ tục mua vé tham quan số hóa. Cụ thể: Quảng trường sông Hoài, Quầy vé số 8 đường Hoàng Diệu, Quầy vé số 78 đường Lê Lợi và Quầy vé số 62 đường Bạch Đằng.
Giai đoạn 2 (từ tháng 12/2020 trở đi) sẽ tiếp tục lắp đặt tại các quầy vé còn lại và các bãi đậu xe do thành phố đầu tư đưa vào vận hành chính thức gồm: Thanh Hà, Sơn Phong, Công ty CP CTCC (ngã tư đường Hai Bà Trưng – Nguyễn Tất Thành), bờ nam cầu Quảng trường sông Hoài. Tại các di tích sẽ vận hành thử nghiệm thiết bị kiểm tra vé tham quan số hóa song song với vé thủ công hiện hành (cắt ô vé) tại 21/24 di tích (trừ 3 di tích mộ cổ).
Giai đoạn 3 (1/1/2021), đầu tư lắp đặt bổ sung máy "Tra cứu thông tin" (kios thông tin) tại các điểm bán vé, trung tâm đón tiếp du khách, trong khu phố cổ, các bãi đỗ xe do thành phố đầu tư. Hoàn thiện đề án, nhận bàn giao từ đối tác cung cấp thiết bị để đi vào hoạt động chính thức.