(Tổ Quốc) - Câu chuyện vé tham quan đang “nóng” trên các diễn đàn báo chí và mạng xã hội khi UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) thông tin về phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An kể từ ngày 15/5/2023. Hội An có đánh mất mình từ việc bán vé tham quan? Việc bán vé có phù hợp với quy định bảo vệ di sản? Người dân và du khách có quyền lợi và trách nhiệm như thế nào trong câu chuyện mua vé - trả phí? Báo điện tử Tổ Quốc ghi nhận thực tế và ý kiến nhiều chiều để rộng đường dư luận.
Từ ngày 15/5/2023, du khách trong nước và quốc tế phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào khu phố cổ Hội An. Vé vẫn giữ nguyên mệnh giá hiện hành là 120.000 đồng/vé (dành cho khách quốc tế) và 80.000 đồng/vé (dành cho khách nội địa). Thời gian bán vé tham quan từ 7 giờ 30 đến 21 giờ 30 hằng ngày vào mùa hè và đến 21 giờ vào mùa đông.
Bên cạnh đó, sẽ có 2 lối đi riêng tại các đường chính vào khu phố cổ, gồm một lối đi dành cho người dân và một lối đi dành cho du khách.
"Nếu chính quyền có cách làm phù hợp, người dân sẽ ủng hộ"
Những ngày này, vợ chồng ông Trần Quang Duy (Hà Nội) lưu trú tại một homestay ở phường Cẩm Nam, TP. Hội An. Hằng ngày, vợ chồng ông đi bộ khoảng 600m vào khu phố cổ để thưởng thức các món ăn, uống cà phê và ngắm dòng người tấp nập ngược xuôi trên những con phố nhỏ, ngõ nhỏ. Nghe thông tin du khách trong và ngoài nước sẽ phải mua vé tham quan khu phố cổ, ông Duy bày tỏ sự đồng tình.
"Chủ trương bán vé tham quan là hợp lý. Bán vé phải kèm theo nâng cao chất lượng phục vụ, làm du lịch bài bản; không để xảy ra tình trạng bát nháo, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, làm hình ảnh Hội An ngày càng xấu xí. Vấn đề là thực hiện như thế nào để bảo đảm sự thuận tiện, thoải mái, văn minh cho cả du khách lẫn người dân địa phương", ông Duy nói.
Một chủ quầy hàng lưu niệm trên đường Trần Phú (TP. Hội An) cho biết: "Nếu chính quyền có cách làm phù hợp thì người dân chúng tôi sẽ ủng hộ". Song, ông lo lắng cuộc sống của người dân trong khu phố cổ có thể bị xáo trộn, nhất là các hộ kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.
Có mặt ở Hội An, hướng dẫn viên du lịch Mai Văn Chính - hướng dẫn viên tự do, chuyên dẫn khách quốc tế cho rằng, việc khách phải mua vé tham quan khu phố cổ là hợp lý.
"Hội An đang rơi vào tình trạng quá tải du khách. Cần bán vé để hạn chế lượng người; khách vào khu phố cổ phải trả tiền để có trách nhiệm bảo vệ di sản", ông Chính nêu ý kiến.
Trong khi đó, chị Phạm Kim Anh (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) tỏ ra khá bất ngờ khi biết thông tin khách vào khu phố cổ phải mua vé từ ngày 15/5.
Chị Kim Anh bày tỏ: "Qua theo dõi tin tức trên báo chí và mạng xã hội, tôi nghĩ rằng việc Hội An yêu cầu du khách mua vé - trả phí và dựng barie phân luồng lối đi là chưa hợp lý. Với tư duy hạn chế khách vào khu phố cổ, Hội An sẽ không còn là một di sản sống với hồn cốt là những con người văn hóa - những con người đang sống trong lòng di sản. Tôi thường xuyên đến Hội An gặp gỡ bạn bè và thưởng thức các món ăn trên đường phố, giờ đây quả thật tôi có chút lăn tăn nếu phải mua vé".
Đón du khách ở những tuyến đường chính, có nhân viên hướng dẫn
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP. Hội An cho biết, từ trước đến nay, công tác kiểm soát vé tham quan khu phố cổ Hội An chưa chặt chẽ, việc phục vụ du khách cũng chưa bảo đảm tốt nhất, dẫn đến thất thu ngân sách của thành phố từ nguồn vé rất lớn.
Theo bà Cẩm, Hội An đang tổ chức lập lại trật tự văn hóa, môi trường du lịch, văn hóa kinh doanh trong khu phố cổ; đồng thời tạo thêm nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật để phục vụ nhu cầu thưởng lãm, tham quan, trải nghiệm của du khách.
"Chúng tôi muốn sản phẩm của mình ngày càng đa dạng, chuyên nghiệp hơn. Theo đó, chính quyền xác lập các lối đi nhằm tạo sự tiện lợi, thoải mái, an toàn cho du khách và người dân Hội An. Hiện nay, việc đón tiếp, phục vụ du khách chưa được như mong muốn. Khách vào một số tuyến đường kiệt, hẻm, không có lực lượng trực hoặc nhân viên hướng dẫn nên nhiều khách cảm thấy chưa hài lòng. Chúng tôi muốn đón khách ở những tuyến đường chính, có nhân viên hướng dẫn. Barie được lắp đặt nhẹ nhàng để du khách biết rằng cần phải mua vé tham quan khu phố cổ. Du khách lịch sự, văn minh và có trách nhiệm thì sẽ tự giác mua vé tham quan", bà Cẩm lý giải.
Khách tham quan khu phố cổ Hội An rất đông nhưng chỉ 50% lượng người mua vé. Khi lượng khách quá tải thì nguy cơ về môi trường du lịch rất lớn nếu không có biện pháp kiểm soát. Rác thải rất nhiều, lực lượng vệ sinh môi trường dọn vệ sinh liên tục nhưng không thể tải nổi lượng rác do du khách thải ra.
Bên cạnh đó, đối với việc trang trí cảnh quan, các điểm check in, xây dựng các điểm văn hóa nghệ thuật phục vụ du khách, nếu có nguồn thu bảo đảm thì sẽ được nâng cấp sản phẩm và dịch vụ, gia tăng sự chuyên nghiệp, tạo sự yên tâm, hài lòng cho du khách.
Bà Cẩm cũng thông tin: Khi tổ chức bán vé tham quan khu phố cổ, kiểm soát viên và hướng dẫn viên sẽ hỗ trợ du khách tham quan các điểm thuận tiện nhất. Du khách mua vé thì có thể đến mọi nơi, check in ở các kiệt, hẻm. Các camera cũng được lắp đặt để chính quyền hỗ trợ du khách kịp thời hơn.
Phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An chia 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 vừa thực hiện, vừa điều chỉnh phù hợp. Giai đoạn 2 thực hiện đề án số hóa vé tham quan, áp dụng công nghệ để nhận diện du khách và người dân bằng phương pháp tối ưu hơn.
"Chúng tôi mong muốn mỗi du khách chung tay góp sức cùng chính quyền và người dân Hội An bằng tình yêu phố Hội để thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa thế giới này", bà Cẩm nói.
Quy định du khách tham quan khu phố cổ Hội An phải mua vé đã có từ lâu
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, cuối thập niên 1980, vé tham quan phố cổ Hội An được thiết kế gồm 4 điểm di tích đều thuộc sở hữu tư nhân và tập thể, với giá 7.000 đồng/khách nước ngoài và 1.500 đồng/khách nội địa. 50% số tiền thu được thuộc phần các chủ di tích; 50% còn lại là chi phí hành chính, ấn loát, điện nước, sửa chữa nhỏ các di tích trong ô vé tham quan…
Tháng 8/1995, "Quy chế quản lý khách tham quan du lịch phố cổ Hội An" ra đời và đến ngày 15/10/1995 chính thức bán vé trọn gói tham quan Khu vực I phố cổ với giá gấp 10 lần.
Từ năm 1995 đến nay, phương án phát hành vé tham quan chung cho cả "vùng lõi" - khu vực I của khu phố cổ Hội An đã nhiều lần thay đổi, cải tiến phương thức gắn với bổ sung nhiều nội dung chương trình, sản phẩm văn hóa - du lịch. UNESCO châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cao phương án này là "mô hình mang nhiều ưu điểm" vì quản lý được nguồn vé, tránh những tiêu cực xảy ra tại điểm di tích, nhất là kiểm soát được số lượng khách tham quan.
85% số tiền thu được từ vé tham quan dành cho việc đầu tư trùng tu các di tích, chi trả cho các chủ di tích tập thể và tư nhân, duy tu, bảo dưỡng các công trình công cộng phục vụ khách tham quan. Từ ngày 1/11/2012, TP. Hội An điều chỉnh giá vé dành cho khách nước ngoài từ 90.000 đồng lên 120.000 đồng/người, khách Việt Nam từ 45.000 đồng lên 80.000 đồng/người. "Như vậy, về bản chất chủ trương bán vé trọn gói và cơ cấu giá vé đã có từ lâu và đến nay vẫn không thay đổi", ông Lanh nêu rõ.